Trung Quốc "vỡ mộng" bá chủ chip toàn cầu vì Mỹ

15/10/2022 10:42 AM | Công nghệ

Việc Mỹ đưa ra một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu liên quan đến chất bán dẫn, khiến tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp chip của Trung Quốc bị “đứt gánh”.

Theo CNBC, tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip trong nước của Trung Quốc có thể trở nên khó khăn và tốn kém hơn sau khi Mỹ đưa ra một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu trên phạm vi rộng nhất liên quan đến công nghệ bán dẫn chống lại Trung Quốc.

Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra các quy tắc nhằm ngăn chặn Trung Quốc mua hoặc sản xuất chip và linh kiện quan trọng cho siêu máy tính. Động thái này của Mỹ được nhiều chuyên gia nhận định sẽ khiến Trung Quốc "vỡ mộng" vươn lên bá chủ ngành chip toàn cầu.

Mỹ lập luận rằng các chất bán dẫn có thể được Trung Quốc sử dụng cho các vũ khí quân sự tiên tiến. Ông Abishur Prakash, người đồng sáng lập Trung tâm Đổi mới Tương lai, một công ty tư vấn cho biết: “Mọi chuyện sẽ không thể trở lại như trước đây. Với hành động mới nhất của Mỹ, hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đã xa đến mức không thể quay trở lại”.

Theo quy định mới của Mỹ, các công ty cần giấy phép để xuất khẩu chip hiệu suất cao sang Trung Quốc. Ngay cả những con chip do doanh nghiệp nước ngoài sản xuất liên quan đến AI và siêu máy tính, sử dụng các công cụ và phần mềm của Mỹ trong quá trình thiết kế và sản xuất, cũng sẽ phải có giấy phép mới được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bênh cạnh đó, các công ty Mỹ sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc xuất khẩu máy móc cho các công ty Trung Quốc đang sản xuất chip có độ tinh vi nhất định.

"Các quy định mới liên quan đến xuất khẩu chip của Mỹ là một dấu hiệu cho thấy quốc gia này không cố gắng xây dựng lại mối quan hệ với Bắc Kinh. Thay vào đó, Mỹ đang nói rõ rằng họ đang xem xét cuộc cạnh tranh này nghiêm túc hơn bao giờ hết và sẵn sàng thực hiện các bước mà trước đây không thể tưởng tượng được”, chuyên gia Prakash nói.

Trung Quốc vỡ mộng bá chủ chip toàn cầu vì Mỹ - Ảnh 1.

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngành sản xuất chip sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Có thể thấy, khi căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng trong vài năm qua, công nghệ và đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm như chip, đã bị kéo vào cuộc chiến nảy lửa.

"Trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn đều là những lĩnh vực mà Trung Quốc xác định là công nghệ mà họ muốn nâng cao năng lực trong nước. Nhưng các quy định mới của Mỹ sẽ khiến điều đó trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực chip", ông Pranay Kotasthane, Giám đốc Chương trình địa chính trị công nghệ cao tại Viện Takshashila nhận định.

Mặc dù Mỹ đánh mất vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực sản xuất chip, nhưng quốc gia này vẫn tự hào khi sở hữu các công ty mạnh trong lĩnh vực công cụ thiết kế. Các sản phẩm của những công ty này được các doanh nghiệp khác sử dụng trong chuỗi cung ứng.

Ví dụ, các loại chip tiên tiến do TSMC sản xuất có khả năng sẽ sử dụng các công cụ của Mỹ trong một số công đoạn của chuỗi cung ứng. Trong trường hợp này, các hạn chế của Mỹ sang Trung Quốc sẽ được áp dụng.

Washington đã sử dụng cái gọi là quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài này để khống chế Huawei dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Theo các quy tắc đó, Huawei đã bị cắt khỏi các chip tiên tiến nhất mà TSMC đang sản xuất và được thiết kế cho điện thoại thông minh của họ.

Bên cạnh đó, các quốc gia khác có thể phải chịu áp lực trong việc không chuyển một số thiết bị nhất định cho Trung Quốc. Ví dụ, các công ty sẽ cần phải có giấy phép để vận chuyển máy móc cho các xưởng đúc chip của Trung Quốc nếu các cơ sở đó đang sản xuất một số chip nhớ hoặc chip có kích thường 16 nanomet, 14 nanomet hoặc thấp hơn.

Nhà sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Co. hay SMIC, hiện đang sản xuất chip 7nm, nhưng không phải ở quy mô lớn. Nhưng để tạo ra những con chip có độ tinh xảo này trên quy mô lớn, với chi phí thấp hơn và độ tin cậy cao hơn, SMIC và các xưởng đúc khác của Trung Quốc sẽ cần phải có trong tay một bộ dụng cụ cụ thể được gọi là máy in thạch bản cực tím.

Công ty ASML của Hà Lan là công ty duy nhất trên thế giới có khả năng chế tạo loại máy móc thiết yếu này. Nếu nó bị Mỹ áp lệnh hạn chế xuất khẩu hoặc chịu áp lực từ Washington để không bán cho các công ty Trung Quốc, điều này có thể cản trở hoạt động của các nhà sản xuất chip của Trung Quốc.

Sản xuất chất bán dẫn là một chuỗi cung ứng siêu toàn cầu hóa. Việc bị hạn chế hoạt động này đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc phải "tái tạo guồng quay" trong nước. Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ cần vốn và nguồn nhân lực có trình độ cao hơn để có thể vượt qua cú sốc này.

Theo Cẩm Anh

Cùng chuyên mục
XEM