Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về phát triển vắc xin Covid-19?

17/08/2020 08:37 AM | Xã hội

Trung Quốc hiện đang thử nghiệm đến 9 loại vắc xin Covid-19, trong đó có 5 vắc xin đang trong giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng để hướng đến việc được chấp thuận lưu hành.

Trung Quốc đang nổi lên trong vai trò một trong những nước đi đầu thế giới trong phát triển vắc xin Covid-19, diễn biến này sẽ giúp củng cố thêm vai trò của Trung Quốc trong vị thế cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, cùng lúc đó cũng đang xuất hiện thêm nhiều mối lo về độ an toàn của vắc xin cũng như khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vị thế của mình trong các tranh chấp lãnh thổ.

Theo báo Nikkei, Trung Quốc hiện đang thử nghiệm đến 9 loại vắc xin Covid-19, trong đó có 5 vắc xin đang trong giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng để hướng đến việc được chấp thuận lưu hành.

Đây là thành quả của nhiều năm chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh vào tìm kiếm phương thuốc chữa trị cho bệnh lây nhiễm. Trong tuần trước, công ty dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3 tại Saudi Arabia với 5.000 tình nguyện viên.

Trong số 29 loại vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới, có đến 9 loại tại Trung Quốc. Trung Quốc như vậy hiện đang thử nghiệm số lượng vắc xin Covid-19 nhiều nhất thế giới.

Nếu tính theo số lượng 7 loại vắc xin đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3, có đến 5 loại của Trung Quốc. Vắc xin của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ được sử dụng thực tế sau khoảng vài tháng nữa.

Việc Trung Quốc có thể phát triển vắc xin nhanh như vậy là kết quả trực tiếp từ sự hợp tác giữa các công ty dược phẩm và viện nghiên cứu có vốn từ nhà nước. CanSino là một công ty mới thành lập, tuy nhiên cũng đang theo đuổi hoạt động nghiên cứu chung với sự hỗ trợ của quân đội.

Một công ty dược phẩm khác có tên Sinopharm cũng đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Đây cũng là một công ty của nhà nước Trung Quốc.

Trong nghiên cứu mới đây về các biện pháp ngừa Covid-19, Bộ Y tế Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc phát triển vắc xin sẽ dựa trên 5 cách tiếp cận. Dù hiện chưa thể biết loại vắc xin nào có thể đưa vào sử dụng, Trung Quốc đang lựa chọn thử nghiệm tất cả để có thể có được kho dự trữ quốc gia.

Theo truyền thông Trung Quốc, CanSino và Sinovac đang chuẩn bị cho việc sản xuất hàng năm từ 100 đến 200 triệu liều vắc xin với sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc.

Trung Quốc có thế mạnh trong vắc xin bất hoạt toàn thể (inactivated vaccines), loại vắc xin này không có tác nhân sống, do đó không thể nhân lên, và vì vậy trong một liều sử dụng phải cung cấp đủ lượng kháng nguyên cần thiết. Ưu điểm của loại vắc xin này là không thể gây bệnh trong bất kì trường hợp nào, kể cả trên người suy giảm miễn dịch.

3 trong tổng số loại vắc xin mà Trung Quốc đang thử nghiệm ở giai đoạn 3 thuộc loại này. Còn tính trong 5 nhóm vắc xin của thế giới đang được phát triển dựa theo hướng này, có đến 4 loại của Trung Quốc.

Vắc xin bất hoạt toàn thể đã được sử dụng trong thời gian dài, tính hiệu quả và độ an toàn của nó đã được chứng minh. Tuy nhiên việc sản xuất loại vắc xin này tốn nhiều công sức và thời gian. Nhiều công ty phương Tây và Mỹ đã không còn sản xuất vắc xin loại này tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục.

Thế mạnh của Trung Quốc với vắc xin bất hoạt toàn thể có nguyên nhân từ việc Trung Quốc từng có rất nhiều kinh nghiệm với các loại dịch bệnh lây nhiễm như dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) và cúm gia cầm.

Theo số liệu của viện nghiên cứu Astamuse tại Tokyo, Trung Quốc sở hữu đến 106 bằng sáng chế y tế liên quan đến các nghiên cứu virus RNA, ví như virus cúm corona hoặc một số loại cúm khác. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 61 bằng sáng chế.

Tính từ năm 2008, Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới với công nghệ vắc xin bất hoạt toàn thể, công nghệ này được coi là trọng tâm trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, vắc xin Trung Quốc hiếm khi được phân phối bên ngoài Trung Quốc và hiện chưa rõ hiệu quả đến đâu. Các thử nghiệm lâm sàng tập trung vào tốc độ, tuy nhiên hiện chưa có nhiều thông tin về hiệu quả cũng như tác dụng phụ.

Không ít người đang lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng chính ngoại giao vắc xin.

Trong phiên họp toàn thể của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chủ tịch Trung Quốc từng tuyên bố: "Việc phát triển và sản xuất vắc xin của Trung Quốc sẽ phục vụ cho lợi ích toàn cầu. Đây sẽ là đóng góp của Trung Quốc vào việc đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin ở mức giá phù hợp cho các nước đang phát triển".

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM