Trung Quốc đang 'xuất khẩu' ô nhiễm môi trường ra thế giới như thế nào?

15/08/2017 08:01 AM | Xã hội

Với sự rút lui của Mỹ khỏi Hiệp định Paris, Trung Quốc đang cố gắng thay thế vị trị lãnh đạo về khí hậu của Mỹ. Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới của mình. Thậm chí, quốc gia này còn đang “xuất khẩu” ô nhiễm ra các nước khác.

Trong khi Tổng thống Trump giảm thiểu các hoạt động bảo vệ môi trường và tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Trung Quốc đang cố gắng trở thành nhà lãnh đạo về khí hậu của thế giới, cam kết hợp tác với các nước khác để xây dựng một “nền văn minh sinh thái”.

Trung Quốc đã xây dựng trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, lên kế hoạch đóng cửa hơn 100 nhà máy nhiệt điện và cam kết dành ít nhất 361 tỷ USD cho năng lượng tái tạo vào năm 2020.

Tất cả những nỗ lực này rất đáng khen ngợi và rất cần thiết. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự muốn trở thành một nhà lãnh đạo về khí hậu thì quốc gia này cần phải giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu, chứ không chỉ là ô nhiễm trong phạm vi biên giới của mình.

Đẩy khí thải ra bên ngoài phạm vi biên giới

Trung Quốc đang “xuất khẩu” khí thải ra nhiều nơi trên thế giới, rải rác từ Nam Mỹ và vùng biển Carribean cho đến châu Phi thông qua các hoạt động tín dụng và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các khoản vay của Trung Quốc cho các quốc gia Mỹ Latinh và ở vùng biển Caribbean là ví dụ điển hình về cách nước này “xuất khẩu” khí thải.

Ngân hàng phát triển Trung Quốc và ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay trị giá hơn 141 tỷ USD cho các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean từ năm 2005 đến năm 2016, vượt xa các khoản vay từ các ngân hàng đa phương cho khu vực này.

Số tiền này chủ yếu dành cho các dự án có tác động đáng kể đến môi trường như khoan dầu, khai thác than, xây dựng đập thủy điện và xây dựng đường xá. Hơn ½ tổng nợ công của Mỹ Latinh vay Trung Quốc, khoảng 17,2 tỷ USD trong năm 2017, là dành cho ngành công nghiệp nguyên liệu hóa thạch.

Nhiều dự án khai thác nằm trong những khu vực như rừng mưa nhiệt đới Amazon, nơi phải được bảo vệ để chống lại thay đổi khí hậu. Amazon là bồn chứa CO2 lớn nhất trên thế giới và đóng một vai trò quan trọng trong điều hoà khí hậu toàn cầu. Mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch ở khu vực này sẽ dẫn đến nhiều khí thải hơn và hiện tượng chặt phá rừng xảy ra thường xuyên hơn.

Ngoài ra, nguồn tiền từ Trung Quốc đang thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch ở những nơi như Khu bảo tồn Sinh quyển Yasuni nằm trong khu rừng Amazon thuộc Ecuador – được cho là khu sinh quyển đa dạng nhất trên thế giới và là nhà của những người dân bản địa sống cô lập với thế giới.

Khoảng 17,4 tỷ USD từ Trung Quốc cho Ecuador vay từ năm 2010 đã dành cho các thỏa thuận “dầu mỏ đổi tiền vay”, nghĩa là họ phải thanh toán thông qua việc bán dầu hoặc nhiên liệu và gần như toàn bộ dự trữ nhiên liệu hóa thạch của quốc gia Nam Mỹ này đều nằm trong rừng mưa nhiệt đới Amazon. Ngược lại, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án năng lượng bền vững ở Ecuador lại rất ít.

Bên cạnh đó, ở khu vực rừng Amazon thuộc Brazil, Trung Quốc đã tài trợ đáng kể, thông qua tài trợ phát triển và đầu tư trực tiếp của các công ty nhà nước, cho những nỗ lực của chính phủ Brazil trong việc xây dựng một hành lang hàng hóa đi qua lưu vực sông Amazon, hỗ trợ mở rộng kinh doanh nông nghiệp đến khu vực rừng nhiệt đới xa xôi và nguyên sơ.

Kiểu đầu tư này ở Brazil cũng đồng thời trao quyền cho ruralistas (cách gọi những nhóm người vận động hành lang có ảnh hưởng lớn ở quốc gia này về kinh doanh nông nghiệp). Chính quyền của Tổng thống Michel Termer đã thúc đẩy mục tiêu tháo dỡ các biện pháp bảo vệ môi trường của các ruralistas bằng cách tán thành các dự án năng lượng “bẩn” hơn ở những địa điểm như Amazon.

Một ví dụ khác là Patagonia, nơi có những tảng băng lớn nhất ở Nam Bán cầu sau Nam cực. Ở đó, công ty Trung Quốc Gezhouba đang xây dựng một khu đập thủy điện trị giá 4,7 tỷ USD với sự tài trợ của Ngân hàng phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Các đập thủy điện có thể làm hư hại đến các dòng sông băng ở Công viên quốc gia Los Glaciares của Argentina, một di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Trung Quốc cũng đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu ở những nơi khác. Từ năm 2000 đến 2015, Trung Quốc đã cho châu Phi vay 94,4 tỷ USD để thúc đẩy các ngành công nghiệp khai thác như dầu mỏ, khoáng sản và gỗ, mở rộng đường và cảng để đưa những nguyên liệu này đến với thị trường và năng lượng bẩn như đập lớn và các nhà máy điện. Bắc Kinh đang xây dựng và cấp tiền cho khoảng 50 nhà máy nhiệt điện đốt than mới trên khắp châu Phi.

Nỗ lực thay đổi để trở thành một nhà lãnh đạo khí hậu

Trung Quốc đã bắt đầu xem xét một hướng đi khác trong các chính sách môi trường và xã hội ở nước ngoài – ít nhất là trên giấy tờ.

Vào năm 2012, chính phủ đã phê duyệt Chỉ thị về Tín dụng xanh yêu cầu các ngân hàng Trung Quốc phải “xác định, đo lường, giám sát và kiểm soát rủi ro môi trường và xã hội một cách có hiệu quả đối với các hoạt động tín dụng của họ” và khuyến cáo rằng các quỹ nơi “các rủi ro và mối nguy hiểm lớn được xác định” sẽ bị đình chỉ hoặc chấm dứt.

Mặc dù các nguyên tắc này hiếm khi được áp dụng, chúng cũng cho thấy có sự quan tâm của những người đứng đầu về tác động môi trường và xã hội do đầu tư nước ngoài của Trung Quốc gây ra.

Sự quan tâm của họ cũng đúng lúc, vì ở Nicaragua, Ecuador và Peru, các cuộc biểu tình của người dân chống lại các hoạt động của Trung Quốc đã dẫn đến thương vong của người dân địa phương, lệnh áp đặt tình trạng khẩn cấp và hành động pháp lý chống lại các công ty Trung Quốc.

Trung Quốc nên tiếp cận các dự án quốc tế của mình với cùng một mối quan tâm đến môi trường như quốc gia này thể hiện đối với môi trường nội địa. Bắc Kinh nên kiềm chế hỗ trợ khai thác ở các khu vực có tầm quan trọng đối với sinh thái toàn cầu, thay vào đó đầu tư vào ác dự án năng lượng sạch, tái tạo. Các nhóm xã hội dân sự nên giữ áp lực và chính phủ các nước đang phát triển nên tích hợp các nguyên tắc này vào các hiệp định song phương và hợp đồng dự án.

Để trở thành một nhà lãnh đạo khí hậu thực sự, Trung Quốc sẽ cần đầu tư vào việc bảo tồn các khu vực có tầm quan trọng đối với sinh thái toàn cầu hơn là phá hoại chúng.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM