Trung Quốc xây tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên kéo tới sát biên giới Việt Nam
500 mét đường ray đầu tiên trên tuyến đường sắt cao tốc kết nối giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được lắp đặt hôm qua (8/8) tại thành phố Cảng Phòng Thành ở Quảng Tây. Đây cũng là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên chạy thẳng đến biên giới Việt – Trung của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc dẫn thông tin từ Công ty hữu hạn Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh cho biết, tuyến đường sắt này kết nối giữa thành phố Cảng Phòng Thành và thành phố Đông Hưng ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc, có tổng chiều dài 46,9 km, tốc độ thiết kế 200 km/h. Cơ sở hạ tầng đang xây dựng được chuẩn bị sẵn để nâng tốc độ lên 250 km/h trong tương lai.
Tuyến đường sắt này nằm ở cực Tây tuyến đường sắt ven biển của Trung Quốc, cũng là tuyến đường sắt đầu tiên đến Đông Hưng, thành phố cửa khẩu duy nhất kết nối giữa Trung Quốc với Việt Nam bằng cả đường biển và đường bộ.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt sẽ giúp cắt giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 60 phút xuống còn khoảng 20 phút và kết nối Đông Hưng, thành phố biên giới giáp với Việt Nam, vào mạng lưới đường sắt cao tốc dài 42.000 km của Trung Quốc.
Tuyến đường sắt này nằm dọc theo biên giới và bờ biển, địa hình phức tạp, chạy qua 8 hầm đường bộ và 32 cây cầu, tỷ lệ cầu và hầm chiếm tới 68%. Đến nay, các dự án hầm và cầu trên toàn tuyến về cơ bản đã hoàn tất. Dự kiến, tuyến đường sắt sẽ hoàn thành lắp đặt đường ray vào cuối tháng 9 và có thể đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2023.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, dự án đường sắt Cảng Phòng Thành – Đông Hưng là một trong những dự án trọng điểm của “Phương án thực hiện thúc đẩy xây dựng chất lượng cao tuyến đường bộ, đường biển mới miền Tây trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025)” của Trung Quốc.
Sau khi thành phố biên giới Đông Hưng kết nối với mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc, khoảng cách giữa đường sắt cao tốc của nước này với đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái của Việt Nam sẽ rút ngắn xuống còn 5 km, giúp việc đi lại giữa Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ cũng như Khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc với thị trường ASEAN trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai bên.