Trung Quốc mất thế độc quyền trong ngành khai thác đất hiếm

04/04/2021 18:12 PM | Xã hội

Tỷ trọng khai thác đất hiếm của Trung Quốc trên thế giới giảm mạnh từ 98% năm 2005 xuống chỉ còn 58% năm 2020.

Đất hiếm là một trong những loại tài nguyên chiến lược trên thế giới bao gồm 17 khoáng chất được sử dụng rộng rãi trong công nghệ, từ điện thoại thông minh cho đến màn hình máy tính.

Dù được sử dụng rộng rãi nhưng việc khai thác đất hiếm là khá khó khăn cũng như gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Ban đầu Mỹ là nước sản xuất đất hiếm nhiều nhất thế giới trong khoảng năm 1960-1980 nhưng rồi để Trung Quốc vượt qua.

Năm 1985, chính quyền Bắc Kinh đưa ra chính sách hoàn một phần thuế cho các hãng khai thác đất hiếm, qua đó hạ chi phí nhân công vốn đã khá rẻ và tạo lợi thế cực lớn cho doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng với các quy định lỏng lẻo về môi trường đã khiến ngành đất hiếm của Trung Quốc ngày càng mở rộng.

Trung Quốc mất thế độc quyền trong ngành khai thác đất hiếm - Ảnh 1.

Sản lượng đất hiểm của Mỹ, Trung Quốc và những nước khác trên thế giới (tấn)

Trên thực tế, tổng sản lượng khai thác đất hiếm của Trung Quốc đã tăng 464% kể từ năm 1985 đến năm 1995.

Trái ngược lại, các nhà khai thác đất hiếm tại Mỹ gặp nhiều khó khăn với những quy định nghiêm ngặt về môi trường. Do đó sản lượng khai thác của Mỹ đã giảm 34% năm 1985 xuống chỉ còn 6% vào năm 2000 và bị dừng hoàn toàn vào năm 2002.

Không còn vị thế độc tôn

Do nắm thế độc quyền về đất hiếm nên Trung Quốc đã sử dụng con bài này làm áp lực lên các vấn đề ngoại giao, đồng thời kiểm soát về giá.

Năm 2010, Trung Quốc cắt giảm 37% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm và đẩy giá loại nguyên liệu này lên mức cao chưa từng có trong lịch sử. Thế nhưng chính điều này đã đẩy các nhà đầu tư chi tiền vào đây để kiếm lợi nhuận, qua đó khởi động việc khai thác đất hiếm ở các quốc gia khác.

Cụ thể, sản lượng khai thác đất hiếm tại Australia đã tăng 672% trong 10 năm qua và gần đây Myanmar cũng đang tham gia cuộc chơi với sản lượng 30.000 tấn đất hiếm năm 2020.

Trung Quốc mất thế độc quyền trong ngành khai thác đất hiếm - Ảnh 2.

Tỷ trọng khai thác đất hiếm của Trung Quốc trên thế giới giảm mạnh từ 98% năm 2005 xuống chỉ còn 58% năm 2020

Thậm chí cựu vương Mỹ cũng đang hồi sinh trở lại ngành đất hiếm khi các mỏ khai thác tại Mountain Pass được tập đoàn MP Materials rót vốn lại vào năm 2018. Kết quả là sản lượng khai thác đất hiếm của Mỹ đang dần hồi sinh trở lại.

Dẫu vậy hiện 80% hoạt động tinh chế đất hiếm vẫn đang nằm ở Trung Quốc.

Tuy nhiên với nhu cầu đất hiếm ngày một tăng và những căng thẳng ngoại giao, thương mại ngày càng phức tạp, sự độc quyền về tài nguyên này của Trung Quốc có thể sẽ dần xói mòn trong tương lai trước sự trỗi dậy của các nhà khai thác khác.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM