Trung Quốc giảm tốc, châu Âu rối loạn còn Mỹ giữ giá USD, thế giới đang thiếu một đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế

20/09/2016 16:31 PM | Kinh tế vĩ mô

Kinh tế toàn cầu hiện nay đang đứng trước nguy cơ vô cùng to lớn. Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Châu Âu tăng trưởng chậm hay Mỹ không chịu nâng lãi suất là dấu hiệu rõ ràng cho tình trạng không có quốc gia nào đủ sức đóng vai trò đầu tàu kéo cả nền kinh tế thế giới đi lên.

Mới đây, việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn nâng lãi suất do lo ngại đồng USD tăng giá, thúc đẩy việc nhập khẩu và ảnh hưởng đến các công ty nội địa Mỹ là tín hiệu mới nhất cho thấy đầu tàu kinh tế hiện nay đang bị bỏ ngỏ.

Trong khi đó Trung Quốc, nền kinh tế từng bùng nổ tại Châu Á và tạo nên điều thần kỳ cho kinh tế thế giới lại đang cố gắng cải cách, định hướng lại cấu trúc khi chuyển từ trọng tâm xuất khẩu sang tiêu dùng, qua đó khiến tăng trưởng chậm lại.

Ở Châu Âu, hàng loạt những vấn đề nợ công, khủng bố, người nhập cư và mới đây nhất là Brexit đang khiến nền kinh tế khu vực này lún sâu vào rắc rối.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ bị kẹt trong khoảng tăng trưởng 2-3%/năm kể từ sau năm 2010. Tỷ lệ này thấp hơn mức bình quân 3,6%/năm trước thời kỳ khủng hoảng 2008.

Trong khi đó, hãng IHS cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ đi ngang trong ít nhất 1 năm nữa và sẽ tiếp tục mắc kẹt trong vùng lầy tăng trưởng chậm. Hãng này dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,4% trong năm nay và 2,8% trong năm tiếp theo.

Cùng quan điểm trên, tổ chức tài chính quốc tế IIF cho rằng những nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Châu Âu đang có vẻ đuối sức khi không còn nhiều công cụ thúc đẩy tăng trưởng.

Trong tuần này, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ đánh giá lại toàn diện các chương trình thúc đẩy kinh tế của mình nhằm xác định lại hướng đi trong tương lai.


Tăng trưởng kinh tế toàn cầu (%)

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu (%)

Mỹ chán làm đầu tàu tăng trưởng

Hiện ngày càng nhiều nền kinh tế trên thế giới áp dụng các chính sách tài khóa để thúc đẩy nền kinh tế nhưng những công cụ này hầu như chí giúp các nước phát triển giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định như hiện tại hơn là tạo ra một đợt bùng nổ mới.

Trước đây, nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ vẫn đóng vai trò đầu tàu cho cả kinh tế toàn cầu nhưng kể từ khi có mức tăng trưởng bình quân khiêm tốn 2,1% kể từ sau khủng hoảng 2008, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang ngày càng phân vân về việc có nên tiếp tục vai trò đầu tàu này hay không.

“Tôi đã từng nói với nhiều người đồng cấp tại các nước khác rằng chúng tôi (Mỹ) không thể là đầu tàu duy nhất của cả nền kinh tế thế giới. Chúng ta cần nhiều đầu tàu kinh tế khác nữa”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cho biết.

Đây có lẽ là lý do khiến ngày càng nhiều quan chức FED quan tâm đến tác động của việc đồng USD tăng giá lên kinh tế Mỹ.

Thành viên hội đồng thống đốc của FED, ông Lael Brainard nhận định việc đồng USD tăng giá 20% trong khoảng 6/2014-1/2016 có tác động đến nền kinh tế Mỹ tương đương với việc lãi suất bị tăng 200 điểm phần trăm.


Chỉ số giá đồng USD so với mộ rổ các đồng tiền chủ chốt khác

Chỉ số giá đồng USD so với mộ rổ các đồng tiền chủ chốt khác

Trong khi đó, Chủ tịch FED chi nhánh New York, ông William Dudley đã có ý nói rằng các quan chức FED hiện đã giảm số lần có thể tăng lãi suất trong năm nay do lo ngại động thái này có thể làm đồng USD tăng giá.

Hãng JP Morgan Chase cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã khá hài lòng vời mức tăng trưởng hiện nay và muốn giữ tỷ lệ này. Đồng thời, FED cũng không muốn thị trường Mỹ bị xâm chiếm bởi hàng hóa nhập khẩu do đồng USD tăng giá.

Thậm chí, cả 2 ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay là Hillary Clinton và Donald Trump đều đang có quan điểm bảo vệ lợi ích thương mại của Mỹ trước các hiệp định thương mại tự do như TPP. Trong khi bà Clinton cho biết sẽ xem xét lại các hiệp định thương mại thì ông trump đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico.

Trung Quốc, Châu Âu đều hụt hơi

Sau đợt khủng hoảng 2008, Trung Quốc bùng nổ và dần trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhờ tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh đầu tư. Tuy nhiên, sai lầm của chính sách kinh tế đã khiến nước này phải vật lộn với những hậu quả như dư thừa công suất hay nợ nần chồng chất. Rõ ràng, vai trò đầu tàu kinh tế không còn thích hợp với Trung Quốc.

“Trung Quốc vẫn chỉ là một nước đang ohast triển, chúng tôi không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề (làm đầu tàu tăng trưởng) cho kinh tế thế giới”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói.

Hiện Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn trong thương mại quốc tế với thị phần xuất khẩu toàn cầu tăng từ 12,9% năm 2014 lên 14,6% năm 2015, mức cao nhất kể từ năm 1980 theo số liệu của IMF.

Dẫu vậy, năng lực xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc cũng khó giúp thặng dư tài khoản vãng lai của nước này bị vượt qua bởi Đức. Số liệu của tổ chức IFO Insitute dự đoán thặng dư tài khoản vãng lai của Đức sẽ đạt 310 tỷ USD trong năm nay, cao hơn mức 260 tỷ USD của Trung Quốc.

Với vai trò là nền kinh tế lớn nhất tại Châu Âu, Đức đang được hưởng lợi từ đồng Euro yếu và quốc gia này hoàn toàn có thể là đầu tàu tăng trưởng cho kinh tế Châu Âu nếu có chương trình kích thích kinh tế mạnh hơn so với hiện nay.

Mặc dù vậy, Bộ trường tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết vẫn sẽ hạn chế sử dụng các công cụ tài khóa để kích thích kinh tế nhằm đảm bảo sự ổn định cho ngân sách.

Thêm vào đó, những bất ổn liên quan đến chính trị, khủng bố, ngời nhập cư, nợ công và đặc biệt là vụ Brexit đang khiến nền kinh tế Châu Âu khó lòng trở thành đầu tàu tăng trưởng cho thế giới thời gian này.

“Những đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới đang dần hụt hơi”, chuyên gia kinh tế trưởng Peter Hooper của Deutsche Bank Securities nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM