Trung Quốc đặt cược vào bán hàng rong để hỗ trợ hồi sinh kinh tế

08/06/2020 15:31 PM | Xã hội

Dưới cái nóng bức bối của một buổi chiều đầu tháng 6, bà Pan Yunxia yên lặng ngồi đợi khách hàng đến mua rau và tất tại sạp bên lề đường của bà ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc.

Việc bán rau và tất cùng một sạp hàng có vẻ không “đồng điệu” tuy nhiên bà Pan Yunxia cho biết muốn thử nghiệm bán rau sau 2 thập niên chỉ kinh doanh tất. Bà Pan Yunxia mạnh dạn bán thêm rau bởi chính quyền địa phương đang nới lỏng quy định đối với người bán hàng rong.

Trong buổi bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội), Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ca ngợi một thành phố thuộc tỉnh miền Tây Trung Quốc gần đây đã cho phép dựng 36.000 sạp hàng rong bên vỉa hè. Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá rằng động thái này giúp tạo thêm 100.000 việc làm ở thời điểm kinh tế Trung Quốc u ám do tác động của dịch COVID-19.

Ngày 1/6, truyền thông địa phương chiếu cảnh Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng trước sạp hàng bán thực phẩm tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, nói với các quan chức địa phương: “Người bán hàng rong và cửa hàng nhỏ là nguồn lao động quan trọng. Đây là những con người có cách sống giản đơn. Giống như những người khác làm việc trong ngành công nghệ cao, họ đóng vai trò đặc biệt quan trọng với kinh tế”.

Trước đó nhiều năm, Trung Quốc lại khuyến khích phát triển công nghệ cao, hàng rong bên vỉa hè dường như không phù hợp với chủ trương này nên nhiều chính quyền địa phương đã thẳng tay dẹp bỏ hình thức này. Nhiều thành phố khắp Trung Quốc hình thành đội ngũ có tên "thành quản" (chengguan) xử lý người bán hàng rong không được cấp phép. Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều đụng độ không đáng có giữa "thành quản" và những người bán hàng rong.

Năm 2018, anh Zhang Guoyou bán dưa hấu tại tỉnh Hà Nam đã nhận án tử hình sau khi đâm một "thành quản" đến chết do tranh cãi vào năm 2016.

 Trung Quốc đặt cược vào bán hàng rong để hỗ trợ hồi sinh kinh tế - Ảnh 1.

Một người bán hàng rong tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Nhà kinh tế học Zhu Min tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) đánh giá việc Trung Quốc khuyến kích bán hàng rong là giải pháp “khẩn cấp” để xử lý tình trạng thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị tại Trung Quốc đã đạt mức cao 6,2% trong tháng 2.


Mặc dù tình hình đã được cải thiện nhiều tháng sau đó nhưng các nhà kinh tế học cho biết điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với lực lượng lao động của Trung Quốc. Xuất khẩu dự kiến vẫn gặp khó khăn khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phải cố gắng để ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Công ty EIU thuộc tập đoàn Economist (Anh) ngày 22/4 đánh giá tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc có thể lên tới mức 10% trong năm 2020 và riêng khu vực thành thị có thể mất thêm 22 triệu việc làm.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), thay vì theo đuổi tăng trưởng kinh tế, trong năm nay Trung Quốc chuyển sự tập trung vào đảm bảo việc làm, ổn định xã hội và sinh kế của người dân.

Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM