'Trung Quốc có công cụ để tránh khủng hoảng Evergrande'

28/09/2021 21:00 PM | Xã hội

Trung Quốc hoàn toàn có đủ nguồn lực cũng như các công cụ chính sách để có thể ngăn cản vụ việc của công ty phát triển bất động sản Evergrande châm ngòi một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Masatsugu Asakawa, chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á, cho biết.

Tình trạng khó khăn của Evergrande đã cho thấy rõ hiện tượng lạm phát giá tài sản góp phần không nhỏ trong cơ cấu tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế Trung Quốc trong suốt thời gian qua. Chính quyền các địa phương cũng như nhu cầu mua sắm của người dân có thể sẽ bị tác động không nhỏ. 

“Tôi không cho rằng khó khăn của một doanh nghiệp đơn lẻ lại có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng toàn cầu giống như sau khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản”, Masatsugu Asakawa, chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chia sẻ. 

Chính quyền Trung Quốc đã cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng để có thể kiểm soát mọi tác động tiêu cực từ vụ việc của Evergrande, và ngân hàng trung ương quốc gia này cũng đang bơm thêm thanh khoản ngắn hạn vào các thị trường, ông nói.

Evergrande đang nắm giữ khối tài sản đủ để họ có thể thanh toán các khoản nợ, Asakawa bổ sung.

Trung Quốc có công cụ để tránh khủng hoảng Evergrande - Ảnh 1.

Masatsugu Asakawa, chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ảnh: Reuters.

Sự khó khăn của Evergrande nêu bật lên sự phụ thuộc của nền kinh tế Trung Quốc vào thị trường bất động sản, không khác nhiều so với giai đoạn bong bóng tài sản hình thành tại Nhật Bản trong giai đoạn những năm 1980 và những năm đầu của thập niên 1990.

Thị trường bất động sản sụp đổ có thể ảnh hưởng mạnh tới chính quyền các địa phương tại Trung Quốc, cũng như các hộ gia đình, khi phụ thuộc không nhỏ vào thị trường này. 

“Chúng ta cần quan sát diễn biến một cách thận trọng vì tác động của nó lên tình hình tài chính của chính quyền các địa phương cũng như chi tiêu hộ gia đình là tương đối lớn”, Asakawa cho biết.

Với tổng số nợ lên tới 305 tỷ USD, vụ việc của Evergrande làm dấy lên không ít lo ngại rằng những ảnh hưởng của nó sẽ lan sang hệ thống tài chính, và thậm chí là nền kinh tế toàn cầu, cho dù những thiệt hại tính tới thời điểm hiện tại mới chỉ gói gọn trong lĩnh vực bất động sản.

Asakawa cho biết Trung Quốc có thể sẽ quay trở lại với chu kỳ tăng trưởng vừa phải từ năm 2022, với các vấn đề cơ cấu như gia tăng nợ công và nợ tư nhân được cho rằng sẽ vẫn là gánh nặng cho nền kinh tế.

“Từ năm 2022 trở đi, Trung Quốc sẽ hòa nhập vào xu hướng tăng trưởng vừa phải trong dài hạn. Sẽ không dễ để Trung Quốc có thể quay trở lại với những con số tăng trưởng ấn tượng 7- 8%/năm như đã đạt được trong giai đoạn bùng nổ nhất”, ông nói.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM