Trung Quốc bỏ Zero-COVID: Xuất khẩu chưa ‘nóng', tiểu thương vừa 'ngóng' vừa nhập hàng

10/01/2023 07:01 AM | Kinh doanh

Biết tin Trung Quốc mở cửa lại biên giới từ ngày 8-1, nhiều doanh nghiệp đang hối hả hoàn thành thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo phương thức truyền thống, còn các tiểu thương lại nhập hàng cầm chừng, chờ nhu cầu mua sắm Tết tăng.

Trung Quốc bỏ Zero-COVID: Xuất khẩu chưa ‘nóng, tiểu thương vừa ngóng vừa nhập hàng - Ảnh 1.

Một tiểu thương tại chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) tranh thủ giữa trưa vắng khách để trang trí lại gian hàng bán mèo thần tài. Có những chú mèo lớn được bán với giá 2 triệu đồng - Ảnh: HÀ QUÂN

Vì sao xuất khẩu chưa tăng đột biến?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 9-1, ông Hoàng Khánh Duy, phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), cho biết trên địa bàn ngày 8-1, có 212 xe xuất khẩu (xe hoa quả chiếm khoảng 85%), còn 405 xe nhập khẩu. 

Số xe chở hàng xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tính tới 20h ngày 8-1 là 623, tăng 271 xe so với ngày 7-1 trước đó.

Vị này đánh giá dù lái xe và người đi cùng xe có thể giao nhận hàng hóa tận bến bãi bên Trung Quốc nhưng số lượng xe xuất khẩu chưa tăng đột biến. 

Có nhiều nguyên nhân như nhiều lái xe đang chờ kết quả xét nghiệm PCR âm tính, doanh nghiệp đang làm thủ tục sổ thông hành… 

Bên cạnh đó, ngày 8-1 là ngày đầu tiên Trung Quốc yêu cầu cá nhân tài xế tự khai phiếu sức khỏa mới nên một số bác tài còn nhiều lúng túng. 

“Ngoài kỳ vọng xuất nhập khẩu nhộn nhịp hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để có các giải pháp tạo điều kiện thông thương hàng hóa tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân hai nước. 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Lạng Sơn tiếp tục gửi thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, lưu ý tới lái xe, chủ hàng biết rõ quy định”, ông Duy nói.

Theo ông Vy Công Tường - cục phó Cục Hải quan Lạng Sơn, lượng xe hàng xuất khẩu không tăng đột biến dù Trung Quốc “nới lỏng” các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Bởi số lượng xe xuất khẩu phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng chứ không phụ thuộc phương thức giao hàng. Chẳng hạn, năm 2022, có tình trạng ùn ứ nông sản là do nhu cầu tăng cao. 

Hiện nay mặt hàng xuất chính qua các cửa khẩu của Lạng Sơn vẫn là nông sản như thanh long, nhãn, mía, chuối…

“Có thời điểm xuất khẩu tới 400 - 500 xe nhưng lúc khác thì không được như vậy. Đó là do nhu cầu hàng hóa", ông Tường nhấn mạnh.

Qua trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các đơn vị chức năng của Lạng Sơn cho biết căn cứ thực tế sẽ nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng thời gian thông quan. 

Hiện nay, giờ mở cửa thống nhất là 7h sáng bên Việt Nam (8h sáng Trung Quốc) và 17h chiều giờ Việt Nam (khoảng 18h chiều giờ Trung Quốc).

Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp đang xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc đã thông báo để tài xế lái container xét nghiệm PCR COVID-19 ngay tại Lạng Sơn. So với giá test PCR hơn 700.000 đồng/mẫu trước đây, nhiều tài xế cho biết chỉ phải trả khoảng 120.000 đồng/mẫu.

Trung Quốc bỏ Zero-COVID: Xuất khẩu chưa ‘nóng, tiểu thương vừa ngóng vừa nhập hàng - Ảnh 2.

Hàng ngàn xe container chờ tại bãi ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn để làm thủ tục thông quan, trong đó tài xế Việt Nam lái xe xuất khẩu sang Trung Quốc bắt buộc phải có giấy xét nghiệm PCR COVID-19 có hiệu lực trong 48 giờ - Ảnh: NAM TRẦN

Nhập hàng cầm chừng, nghe ngóng nhu cầu

Là hộ kinh doanh gần 20 năm tại chợ Đông Kinh (Lạng Sơn), chị Lý rất vui khi nghe tin Trung Quốc cho phép lái xe chở hàng sang thẳng bên Trung Quốc. Việc này giúp chủ hàng chủ động trong lên kế hoạch, giảm cước vận chuyển, hàng nhập về nhanh hơn.

"Nghe tin Trung Quốc nới lỏng dần kiểm soát dịch thì rất vui. Chắc chắn hàng hóa sẽ về nhiều hơn, rẻ hơn. Đặc biệt là hàng nội địa Trung Quốc vì chất lượng rất tốt. 

Hai, ba năm nay, tôi thiệt hại khoảng 70% lượng khách mua hàng do dịch bệnh. Ngày xưa, cứ túc tắc bán cũng ổn nhưng giờ rất vất vả mới bán được hàng. Mấy tháng nay, chợ cũng khôi phục dần dần", chị Lý cho hay.

Đánh giá kinh tế khó khăn, khách cân nhắc hơn trong chi tiêu, chị Lý chỉ nhập khoảng 40% lượng hàng so với trước, chủ yếu để thăm dò nhu cầu của khách. 

Còn chị Nguyễn Thị Yến, tiểu thương kinh doanh đồ chơi trẻ em tại Lạng Sơn, chia sẻ bản thân mong giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam sớm trở lại bình thường. Những ngày này, chị Yến và chồng đang tranh thủ nhập thêm các mẫu hàng đồ chơi mới "theo trend" để thu hút trẻ em qua sạp hàng.

"Nếu xuất khẩu, nhập khẩu hai nước thuận lợi, không kiểm tra ngặt nghèo thì hàng hóa sẽ qua lại nhiều hơn, đa dạng mẫu mã hơn. Cước vận chuyển giảm đi, giá bán ra mềm hơn thì hút nhiều khách hơn so với bây giờ. Bán được càng nhiều hàng thì thời gian bù lỗ do dịch COVID-19 càng nhanh", chị Yến bộc bạch. 

"Mình cũng nghe ngóng tình hình để nhập hàng nhưng sẽ không tích hàng như ngày xưa nữa. Nhìn thấy khách mới nhập hàng. Hàng về dễ thì mới tính toán tích trữ hàng. Ví dụ như bình thường lấy một mẫu khoảng 5 hộp thì nay chỉ lấy 2 hộp, hết mới lấy", chị Yến quả quyết.

Theo Hà Quân

Cùng chuyên mục
XEM