Trước thời đại của giấy vệ sinh, con người đã dùng gì để thay thế cho chúng?

04/10/2020 09:54 AM | Công nghệ

Người Hy Lạp cổ đại đã dùng những mảnh gốm khắc tên kẻ thù của mình để chùi sau khi đi cầu tiêu.

Trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, nước Mỹ đã bị rơi vào khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng không chỉ đo được bằng số khẩu trang bán ra, mà còn thể hiện bằng những quầy giấy vệ sinh trống rỗng ở siêu thị. Tất cả dường như đều bị vét sạch. Người dân Mỹ tích trữ giấy vệ sinh như một công cụ sinh tồn trong đại dịch.

Trên thực tế, giấy vệ sinh chỉ mới bắt đầu có mặt ở Phương Tây từ thế kỷ 16. Ở Trung Quốc, nơi giấy là một trong bốn phát minh tiêu biểu thời cổ đại của họ, giấy vệ sinh đã xuất hiện từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên.

Đến đây, nhiều người có thể hỏi rằng: Vậy trước khi có giấy vệ sinh, con người sống trong các xã hội văn minh đã dùng gì để thay thế chúng?

Susan Morrison, một giáo sư nghiên cứu văn học Trung cổ tại Đại học Texas cho biết trả lời câu hỏi này là một thách thức. Sẽ rất khó để chúng tga ngày nay có thể tìm thấy các bằng chứng khảo cổ của một vật dụng, hay công cụ nào đó từng được người xưa dùng để vệ sinh khi đi cầu tiêu.

Đó là bởi phân của con người là vật chất hữu cơ, các dụng cụ vệ sinh cũng có thể dễ bị phân hủy. Hầu hết các bằng chứng về chúng chỉ có thể tìm thấy trong văn học và nghệ thuật, nơi các công cụ vệ sinh được ghi chép lại bằng các mô tả và hình vẽ.

Theo những gì Morrison thu thập được, trong suốt lịch sử, con người đã sử dụng mọi thứ từ chính tay mình, lõi ngô đến tuyết để làm sạch sau khi đi tiêu.

Một nghiên cứu năm 2016 trên Tạp chí Archaeological Science: Reports đã tiết lộ một trong những công cụ cổ nhất được ghi nhận cho mục đích này. Đó là những cây gậy vệ sinh có niên đại từ 2.000 năm trước ở Trung Quốc.

Trước thời đại của giấy vệ sinh, con người đã dùng gì để thay thế cho chúng? - Ảnh 1.

Một cây gậy vệ sinh của người Trung Quốc được tìm thấy trong di tích trạm dịch trên Con đường tơ lụa

Những cây gậy này thường được làm từ tre hoặc gỗ dẹt, bọc trong một lớp vải. Sau khi đi cầu xong, người Trung Quốc sẽ dùng nó để quẹt qua hậu môn và làm sạch. Nghiên cứu trên Archaeological Science đã tìm thấy 7 chiếc gậy vệ sinh còn dính vật chất hữu cơ trên vải.

Chúng được phát hiện trong một di tích trạm dịch có tên là Huyền Tuyền trên Con đường tơ lụa, với niên đại khoảng 2.000 năm từ thời nhà Hán. Xét nghiệm các vật chất hữu cơ trên các cây gậy vệ sinh này, các nhà khoa học đã tìm ra dấu vết của các ký sinh trùng như trùng roi và sán trong phân – một khẳng định cho thấy người Trung Quốc cổ xưa đã sử dụng chúng để lau sau khi đi cầu.

Thật thú vụ đó cũng là một bằng chứng cho thấy các căn bệnh do ký sinh trùng gây ra đã lây lan từ Trung Quốc sang Trung Đông và Châu Âu qua Con đường Tơ lụa.

Trước thời đại của giấy vệ sinh, con người đã dùng gì để thay thế cho chúng? - Ảnh 2.

Gậy tersorium của người Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Giống với Trung Quốc, người dân ở Châu Âu trong thời kỳ Hy Lạp-La Mã (tính từ năm 332 trước Công nguyên đến năm 642 sau Công nguyên) cũng có những chiếc gậy vệ sinh cho riêng mình. Chúng được gọi là "tersorium".

Một nghiên cứu trên tạp chí British Medical Journal đã mô tả nó là một chiếc gậy với bọt biển ở đầu được để trong phòng vệ sinh công cộng, và người dân sẽ sử dụng chung.

Tuy nhiên, một số học giả cho rằng tersorium có thể đã không được người Hy Lạp và La Mã sử dụng để lau bồn cầu chứ không phải lau hậu môn của họ. Người ta làm sạch bồn cầu bằng cách đổ một xô nước muối hoặc giấm vào đó rồi dùng gậy tersorium chà qua lại.

Các văn bản cổ đại mô tả tersorium là một cây gậy dơ bẩn nhưng chưa có bằng chứng cụ thể cho biết nó được sử dụng vào mục đích nào.

Trước thời đại của giấy vệ sinh, con người đã dùng gì để thay thế cho chúng? - Ảnh 3.

Những viên sỏi pessoi của người Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Mặc dù vậy, có một bằng chứng khá rõ ràng cho thấy người Hy Lạp và La Mã cổ đại có một công cụ để làm sạch khác. Đó là những viên sỏi nhỏ được gọi là pessoi. Một bức chạm khắc có niên đại 2.700 năm cho thấy hình ảnh của những người đàn ông đang ngồi xổm và sử dụng pessoi để làm sạch.

Pessoi được mô tả là những viên sỏi có hình tròn hoặc bầu dục. Nó thường được tìm thấy trong các tàn tích nhà tiêu thời La Mã và Hy Lạp cổ. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu vết của phân trên pessoi, một khẳng định cho thấy đây chính là công cụ người xưa dùng thay cho giấy vệ sinh.

Trước thời đại của giấy vệ sinh, con người đã dùng gì để thay thế cho chúng? - Ảnh 4.

Những mảnh gốm ostraka khắc tên kẻ thù của người Hy Lạp.

Ngoài những viên sỏi, người Hy Lạp cổ dường như cũng đã sử dụng những mảnh gốm để cạo chất thải dư thừa ra khỏi người mình. Chúng được gọi là ostraka, và thậm chí văn hóa dùng nó còn có một đặc điểm hết sức thú vị.

Gốm có thể được chế tác. Và do đó, các mảnh ostraka cũng được cá nhân hóa như một dụng cụ riêng thay vì dùng chung. Người Hy Lạp cổ đại thường khắc tên của kẻ thù mình lên ostraka. Và họ nghĩ bằng cách sử dụng nó để vệ sinh, mình sẽ bôi bẩn được tên kẻ thù và cảm thấy hả dạ.

Thật không may, những mảnh gốm ostraka đôi khi cũng làm chính khổ chủ của chúng bị thương. Nghiên cứu trên tạp chí British Medical Journal cho thấy nhiều người Hy Lạp có thể đã bị rách mông trong khi dùng chúng. Gốm cũng có thể gây kích ứng da và khiến họ bị trĩ ngoại.

Trước thời đại của giấy vệ sinh, con người đã dùng gì để thay thế cho chúng? - Ảnh 5.

Đây là những thanh gỗ Chuugi của người Nhật Bản.

Ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8, người ta đã sử dụng một loại que gỗ khác gọi là chuugi để làm sạch cả bên ngoài và bên trong hậu môn. "Chuugi" nghĩa đen cũng có nghĩa là "đưa que lên mông".

Và mặc dù gậy đã được phổ biến để làm sạch hậu môn trong suốt lịch sử, người cổ đại đã lau bằng nhiều vật liệu khác, chẳng hạn như nước, lá, cỏ, đá, lõi ngô, lông thú và vỏ sò.

Morrison cho biết thêm, vào thời Trung cổ người ta còn sử dụng rêu, cói, cỏ khô, rơm và những mảnh thảm trang trí để làm sạch sau khi đi tiêu. Các tài liệu cho thấy một số người còn sử dụng cổ của những con ngỗng để làm điều đó.

Trước thời đại của giấy vệ sinh, con người đã dùng gì để thay thế cho chúng? - Ảnh 6.

Trước giấy vệ sinh ,lõi ngô từng được sử dụng phổ biến.

Các bằng chứng đầu tiên về giấy vệ sinh được tìm thấy ở Trung Quốc, trong lăng mộ của Hán Vũ Đế khiến nó được cho là đã được phát minh ra từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Đó là một loại giấy gai dầu không thể viết được, nên có thể người Trung Quốc đã được sử dụng nó trong phòng vệ sinh.

Mặc dù vậy, phải đến năm 1393, giấy vệ sinh ở Trung Quốc mới được sản xuất hàng loạt và trông khá giống với giấy vệ sinh bây giờ. Chúng được làm từ gạo, mỏng và mềm.

Trước thời đại của giấy vệ sinh, con người đã dùng gì để thay thế cho chúng? - Ảnh 7.

Người Trung Quốc bắt đầu sản xuất giấy vệ sinh từ thế kỷ 14.

Tại Phương Tây, phải đợi đến năm 1857, giấy vệ sinh mới trở nên thịnh hành và được sản xuất trên quy mô lớn. Các cuộn giấy trắng và mềm như lụa đã chiếm được cảm tình của họ từ đó đến giờ.

Tuy nhiên, quay trở lại Phương Đông, các quốc gia ở đây dường như đã lại tiến hóa nhanh hơn một bước trong vấn đề vệ sinh. Bây giờ, hàng tỷ người ở Trung Quốc và các quốc gia Châu Á, Trung Đông đã chuyển sang xử dụng vòi xịt để làm sạch. Giấy vệ sinh không còn là một công cụ sinh tồn đối với họ nữa.

Tham khảo Livescience, Nationalgeographic, Archaeological Science

Thanh Long

Từ khóa:  giấy vệ sinh
Cùng chuyên mục
XEM