Trung Quốc "toan tính" gì với thị trường điện Việt Nam?

07/08/2018 08:30 AM | Xã hội

Tuỳ theo nhu cầu về dạng năng lượng của mình, Trung Quốc góp phần thúc đẩy, hoặc giảm các phân ngành năng lượng của thế giới.

Trung Quốc di chuyển, cả thế giới di chuyển

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc là rất lớn, TS. Nguyễn Tuệ Anh nói tại nghiên cứu chuyên đề: "Vai trò của Trung Quốc trong 50 năm phát triển ngành điện Việt Nam".

Trung Quốc toan tính gì với thị trường điện Việt Nam? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Tuệ Anh

Dù đất nước này đã có chính sách nhằm làm giảm nhu cầu năng lượng 1,5%/năm nhưng đến năm 2040, Trung Quốc vẫn chiếm 1/4 lượng năng lượng tiêu thụ của thế giới.

Mốc thời gian 2040 cũng sẽ liên tục ghi nhận các kỷ lục mới về năng lượng của quốc gia hơn 1 tỷ dân này. Đơn cử như sản xuất năng lượng tăng khoảng 45%, lượng tiêu dùng than đứng thứ 2 thế giới hay trở thành nhà sản xuất năng lượng từ dầu khí đá phiến thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Trung Quốc cũng trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vào năm 2020.

"Trung Quốc di chuyển, cả thế giới di chuyển, đặc biệt trong ngành năng lượng", TS. Tuệ Anh cho biết đây là câu nói được giới học thuật đúc kết khi quan sát sự chuyển dịch của ngành. Bởi tuỳ thuộc vào nhu cầu từng dạng năng lượng của Trung Quốc, thị trường thế giới tăng, hoặc giảm theo.

Trung Quốc toan tính gì với thị trường điện Việt Nam? - Ảnh 2.

Hiện Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về điện. Đến năm 2040, trung bình một người dân nước này tiêu thụ điện sẽ gấp 2 so với thời điểm hiện tại. Nguyên nhân Trung Quốc đang tiến hành "xanh hoá bầu trời", chuyển dịch các loại xe chạy bằng xăng dầu sang sử dụng điện.

Tính từ năm 2016 đến năm 2040, Trung Quốc sẽ vượt xa Mỹ về sử dụng điện, theo số liệu của TS. Tuệ Anh.

Trung Quốc toan tính gì với thị trường điện Việt Nam? - Ảnh 3.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nếu chia theo dạng phát điện, thì điện than tại nước này đang có xu hướng giảm xuống, trong khi đó, các loại năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời dần tăng lên.

Trung Quốc nhìn thấy ở thị trường năng lượng Việt Nam những điểm gì?

Năng lượng là một ngành thiết yếu, yêu cầu vốn đầu tư lớn. Do vậy, nó trở thành bài toán khó buộc phải giải của hầu hết các quốc gia trên thế giới. "Trung Quốc muốn tác động lên ASEAN thông qua nhu cầu về tiền đầu tư cho dự án năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng của các nước này", bà Tuệ Anh cho biết.

Một số ngân hàng, quỹ tiêu biểu của Trung Quốc trong việc cho vay vốn đầu tư vào hạ tầng, năng lượng bao gồm AIIB (Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á), Quỹ Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Trung Quốc-ASEAN, Quỹ Con đường tơ lụa…

Ngược lại, 5 thị trường tiêu thụ về năng lượng tại ASEAN gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cũng rất muốn mời gọi các nước đầu tư vào thị trường điện.

Trung Quốc toan tính gì với thị trường điện Việt Nam? - Ảnh 4.

Trong những năm trở lại đây, 5 quốc gia này đã mở rộng cửa cho thị trường này. Tính mở được đánh giá là rất lớn tính từ giai đoạn 2009 – 2011. Khoảng thời gian này cũng trùng với thời gian các quỹ của Trung Quốc được thành lập.

5 nước này cũng có sự trao đổi, mua bán điện với nhau. Do đó, nếu bước chân vào được một trong những thị trường này, gần như Trung Quốc sẽ bước được vào toàn bộ 5 nước, giúp mở rộng thị trường.

Trung Quốc nhìn thấy ở thị trường Việt Nam những cơ hội, theo TS. Tuệ Anh. Theo bà, những tiềm năng này được thể hiện ở việc Việt Nam là nước láng giềng ngay sát cạnh, thị trường điện lực đang rất mở, nhu cầu điện lớn. Bên cạnh đó, nhiều nguồn tài nguyên năng lượng của Việt Nam chưa được khai thác ở mức tối đa.

Lo ngại nguy cơ vốn Trung Quốc vào điện than

Tuy nhiên, khi nói đến đầu tư của Trung Quốc vào thị trường điện Việt Nam, rất nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, bởi đi cùng dòng tiền Trung Quốc đa phần đổ vào nhà máy điện than, vốn gây ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thị Hằng, đại diện GreenID nhắc lại về báo cáo của tổ chức này hồi tháng 5/2017 với tự đề Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: Góc nhìn tài chính. Theo đó, Trung Quốc hiện đang cấp 8,3 tỷ USD vốn vay vào điện than.

Bằng việc cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam, GreenID nhấn mạnh Trung Quốc, (ngoài ra có Nhật Bản và Hàn Quốc) đã đạt được mục đích mở rộng thị trường cho các công ty thiết kế, cung cấp thiết bị và xây dựng của những quốc gia này.

Điều này đặc biệt quan trọng với Trung Quốc, nơi mà hàng loạt các công ty trong lĩnh vực nhiệt điện than bị giảm thị phần do vấn đề dư thừa công suất điện than, lo ngại ô nhiễm môi trường và cạnh tranh của năng lượng tái tạo.

Với Trung Quốc, hoạt động cấp vốn vay cho các dự án nhiệt điện than còn giúp mở đường đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm và nhập khẩu tài nguyên của quốc gia này, đồng thời nâng cao sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

TS. Lưu Bích Hồ thì nhận định: "Điện than của Trung Quốc mạnh nhất nhưng cũng tồi tệ nhất về công nghệ". Ông bày tỏ sự lo ngại khi rất nhiều nhà máy điện than sẽ xuất hiện, đi vào hoạt động. "Việt Nam chưa thức tỉnh, mà thức tỉnh cũng chưa có cách gì thay đổi", ông Hồ cảm thán và cho biết hiện chưa có phương pháp thay thế điện than.

Bà Phạm Chi Lan nói rằng bên cạnh giá trị tiền vốn của Trung Quốc cần phải tính được công suất điện mà nước này tạo ra tại Việt Nam tương đương là bao nhiêu. Bởi lẽ, nhiều dự án chất lượng kém, bị đội vốn lên, trong khi sản phẩm tạo ra thì không đáng kể.

Qua quan sát, bà Lan nhận định ý định làm điện than của Việt Nam còn rất lớn, với lý do là chi phí rẻ. Tuy nhiên, đó chỉ là sự ăn gian khi bỏ đi các chi phí ngoại biên, những hệ quả cần giải quyết liên quan đến môi trường.

"Trung Quốc đang muốn bỏ điện than, họ dư thừa và muốn phân tán. Việt Nam là nơi họ muốn bán", bà cho hay.

Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng cần cân nhắc kỹ về vấn đề này, bởi không phải ngẫu nhiên mà cựu Phó Tổng Thống Mỹ AI Gore vừa qua lại trao đổi câu chuyện năng lượng sạch với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM