Trung Quốc có thể cứu Olympic?

08/08/2016 08:43 AM | Xã hội

Nhiều người hy vọng Trung Quốc sẽ là lá cờ đầu trong công cuộc làm trong sạch đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Khi ngọn lửa Olympic được thắp lên vào tối 5/8 ở Rio de Janeiro, có tới 416 vận động viên Trung Quốc tham gia tranh tài ở đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Olympic 2016 là năm có số vận động viên Trung Quốc lớn nhất trong lịch sử. Nhiều người xem đây là biểu tượng của hy vọng trong bối cảnh Olympic đang chìm trong các cáo buộc tham nhũng và doping nhiều chưa từng thấy.

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã xem Olympic là nơi thể hiện sự vĩ đại của quốc gia. Trung Quốc xem việc giành được nhiều huy chương (thực sự là nước này giành được rất nhiều huy chương) đồng nghĩa với việc gia tăng vị thế của đất nước trên thế giới. Người Trung Quốc cho rằng thành tích là cơ sở cho niềm tự hàodân tộc. Vào năm 2004, vận động viên chạy vượt rào Liu Xiang đã nói rằng, việc anh bất ngờ giành được huy chương vàng chứng minh “vận động viên da vàng có thể chạy nhanh như vận động viên da đen và da trắng”.

Nhưng trong khi sự đầu tư chính trị và tài chính của Trung Quốc vào Olympic gia tăng, hình ảnh của thế vận hội này lại đang bị hoen ố. Việc vận động viên Nga gian lận ở Olympic Sochi 2014 bị phát giác chỉ là những ví dụ mới nhất. Tính liêm chính của đại hội thể thao mà chính phủ Trung Quốc rất coi trọng đang bị hủy hoại nghiêm trọng.

Bản thân Trung Quốc cũng không miễn nhiễm với vấn đề doping. Vào đầu thập niên 1990, đội vận động viên nữ chạy đường dài của nước này đã bất ngờ lập được một loạt kỷ lục thế giới. Trong khi trước đó, Trung Quốc không có lịch sử thành công ở bộ môn này. Huấn luyện viên của họ tuyên bố, kỳ tích trên có được là nhờ các loại thuốc bổ truyền thống làm từ đông trùng hạ thảo và mai rùa. Nhưng sự thật lại phũ phàng hơn nhiều. Hai trong số các vận động viên điền kinh trên sau này đã thú nhận, họ bị buộc phải dùng doping.

Gần đây hơn, việc Trung Quốc phá kỷ lục môn bơi lội ở Olympic London 2012 đã khiến giới thể thao không khỏi nghi ngờ. Đầu năm nay, một người trong nghề tiết lộ chính phủ đã giấu diếm các kết quả dương tính với doping của vận động viên bơi lội Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn cho phép một huấn luyện viên bị cấm hoạt động vì dùng doping làm việc với các vận động viên ở tỉnh Thiên Tân. Trong tháng tư năm nay, Cơ quan phòng chống doping thế giới đã đình chỉ hoạt động của phòng xét nghiệm doping Trung Quốc. Quyết định trên được đưa ra sau khi có bằng chứng cho thấy, phòng xét nghiệm doping Trung Quốc đã cung cấp các kết quả âm tính giả.

Đối với Trung Quốc, đây không chỉ là điều đáng hổ thẹn, mà còn là vấn đề chính trị. Các cáo buộc sử dụng doping ở Olympic Bắc Kinh 2008 đã làm hoen ố một sự kiện mà chính phủ ca ngợi là thời khắc đánh dấu sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế. Vấn đề gian lận trong thể thao Olypmic trở nên đặc biệt nổi bật trong bối cảnh chính phủ đang trấn áp tham nhũng ở các lĩnh vực khác, từ bộ máy hành chính công cho đến các giải đấu bóng đá tai tiếng của nước này.

Và đó thực sự là lý do để hy vọng. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tạo được nhiều ảnh hưởng ở Olympic. Hè năm ngoái, Bắc Kinh đã giành quyền đăng cai Olympic mùa đông 2022 phần lớn nhờ vào khả năng chịu chi của mình, ngay cả khi thành phố này hầu như không có tuyết và không có truyền thống chơi các môn thể thao mùa đông. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng với tư cách là nhà tài trợ cho đại hội. Và giá trị bản quyền phát sóng ở Trung Quốc cũng đang tăng mạnh khi dân số đông đảo của nước này bắt đầu quan tâm đến xem thể thao nhiều hơn.

Tất cả những điều trên là cơ sở cho hy vọng, Trung Quốc có thể ngăn chặn được sự suy thoái của thương hiệu Olympic. Trung Quốc có thể bắt đầu ở quê nhà, bằng cách công khai chiến dịch loại trừ gian lận. Họ có thể yêu cầu toàn bộ vận động viên trong hệ thống nhà nước trang bị “hộ chiếu sinh học”. Hồ sơ này sẽ theo dõi các thay đổi sinh lý dài hạn trong máu của vận động viên. Công nghệ trên nên được phổ biến ra thế giới. Và Trung Quốc, có lẽ là hơn bất cứ quốc gia nào khác, có đủ khả năng để đi đầu trong công cuộc chống gian lận.

Làm trong sạch thể thao là điều phù hợp với với nỗ lực cải thiện đạo đức công chúng của chủ tịch Tập Cận Bình thông qua chiến dịch chống tham nhũng. Đây cũng là cơ sở để Trung Quốc có thể khẳng định vị thế hàng đầu thế giới của ngành thể thao nước mình, ngay cả khi không dùng doping. Nếu làm được như vậy, Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy Ủy ban Olympic Quốc tế thực hiện nhiều cải cách hơn nữa để làm trong sạch đại hội thể thao này.

Điều đó nghe có vẻ khó thực hiện. Nhưng ít nước nào lại coi thể thao như biểu tượng của sự vĩ đại quốc gia như Trung Quốc. Nếu không chống gian lận, nước này sẽ không thể cải thiện vị thế trên trường quốc tế, bất kể vận động viên của họ có giành được bao nhiêu huy chương vàng đi nữa.

Theo Nam Long

Cùng chuyên mục
XEM