Trung Quốc và sự trỗi dậy của các doanh nghiệp thế hệ mới

26/09/2017 07:25 AM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2016, Trung Quốc đứng đầu thế giới về tổng mức đầu tư cho mảng công nghệ tài chính và luôn đứng trong top những nước chi tiền cho các mảng khởi nghiệp khác.

“Thời kỳ mới, cách mạng mới. Từ trong sâu thẳm trái tim, tôi là một người sáng tạo”. Đây là cây khẩu hiệu vẽ trên tường một nhà kho ở Shekou, gần Hong Kong. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu khẩu hiệu này không phản ánh một làn sóng thay đổi trong thế hệ doanh nghiệp Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và người tiêu dùng toàn cầu.

Chỉ cách đây vài năm, sự đổi mới và sáng tạo của Trung Quốc khiến nhiều người liên tưởng đến sao chép và ăn cắp công nghệ. Tuy nhiên giờ đây, thế hệ các doanh nhân và nhà khởi nghiệp mới đã biến Trung Quốc thành một trung tâm công nghệ không hề kém cạnh thung lũng Silicon.

Ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng phải thừa nhận điều này. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã chi tới 77 tỷ USD trong khoảng 2014-2016 cho những công ty Trung Quốc, cao hơn rất nhiều so với mức 12 tỷ USD trong khoảng 2011-2013.

Năm 2016, Trung Quốc đứng đầu thế giới về tổng mức đầu tư cho mảng công nghệ tài chính và luôn đứng trong top những nước chi tiền cho các mảng khởi nghiệp khác.

Tổng giá trị những startup có mức vốn trên 1 tỷ USD tại Trung Quốc hiện vào khoảng 350 tỷ USD và gần như tương đương với Mỹ. Thậm chí nếu so sánh về mức độ giàu có, hiện Trung Quốc có 609 tỷ phú, cao hơn 552 tỷ phú của Mỹ.

Giờ đây, nhiều công ty công nghệ hàng đầu đang đổ về Trung Quốc, những nhân tài, nguồn vốn và kỹ thuật mới đang được ứng dụng và phát minh tại đây. Câu chuyện sao chép và ăn cắp bản quyền dù vẫn còn nhưng đang dần bị thay thế bởi cả một thế hệ nhà khởi nghiệp và những công ty startup trẻ đầy tiềm năng.

Sự trỗi dậy của doanh nghiệp thế hệ mới

Với vị thế là nền kinh tế thứ 2 thế giới và thị trường số 1 toàn cầu, Trung Quốc đủ tự tin để thu hút được những doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế cũng như giữ chân được các nhân tài. Thêm vào đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong nhiều năm đang khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn nhiều các thị trường như Châu Âu hay Mỹ.

Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc dễ dàng chấp nhận những dịch vụ hay sản phẩm nội địa có giá trị và lợi ích cao. Điều này giúp những startup dễ dàng chào bán sản phẩm của mình hơn.

Sau nhiều năm chạy theo những thương hiệu Phương Tây, giờ đây người tiêu dùng trẻ Trung Quốc sẵn sàng thử nghiệm những sản phẩm mới. Giới nhà giàu Trung Quốc hiện nay trẻ hơn và suy nghĩ của họ về tiêu dùng không còn như trước. Ví dụ những người mua xe Audi tại Đức có độ tuổi bình quân là 50 thì tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 30.

Với độ tuổi trẻ hơn, người tiêu dùng thông thạo về công nghệ hơn và họ muốn thử những dịch vụ mới, kỹ thuật mới thay vì trung thành với các thương hiệu nổi tiếng cũ.

Thêm vào đó, việc người dùng Trung Quốc hiện nay sử dụng nhiều điện thoại và Internet khiến các công ty khởi nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí cho quảng bá và tiếp cận thị trường. Thậm chí Trung Quốc ngày nay đang dần tiến tới một thị trường không tiền mặt, điều mà cả Mỹ, Nhật Bản hay nhiều nước phát triển khác vẫn còn đang cố gắng theo đuổi.

Năm 2016, tổng giá trị thanh toán trực tuyến của Trung Quốc đạt 8,6 nghìn tỷ USD, cao hơn rất nhiều mức 112 tỷ USD tại Mỹ.

Một yếu tố nữa khiến các startup của Trung Quốc bùng nổ và dần thay thế mô hình kinh doanh cũ là do những tập đoàn quốc doanh làm việc không hiệu quả. Nhờ những ông lớn kinh doanh kém hiệu suất nên những nhà khởi nghiệp có thể dễ dàng lấy được cảm tình của khách hàng bằng những dịch vụ chất lượng và ứng dụng được các công nghệ hiện đại. Điều này khó xảy ra tại những thị trường như Mỹ khi các ông lớn sở hữu công nghệ cao, lượng lớn bản quyền và nguồn vốn khủng, có thể đè bẹp nhiều nhà khởi nghiệp.

Ví dụ như ngành bảo hiểm Trung Quốc đang hoạt động không hiệu quả khi các bệnh nhân phải xếp hàng dài tại bệnh viện trong khi giá thuốc cao ngất ngưởng. Ngay lập tức Alibaba nhảy vào với ứng dụng AliHealth kinh doanh dược phẩm trực tuyến, rồi WeDoctor cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn với bác sĩ qua điện thoại.

Một ngành nữa cũng hoạt động không hiệu quả bởi các công ty quốc doanh là logistic. Năm 2016, ngành này chỉ tương đương 15% GDP và có chi phí đắt hơn cả các nước như Brazil hay Ấn Độ. Chính điều này đã thúc đẩy những startup như Huochebang ra đời, chuyên về công nghệ logistic. Theo nhà sáng lập Richard Yang của Huachebang, tỷ lệ vận chuyển trống (không vận tải theo hàng) tại Trung Quốc hiện nay lên tới 40%, cao hơn rất nhiều so với Mỹ.

Trong khi những công ty quốc doanh cũ ở Trung Quốc đang vất vả bảo vệ thị phần nội địa thì những doanh nghiệp thế hệ mới, những startup đã có tầm nhìn đến khách hàng quốc tế. Rất nhiều nhà sáng lập được đào tạo ở nước ngoài hay được rót vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế đã có tầm nhìn xa hơn là quanh quẩn trong thị trường số 1 thế giới.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ mở rộng ra toàn thế giới”, Chủ tịch Jean Liu của hãng DiDi Chuxing, công ty khởi nghiệp có giá trị lớn thứ 2 thế giới sau hãng đối thủ Uber.

AB

Cùng chuyên mục
XEM