[Trực tiếp] Vòng tranh luận trực tiếp bầu cử Tổng thống Mỹ: Donald Trump dọa bỏ tù bà Clinton nếu trở thành Tổng thống

10/10/2016 09:32 AM | Xã hội

Trên sân khấu, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đang có những hành động được cho là lạ lẫm. Ngoài việc không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, ông Donald Trump còn cố gắng né tránh ống kính bằng cách đứng sau bà Clinton khi đối thủ phát biểu.

10h09: Chốt lại là màn khen ngợi nhau hiếm thấy

Trong câu hỏi cuối cùng của cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ 2, điều phối viên đã hỏi hai ứng viên tổng thống Mỹ tôn trọng gì ở nhau. Thay vì lắng nghe những lời chỉ trích, mỉa mai, cử tri Mỹ có cơ hội lắng nghe hai ứng viên tổng thống Mỹ sử dụng những lời tốt đẹp, hoa mỹ để mô tả đối phương.

Trả lời trước, bà Clinton lên tiếng ca ngợi Trump và cho rằng những bất đồng giữa họ không phải bất đồng cá nhân. Bà Clinton cũng tỏ ra ngưỡng mộ những người con của ông Trump vì họ luôn nói tốt về ông ấy. "Là một người bà, một người mẹ, tôi thấy điều đó rất quan trọng", bà Clinton nhấn mạnh. Cùng với đó, bà Clinton tranh thủ nói về những dự định để làm nước Mỹ tốt đẹp hơn cũng như giúp đỡ được nhiều hơn cho trẻ em và gia đình chúng.

Sau khi bà Clinton kết thúc câu trả lời, ông Trump tỏ ra hoài nghi về những gì đối thủ nói về mình là một lời khen. Nói về đối thủ, ông Trump tỏ ra ngưỡng mộ bà Clinton vì và ấy luôn tranh đấu và không bao giờ bỏ cuộc.

"Bà ấy không bao giờ đầu hang, không bao giờ từ bỏ. Bà ấy là một chiến binh", Trump ngợi khen bà Clinton, người mà ông đe dọa sẽ bỏ tù nếu trở thành tổng thống Mỹ.

Các hai ứng viên tổng thống Mỹ khen ngợi nhau đã góp phần chấm dứt cuộc tranh luận nảy lửa, bắt đầu bằng việc hai ứng viên từ chối bắt tay. Và cuối cùng, trước khi rời sân khấu, họ đã bắt tay nhau.

9h55: "Trung Quốc đang bán phá giá thép ở Mỹ và Donald mua thép Trung Quốc"

Hai ứng viên được hỏi họ sẽ thực hiện chính sách năng lượng như thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu lại vừa đảm bảo yếu tố về môi trường và giảm thiểu tối đa số lao động bị sa thải.

Trump: "Cơ quan bảo vệ môi trường EPA đang "giết chết" ngành công nghiệp năng lượng của nước Mỹ. Tôi ủng hộ các dạng năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên vẫn còn than đá sạch – thứ đã tồn tại ở nước Mỹ 1.000 năm nay. Tôi sẽ mang các công ty năng lượng của chúng ta quay trở lại".

Bà Clinton mở đầu câu trả lời bằng một lời buộc tội Donald Trump: "Trung Quốc đang bán phá giá thép tại Mỹ, và Donald đang mua thép Trung Quốc". Bà cũng cho rằng lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ đang ở trong trạng thái độc lập về năng lượng và cần phải duy trì điều đó.

"Chính sách năng lượng của tôi khá phức tạp, nhưng điểm đáng chú ý là tôi sẽ chống lại biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể trở thành cường quốc năng lượng của thế kỷ 21 và tạo ra hàng triệu việc làm. Tôi cũng muốn ngành than đá sống lại, nhưng phải nhớ là giá than đang sụt giảm trên toàn thế giới".

9h50: Ông/bà sẽ ưu tiên khía cạnh nào nhất trong việc chọn ra thẩm phán Tối cao Pháp viện?

Bà Clinton: "Tôi muốn lựa chọn những thẩm phán am hiểu cách vận hành của thế giới thực, những người không chỉ đến từ hãng luật lớn mà thực sự hiểu người dân Mỹ thực sự cần gì. Tôi muốn loại bỏ sự chi phối của tiền bạc lên chính trị".

Trump trả lời rằng ông chỉ muốn bổ nhiệm một thẩm phán "có đủ tư chất giống như thẩm phán Scalia". Hồi tháng 2, thẩm phán Antonin Scalia, một trong chín vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã qua đời và để lại một chỗ trống lớn trên chính trường Mỹ bởi ông là người có ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử Tối Cao Pháp Viện Mỹ.

Lựa chọn người thay thế ông Scalia cũng là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay.

9h46: Bà Clinton "có lòng thù ghét ở trong tim"

Bà Clinton cũng bị vặn hỏi về lần "vạ miệng" trước đây. Một trong số các điều phối của chương trình hỏi bà Clinton về phát ngôn một nửa số người ủng hộ Donald Trump là những kẻ "đáng thương hại". Bà Clinton cho rằng vấn đề nằm ở chỗ bà không ủng hộ chương trình tranh cử chứa đầy lòng thù hận và khiến nước Mỹ chia rẽ của Trump.

"Vấn đề nằm ở những điều ông ấy đã nói về người Mỹ gốc Phi, về người Hồi giáo. Và Trump chưa từng xin lỗi về những điều này".

Ngay lập tức Trump phản pháo lại: "Bà ấy có sự căm ghét khủng khiếp ở trong tim. Đất nước này không thể chịu đựng thêm 4 năm nữa giống hệt như dưới thời Barack Obama".

9h37: Là Tổng thống của mọi người dân Mỹ

Cuộc tranh luận đến với câu hỏi tiếp theo: "Ông/bà có thể chắc chắn mình là một vị Tổng thống hết lòng tận tụy cống hiến cho người dân Mỹ"?

Vẫn như các lần trước, ông Trump bám vào luận điểm sẽ mang việc làm quay trở lại với nước Mỹ và sau đó chuyển sang công kích Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ, thứ mà ông gọi là "thảm họa" đã được người chồng Bill Clinton của bà Hillary thông qua và bà Hillary cũng rất ủng hộ hiệp định này. "Các bạn có gì để mất nữa đâu? Mọi thứ chẳng thể tệ hơn được nữa. Dưới thời Clinton tôi dám chắc sẽ chẳng có gì thay đổi".

Đến lượt mình, bà Clinton tự hào nói về 30 năm đã cống hiến cho nền chính trị Mỹ. Bà cũng chỉ ra rằng có tới 67% người dân cho biết sẽ tiếp tục bầu bà làm Thượng nghị sĩ của New York.

9h29: Không có sự đột phá trong giải quyết vấn đề cốt lõi

Trở lại cuộc tranh luận, cả ông Trump và bà Clinton đều cáo buộc nhau đang gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và hủy hoại nền kinh tế Mỹ. Dù cuộc tranh luận đã đạt tới đỉnh nhưng cả hai phía đều chưa thể hiện được lợi thế trước đối thủ. Sau những vấn đề nóng ban đầu, cuộc tranh luận đang đi vào giải quyết những vấn đề nan giải của nước Mỹ. Đáng tiếc, đây là một trận hòa.

Về phần mình, Donald Trump tỏ ra không đồng ý với bạn đồng hành Mike Pence, người sẽ trở thành phó tổng thống khi ông Trump đắc cử, trong việc đưa lính Mỹ vào Syria. Trump tỏ ra không hiểu vì sao các tướng lĩnh của Mỹ không thể thủ tiêu lãnh đạo IS. Về phần mình, bà Clinton cam kết đẩy IS khỏi Iraq nếu trở thành tổng thống.

Bà Clinton cũng không đưa quân Mỹ vào tham chiến ở Syria nếu đắc cử.

Về chính sách đối ngoại, bà Clinton đề cập tới Hiệp ước New Start giúp giảm vũ khí hạt nhân Nga sở hữu. Tuy nhiên, trên thực thế, nước Nga vẫn đang sở hữu lượng vũ khí nguyên tử khủng khiếp đủ để răn đe. Trong hai năm qua, Nga tiếp tục tăng số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật, chiến lược và đưa vào biên chế nhiều loại khí tài mới với chức năng răn đe hạt nhân.

Với Trump, ông chỉ trích cách chính quyền Obama, thời điểm bà Clinton còn làm ngoại trưởng, can thiệp vào Libya. "Hãy nhìn những gì bà ấy đã làm với Gaddafi. Gaddafi đã chết nhưng Libya là mớ hỗn độn", Donald Trump nói về thực trạng đang diễn ra ở quốc gia Bắc Phi.

Tuy nhiên, bản thân ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa từng ủng hộ Mỹ chống Gaddafi. Giờ đây, ông Trump nói ngược lại với những gì mình đã tuyên bố. Người ta cũng cáo buộc Trump "kiếm lời lớn" từ thỏa thuận với Gaddafi sau khi nhà lãnh đạo Libya bị lật đổ.

9h07: Trump cố gắng né ống kính, bà Clinton thể hiện phong độ tuyệt vời

Trên sân khấu, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đang có những hành động được cho là lạ lẫm. Ngoài việc không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, ông Donald Trump còn cố gắng né tránh ống kính bằng cách đứng sau bà Clinton khi đối thủ phát biểu. Mạng xã hội Mỹ đang tràn ngập thông tin về việc làm kỳ lạ của ứng viên đảng Cộng hòa.

Nhiều người cho rằng việc đứng đằng sau ghế, đi lại xung quanh như cá mập vờn mồi là chiến thuật của Donald Trump. "Có lẽ ông ta nghĩ rằng làm như vậy khiến ông ta trở nên mạnh mẽ và lấn át. Tuy nhiên, trên ti vi, việc làm đó chỉ là lời đe dọa mơ hồ và tạo ra nhiều sự khó chịu", Telegraph dẫn các nhận định trên mạng xã hội.

Trong khi đó, bà Clinton vẫn ngồn trên ghế, bình tĩnh, sẵn sàng và tự tin. Bà ấy có vẻ như chăm chú lắng nghe, ghi chép và thi thoảng cười gượng và lắc đầu.

Nhiều người nghĩ rằng, việc cáo buộc chồng một người phụ nữ phạm tội hiếp dâm khi ông ấy có mặt dưới hàng ghế khán giả có thể khiến cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 2 đổ bể. Tuy nhiên, người phụ nữ ấy chắc chắn không phải bà Clinton. Bản lĩnh chính trị được tôi luyện khiến bà Clinton dễ dàng vượt qua điều đó.

Bà Clinton luôn nhận thức rõ máy ảnh luôn chĩa về phía mình khi ông Trump phát biểu. Chính vì thế, bà Clinton vẫn gượng cười hay đôi khi có cử chỉ tỏ vẻ khinh thường, chế nhạo hay đôi lúc trông tự cao và thích thú. Những hành động của bà Clinton không phải là sự tình cờ.

Những gì cựu ngoại trưởng Mỹ thể hiện dường như được suy nghĩ một cách cẩn trọng và thấu đáo. Nó được thể hiện nhằm làm nổi bật bà Clinton trước đối thủ, người dễ bị sự nóng giận khiến cho mất kiểm soát. Khi hai người từ chối bắt tay trên sân khấu, dường như chính bà Clinton đã chủ động né tránh bằng cách nhanh chóng quay mặt về phía khán giả.

Đội ngũ tranh cử của bà Clinton từng thảo luận rất nhiều cho câu hỏi phải làm gì khi bắt tay. Rõ ràng, họ quyết định bà Clinton cần chứng minh sự tức giận của mình trước hành vi của ông Trump ngay khi cuộc tranh luận chưa bắt đầu. Bà Clinton có lý do để làm điều đó vì bà cũng là phụ nữ.

9h06: Nước Mỹ và cuộc chiến chống IS

Cuộc tranh luận bước sang chủ đề tiếp theo. Trước sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, trong đó điển hình là lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), các ứng viên phải đưa ra phương án bảo vệ nước Mỹ trước khủng bố hồi giáo cực đoan. Bà Clinton cho rằng mình sẽ tập trung vào bảo vệ người Hồi giáo ở Mỹ khỏi những thành kiến. Bà Clinton nhắc lại những lời nói của Donald Trumop với gia đình binh sĩ Hồi giáo Khan, người đã vì nước Mỹ mà hi sinh trong cuộc chiến tại Iraq. Trước đó, gia đình Khan đã được nhắc tới như ví dụ điển hình cho sự không biết hối lỗi của Trump.

Về phần mình, ứng viên Donald Trump phải giải thích về tuyên bố cấm cửa người Hồi giáo mà ông đưa ra trong chiến dịch giành phiếu của đảng Cộng hòa. Thay vì trả lời trực tiếp, Donald Trump né trách bằng việc đưa ra chính sách "rà soát nghiêm ngặt" mà mục tiêu của nó phụ thuộc nhiều vào khu vực địa lý thay vì tôn giáo.

9h02: Trump dọa bỏ tù Clinton nếu trở thành Tổng thống

Khi cuộc tranh cãi về vấn đề nóng bỏng nhất trên chính trường Mỹ lắng xuống, ông Donald Trump cho biết ông sẽ chỉ định một công tố viên đặc biệt để xem xét lại bê bối email của bà Clinton trong thời gian làm ngoại trưởng Mỹ nếu vị tỷ phú New York trở thành Tổng thống Mỹ. Theo đối thủ đảng Cộng hòa, bà Clinton nên "cảm thấy xấu hổ về bản thân và xứng đáng ngồi sau song sắt nhà tù".

Đáp lại, cựu ngoại trưởng Mỹ thì nhấn mạnh Donald Trump là kẻ không chịu tuân thủ luật pháp. Bà Clinton cũng đưa ra những lý luận để khẳng định chiến dịch tranh cử của Donald Trump đang sụp đổ dù nhiều lần bị đối thủ ngắt lời. Ngay cả người điều phối của chương trình cũng bị Trump công kích khi nhắc nhở ông đừng cướp lời đối thủ. Trump tuyên bố ông đang đứng giữa cuộc tranh luận một đấu ba với đối thủ là bà Clinton và hai người điều phối.

8h59: Bê bối của Trump là tâm điểm

Nhanh chóng bắt đầu, hai ứng viên Mỹ thể hiện quan điểm khi hai người dẫn chương trình Anderson Cooper và Martha Raddatz đề cập tới hình mẫu tốt. Bà Clinton cho biết mình là điển hình cho tất cả người Mỹ về sự cởi mở và tự tin trong khi ông Trump công kích đối thủ và thái độ không nhất quan của bà Clinton với đạo luật Obamacare, thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, sự công kích của ông Trump được đánh giá là chưa có nhiều hiệu quả.

Không chỉ là chủ đề nóng trên chính trường nước Mỹ, những câu nói vạ miệng của ông Trump trong đoạn video mới bị lộ cũng là chủ đề nóng trong cuộc tranh luận. Khi được hỏi về quan điểm trước việc sàm sỡ phụ nữ, Donald Trump 3 lần nhấn mạnh rằng họ đang trong một cuộc thảo luận mở. Trump cho biết ông rất xấu hổ về việc đó nhưng từ chối nói nhiều vì họ đang trong cuộc tranh luận trực tiếp. Ông Trump bày tỏ sự hối tiếc và nói rằng "tôi không tự hào" về cuốn băng đó.

Nắm lấy cơ hội, bà Clinton ngay lập tức công kích đối thủ Trump, người từng có quan điểm tiêu cực về nhiều thành phần trong xã hội Mỹ. Bà Clinton cho rằng những gì trong video chính là con người tỷ phú New York Donald Trump. "Tôi muốn gửi thông điệp tới tất cả các chàng trai cô gái và với tất cả thế giới rằng nước Mỹ đã và đang vĩ đại bởi chúng tôi là những người tốt".

Khi màn tranh luận đang ở mức cao trào, Donald Trump chuyển hướng bằng việc chĩa cáo buộc vào phía cựu tổng thống Bill Clinton, chồng ứng viên tổng thống Hillary. "Những gì ông ấy từng làm với phụ nữ là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị của nước Mỹ và đó mới là lạm dụng", Trump ám chỉ bê bối tình ái của ông Bill Clinton, điều từng khiến Nhà Trắng lao đao trong những năm đầu thập niên 1990.

Trước sự công kích của đối thủ, bà Clinton từ chối tranh luận. Thay vào đó, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ dẫn lời bà Michelle Obama, vợ đương kim tổng thống Mỹ: "Khi người ta tự hạ mình xuống thấp, bạn sẽ trở nên cao hơn". Bà Clinton khẳng định ông Trump cần chịu trách nhiệm cho những hành động mà mình gây ra.

8h55: Hai ứng viên không bắt tay nhau

Dù ông Bill Clinton và bà Melania Trump cùng con gái của họ chào nhau phía dưới hàng ghế đầu, trong một động thái hiếm thấy trong lịch sử, hai ứng viên chính trong cuộc đua vào Nhà Trắng né tránh việc bắt tay trên sân khấu trước khi cuộc tranh luận diễn ra. Nó khác hoàn toàn so với lần tranh luận đầu tiên, đánh dấu sự khốc liệt trong lần tranh luận thứ 2.

8h54: Trump xuất hiện cùng 3 người từng tố cáo Bill Clinton

8h sáng nay (10/10) theo giờ Việt Nam, cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai trong khuôn khổ cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton chính thức diễn ra tại ĐH Washington, St. Louis, bang Missouri, Mỹ.

Gần 2 giờ trước khi cuộc tranh luận chính thức bắt đầu, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã xuất hiện tại ĐH Washington cùng với 3 người phụ nữ từng tố cáo Bill Clinton đã có hành vi quấy rối tình dục đối với họ.

Kathleen Wiley, Juanita Broaddrick, Paula Jones và Kathy Shelton xuất hiện bên cạnh Trump trên bàn họp báo, live stream trên Facebook.


Trump xuất hiện cùng 3 người phụ nữ và tổ chức họp báo trước thềm cuộc tranh luận. (Ảnh: Business Insider)

Trump xuất hiện cùng 3 người phụ nữ và tổ chức họp báo trước thềm cuộc tranh luận. (Ảnh: Business Insider)

Broaddrick, người vẫn luôn nói rằng cựu Tổng thống Bill Clinton, chồng bà Hillary, đã hiếp dâm bà năm 1978, liên tục nhắc lại những lời buộc tội. "Ngài Trump đã nói những lời tồi tệ, nhưng Bill Clinton đã cưỡng hiếp tôi và Hillary Clinton dọa nạt tôi. Chẳng có điều gì tồi tệ hơn thế".

Phía đảng Cộng hòa xác nhận rằng BroaddrickWiley và Jones có thể tham gia vào cuộc tranh luận.

Donald Trump vừa trải qua vụ bê bối tồi tệ nhất đối với một ứng viên Tổng thống Mỹ khi xuất hiện một đoạn băng trong đó ông buông ra những lời lẽ thô tục về chuyện "sờ soạng" phụ nữ.

Khác với cuộc tranh luận lần một, lần này một nửa câu hỏi sẽ được đưa ra bởi những cử tri được lựa chọn trước, chưa công bố sẽ ủng hộ cho ai. Các câu hỏi còn lại được đưa ra bởi những người điều phối chương trình là người dẫn chương trình Anderson Cooper của kênh CNN và phóng viên kỳ cựu Martha Raddatz của đài ABC. Mỗi ứng viên có 2 phút để trả lời.

Cùng chuyên mục
XEM