Trung Quốc đang thành công trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí bằng cách nào?

12/01/2018 11:41 AM | Xã hội

Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Trung Quốc đã có lại bầu trời xanh thế nhưng lại đối diện với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên.

Trung Quốc đang thành công trong cuộc chiến chống ô nhiễm, đặc biệt tại khu vực thủ đô Bắc Kinh.

Ở thời điểm quý IV/2017, chỉ số PM10 (hạt bụi lơ lửng đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet, có thể chui vào phổi) và PM2.5 (hạt bụi lơ lửng đường kính từ 2,5 micromet trở xuống, độc tính mạnh hơn PM10) tại thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân và 26 thành phố phụ cận đã giảm đến 33% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh Đông Á.

Riêng chỉ số hạt bụi ô nhiễm PM2.5 tại thủ đô Bắc Kinh giảm 54%. Chỉ số này đã giảm sau khi vào năm ngoái chính phủ Trung Quốc đưa ra chính sách buộc hàng triệu doanh nghiệp và hộ gia đình chuyển từ dùng than đá sang khí đốt tự nhiên.

Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Trung Quốc đã có lại bầu trời xanh thế nhưng lại đối diện với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên, không ít hộ gia đình gặp khó và nhà máy phải đóng cửa. Tuy nhiên, việc cải thiện được chất lượng không khí có thể coi như một chiến thắng quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình.

Trước đây, ông Tập Cận Bình từng cam kết sẽ thực hiện chiến dịch bàn tay sắt chống lại các vấn đề ô nhiễm. Các biện pháp giảm mạnh sử dụng than đá sẽ được tiếp tục triển khai, theo nhận định của Sanford C. Bernstein & Co.

“Việc chuyển từ dùng than đá sang khí đốt đã giúp giảm mạnh ô nhiễm. Dù vẫn còn nhiều vấn đề trong việc triển khai, những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đang mang lại kết quả”, các chuyên gia của Bernstein nhận định.

Việc chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên thay cho than đá trong cả cuộc sống người dân lẫn sản xuất công nghiệp là một phần trong chiến dịch làm sạch bầu khí quyển tại các thành phố của Trung Quốc. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đang rất cố gắng đóng cửa những nhà máy thép, hầm mỏ khai thác than đá và nhà máy sản xuất nhôm công nghệ lạc hậu.

Tại Trung Quốc từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng đến 19%. Nhiều khả năng nhu cầu khí đốt sẽ tiếp tục tăng thêm 15% trong năm nay bởi chính phủ Trung Quốc muốn giảm mạnh việc dùng than đá và khuyến khích phát triển các hạ tầng khai thác khí đốt.

Tháng 11 và tháng 12/2017, chính phủ Trung Quốc gặp khó khi việc chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên đã khiến nhiều khu vực không có đủ khí đốt, không ít nhà máy phải đóng cửa để chính phủ ưu tiên khí đốt cho các khu vực dân cư hoặc buộc phải cho phép một số khu vực sử dụng than đá trở lại.

Dù vậy, những tác động tiêu cực gây ra do việc sử dụng khí đốt không thấm vào đâu nếu so với ích lợi to lớn về môi trường mà Trung Quốc đang có được, nghiên cứu viên tại viện năng lượng ERI thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC), ông Jiang Kejun, nhận định.

NDRC vào tháng 12/2017 đã thông báo kế hoạch sử dụng năng lượng mùa đông cho các khu vực phía Bắc Trung Quốc, theo đó, lượng than đá sử dụng từ nay đến năm 2021 sẽ giảm 150 triệu tấn.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM