Trung Quốc "tắc nghẽn" với dịch vụ chia sẻ xe đạp

08/04/2017 15:30 PM | Kinh doanh

Thành công của Uber mở ra kỷ nguyên giao thông thuận tiện khắp thế giới. Nhưng điều này lại không đúng với Trung Quốc - quốc gia đang "tắc nghẽn" với cuộc cách mạng chia sẻ xe đạp (bike-sharing) của chính mình.

Dịch vụ chia sẻ xe đạp qua ứng dụng điện thoại đã xuất hiện từ lâu. Hãng tư vấn Roland Berger thống kê, hiện trên thế giới có khoảng 600 công ty cung cấp dịch vụ này, với sức tăng trưởng khoảng 20%/năm, doanh thu dự kiến đạt 5,8 tỷ USD vào năm 2020.

Riêng tại Trung Quốc, New York Times tính toán trong năm 2016, đã có hàng chục dịch vụ chia sẻ xe đạp xuất hiện tại thị trường đông đúc dân cư này. Nổi bật trong số đó là các startup Ofo, Mobike và Bluegoog với khoảng 2,2 triệu xe đạp chia sẻ được triển khai, hoạt động phần lớn tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Thả con săn sắt

Thị trường chia sẻ xe đạp đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc trong bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng ô nhiễm, khói bụi nặng nề bên cạnh chính sách hạn chế phương tiện cá nhân của chính phủ. Người dùng Trung Quốc có thể dễ dàng thuê một chiếc xe đạp ở bất cứ đâu bên vệ đường. Việc tìm xe, mở khóa xe và thanh toán cước phí sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng điện thoại.

Ưu điểm lấy - trả xe ở bất cứ nơi nào tùy thích giúp những startup non trẻ như Ofo, Mobike gây ấn tượng với truyền thông thế giới, đặc biệt tại các nước phương Tây. Trước đó, các công ty như Velib (Paris) hay Boris Bikes (London) – do chính quyền địa phương thành lập và nhận vốn đầu tư từ doanh nghiệp – chỉ cung cấp các xe đạp được đặt tại những địa điểm cố định.

Hồi tháng Hai, Ofo cho biết công ty đã có hơn 300 triệu chuyến xe tại gần 40 thành phố tại Trung Quốc, Singapore và Anh. Còn Mobike hoạt động ít nhất tại 9 thành phố Trung Quốc với hơn 100.000 chuyến tại Thượng Hải. Bloomberg từng đánh giá cao Ofo khi là một trong số ít startup mới 2 năm tuổi (được thành lập vào năm 2015) nhưng được định giá tới 1 tỷ USD.

Trong bài phân tích hôm 27/3, tờ New York Times chỉ ra 3 lý do lý giải sự thành công của mô hình xe đạp chia sẻ tại Trung Quốc, một trong số đó đến từ sự ủng hộ của chính phủ, bên cạnh nguồn tiền đầu tư dồi dào và ý tưởng tốt. Chia sẻ với tờ báo trên, Giáo sư Lâm Chấn thuộc Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc – châu Âu (Thượng Hải) nhận định: "Nguồn vốn chỉ đổ vào nhanh chóng ở những ngành công nghiệp được chính phủ ủng hộ".

Được biết, cả Ofo và Mobike đều thu hút sự quan tâm và vốn đầu tư hàng trăm triệu USD từ nhiều tập đoàn lớn. Nhà đầu tư lớn nhất của Ofo hiện là tập đoàn Didi Chuxing – một “Uber của Trung Quốc”. Còn sau lưng Mobike là "ông trùm" internet Trung Quốc Tencent và nhà sản xuất điện tử Đài Loan Foxconn.

Tuy nhiên, dù có được sự hậu thuẫn từ các tập đoàn lớn nhưng hiện các dịch vụ này vẫn chưa thu được lợi nhuận tương xứng với tổng chi phí bỏ ra. Cuộc chiến giành thị phần gay gắt đã khiến các công ty khởi nghiệp này liên tục tung các chương trình giảm giá, đạp xe miễn phí nhằm mở rộng quy mô khách hàng.

"Các công ty internet Trung Quốc đang trong giai đoạn "đốt tiền" để tranh giành thị phần”, ông Huang - chủ một công ty kinh doanh ứng dụng chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ nhận xét với Bloomberg hồi năm ngoái về cách làm "chi bạo, thu sau" thường thấy của doanh nghiệp Trung Quốc trong giai đoạn đầu chiếm lĩnh thị trường.

... ngồi đợi cá rô

Trong bài bình luận trên Nikkei Asian Review, Giáo sư Jeffrey Towson ở bộ môn đầu tư của Trường Quản trị Kinh doanh Quang Hoa (Đại học Bắc Kinh) không giấu nỗi lo lắng. Ông cho rằng, xu hướng sử dụng xe đạp chia sẻ có thể chỉ là "trào lưu nhất thời", đặc biệt trong bối cảnh nở rộ hình thức thanh toán qua di động tại Trung Quốc cùng tâm lý hay "cả thèm chóng chán" của người dân nước này.

Hình ảnh xe đạp chia sẻ Trung Quốc chất cao như đống sắt vụn trên đường tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Nguồn: AFP

Trung bình một tháng, người dân Mỹ trả tiền bằng hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt từ 20-30 lần trong khi con số này là 50 lần đối với người dân Trung Quốc - với chỉ riêng hình thức thanh toán qua di động, Jeffrey so sánh. Từ đó, ông cho rằng "cơn sốt" chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc bị chi phối bởi yếu tố smartphone nhiều hơn là xe đạp.

"Tôi muốn nói bản chất của câu chuyện [chia sẻ xe đạp] này có đến 60% liên quan đến những ứng dụng phổ biến trên smartphone, 20% chạy theo trào lưu, 20% còn lại giải quyết vấn đề thực sự của nền kinh tế", ông kết luận.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của những chiếc xe đạp chia sẻ sặc sỡ ngoài đường phố Trung Quốc cũng khiến các nhà lập pháp nước này đau đầu.

Cụ thể, việc ngày càng có nhiều xe đạp chia sẻ trên phố đang gia tăng tình trạng hỗn loạn đô thị khi người sử dụng xe đạp có thể đậu xe ở bất kỳ đâu, theo quan sát của AP. Tình trạng "dùng đâu vứt đấy" cũng gây tổn thất không nhỏ cho các công ty cho thuê xe và giao thông công cộng tại Trung Quốc.

Áp lực cạnh tranh gay gắt đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ không ngại tung ra nhiều chiêu thức mở rộng thị phần. Một trong số đó là sử dụng màu sắc tươi sáng (vàng, cam) nhằm thu hút các tay đua trẻ tuổi.

Hôm 26/3, tại thành phố Thượng Hải, một bé trai 11 tuổi bị ô tô đâm chết trong lúc sử dụng dịch vụ của Ofo. Sự việc trên nhanh chóng gây rúng động dư luận bởi luật pháp Trung Quốc quy định, trẻ em dưới 12 tuổi nước này không được cưỡi xe đạp ra ngoài đường phố công cộng.

Ngay sau đó, trong một tuyên bố trên email, đại diện của Ofo cam kết sẽ siết chặt quy định cấm người dùng dưới 12 tuổi, Bloomberg đưa tin.

Sau tai nạn thương tâm trên, Shanghai Daily dẫn nguồn tin cho biết các quan chức giáo dục, cảnh sát giao thông đã cùng ngồi lại với Mobike, Ofo cũng các nhà cung cấp dịch vụ xe đạp chia sẻ. Các công ty này sau đó cam kết sẽ lắp đặt các biển báo cảnh báo trên xe đạp đồng thời giới hạn cung cấp dịch vụ tại các trường học, tờ báo cho hay.

Trước tình trạng phát triển mất kiểm soát trên, Chính phủ Trung Quốc hồi cuối tháng Ba cho biết sẽ ban hành quy định về việc đậu đỗ, quản lý và vận hành các dịch vụ chia sẻ xe đạp cũng như yêu cầu các công ty hợp tác.

Ủy viên Thành ủy Thượng Hải, bà Jiang Xiaoqing đề nghị xây dựng chế tài xử phạt người đỗ xe đạp bất hợp pháp. "Mọi người sử dụng xe đạp chia sẻ đều phải tuân thủ quy định giao thông", bà Jiang nói với hãng thông tấn AFP. Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh Thâm Quyến, ông Zhuang Chuangyu, cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền thành phố siết chặt quy định quản lý thị trường xe đạp chia sẻ.

Các nhà cung cấp dịch vụ xe đạp cũng tỏ ra tích cực trước kế hoạch trên của chính quyền Trung Quốc. Cụ thể, Ofo đã cố ngăn chặn việc mọi người để lại xe đạp bừa bãi ở nơi công cộng bằng cách đưa nhân viên đi thu gom xe đạp trong khi Mobike đề nghị thưởng cho người sử dụng có ý thức gìn giữ xe.

Chưa hết, Ofo còn khuyến khích người dân chia sẻ xe đạp của chính mình. Đổi lại, khách hàng sẽ được phép sử dụng xe đạp chia sẻ của Hãng miễn phí trọn đời nhằm tăng cường trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ phương tiện.

Dù bằng cách nào thì những giải pháp trên vẫn chỉ mang tính chất "chữa cháy" tạm thời nhằm xoa dịu cơn sốt "chia sẻ xe đạp" đang nóng hầm hập tại Trung Quốc. Việc gieo quá nhiều kỳ vọng vào tính tiện lợi của những chiếc xe đạp chia sẻ khiến "quả ngọt" chưa thấy đâu trong khi hiện tại chính quyền Bắc Kinh đang phải tìm cách dọn dẹp từng đống sắt chất ngổn ngang ngoài đường.

Theo Vân Thảo

Cùng chuyên mục
XEM