Trong lúc cả thị trường chứng khoán "đỏ lửa", vì sao Thế Giới Di Động vẫn tăng mạnh, vốn hóa lập đỉnh lịch sử?

13/07/2021 11:42 AM | Kinh doanh

Cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới đi động đang trở thành điểm sáng giữa lúc thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

MWG “một mình một ngựa” lập đỉnh lịch sử

Ngày 12/7, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận một ngày giao dịch "đẫm máu", tiếp đà giảm điểm mạnh nhất trong 5 tháng qua. Chỉ số Vn-Index giảm 50,84 điểm, thậm chí có thời điểm giảm tới 71 điểm (-5,29%).

Hết phiên giao dịch, số lượng cổ phiếu giảm còn 374 mã, trong đó 94 mã giảm sàn, gấp hơn 10 lần cổ phiếu tăng điểm. Nhóm cổ phiếu vốn là lực đỡ của thị trường - ngân hàng và thép – cũng là nhóm giảm mạnh nhất. Tại nhóm ngân hàng, cổ phiếu của Techcombank, VPBank, Vietinbank, LienVietPostBank, MSB... đều đang giao dịch sát giá sàn. Tại nhóm thép, cổ phiếu của Hoa Sen đã "trắng bên mua" còn cổ phiếu của Hòa Phát hiện có lúc chỉ còn cách giá sàn 100 đồng.

Tuy nhiên, giữa lúc các cổ phiếu lớn đồng loạt "cắm đầu" thì cổ phiếu của CTCP Thế giới di động (MWG) vẫn duy trì đà tăng của mình trong những ngày qua. Từ 1/7, MWG đã tăng từ vùng giá 152.000 đồng/cổ phiếu để tiến sát mốc 180.000 đồng/cổ phiếu. Với mức đỉnh này, giá trị vốn hóa thị trường của MWG đạt hơn 83.900 tỷ đồng.

Ngày 7/7, cổ phiếu MWG cũng tăng giá kịch trần. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu MWG đã tăng gần 58.000 đồng, tương ứng mức tăng 49%. Và dù chỉ tăng 0,06% trong phiên giao dịch ngày 12/7 nhưng đây vẫn được coi là điểm sáng hiếm hoi trong lúc các mã chứng khoán lớn nhỏ khác đều "đỏ lửa".

Trong lúc cả thị trường chứng khoán đỏ lửa, vì sao Thế Giới Di Động vẫn tăng mạnh, vốn hóa lập đỉnh lịch sử? - Ảnh 1.

Nếu “soi” kỹ báo cáo tài chính của CTCP Thế giới di động, có thể hiểu phần nào lý do mã chứng khoán của doanh nghiệp này đi ngược dòng thị trường.

Báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm của CTCP Thế giới di động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 51.830 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 2.172 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ). Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch LNST cả năm. Riêng tháng 5/2021, doanh thu thuần đạt hơn 11.380 tỷ đồng và LNST đạt 481 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 26% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là nỗ lực vượt bậc của Công ty trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Cuối tháng 5, hơn 630 cửa hàng TGDĐ/ĐMX nằm trong các khu vực phong tỏa và giãn cách xã hội phải đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng”, báo cáo cho hay.

Bách Hóa Xanh cứu nguy giữa mùa dịch

Trong phiên giao dịch ngày ngày 7/7, khi chỉ số Vn-Index phục hồi sau phiên giảm sốc, không chỉ MWG mà cả nhóm cổ phiếu bán lẻ (MWG, PNJ, VRE, DGW, FRT) đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư khi đồng loạt tăng mạnh, trong đó MWG, PNJ và FRT tăng kịch trần. Điều này đã phần nào khiến các nhà đầu tư bất ngờ vì các doanh nghiệp bán lẻ vốn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19.

Các chuyên gia trong ngành nhận định rằng xu hướng làm việc ở nhà vì dịch Covid-19 đã thúc đẩy doanh thu mặt hàng điện tử, laptop, điện thoại cho các nhà bán lẻ. Cụ thể, sức tiêu thụ laptop chơi game tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, nhu cầu mua iPhone cũng tăng bất chấp dịch bệnh kéo dài. Tuy nhiên mỗi nhà bán lẻ lại có đặc thù và lợi thế khác nhau, không phải xu hướng nào cũng tác động đủ lớn đến kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp.

Với MWG, trong báo cáo về tình hình hoạt động 5 tháng đầu năm 2021 của mình, doanh nghiệp này cho biết doanh thu từ máy tính xách tay, điện lạnh, và gia dụng chỉ đi ngang so với cùng kỳ do nhu cầu thấp. Duy chỉ có dòng điện thoại iPhone trở thành điểm sáng, cứu nguy và giúp nhóm hàng điện thoại tăng trưởng 2 chữ số.

Tuy nhiên, những đợt bùng phát dịch từ đầu năm 2021, đặc biệt là đợt bùng dịch lần thứ 4 tại các địa phương như Tp.HCM, Bình Dương,... lại làm tăng đột biến nhu cầu tích trữ thực phẩm và mua hàng online của người tiêu dùng. Và các chuỗi bán lẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài dường như đã hưởng lợi lớn từ xu hướng này.

Trong lúc cả thị trường chứng khoán đỏ lửa, vì sao Thế Giới Di Động vẫn tăng mạnh, vốn hóa lập đỉnh lịch sử? - Ảnh 2.

Cuối tháng 5, hơn 630 cửa hàng Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh nằm trong các khu vực phong tỏa và giãn cách xã hội phải đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Thay vào đó, kênh bán hàng online được dịp bứt phá. Doanh thu online của Công ty riêng tháng 5 tăng 77% so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng, doanh thu online đóng góp 4.024 tỷ đồng cho MWG.

Trong đó, doanh thu online của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tăng 84% so với tháng trước, chiếm hơn 10% tổng doanh thu của hai chuỗi này riêng tháng 5.

Nhưng bứt phá mạnh mẽ nhất lại là “người em” Bách Hóa Xanh.

Chuỗi này ghi nhận doanh thu hơn 10.600 tỷ đồng cho 5 tháng đầu năm 2021, tăng 36% so với cùng kỳ. Đáng nói, số lượng đơn hàng online và doanh thu online của chuỗi này tăng trưởng lên lượt tới 380% và 290% so với 5 tháng đầu năm 2020. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng 5 đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội. Nhờ đó mà Bách Hóa Xanh đang tiệm cận mức hòa vốn EBITDA ở cấp độ công ty.

Trong lúc cả thị trường chứng khoán đỏ lửa, vì sao Thế Giới Di Động vẫn tăng mạnh, vốn hóa lập đỉnh lịch sử? - Ảnh 3.

Trong báo cáo phân tích công bố ngày 6/7, Chứng khoán SSI cũng cho rằng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh có thể tiếp tục được hưởng lợi khi chính sách giãn cách để phòng dịch Covid-19 phải kéo dài. Nhiều chợ đầu mối, chợ tự phát tại TP. Hồ Chí Minh đóng cửa sẽ giúp Bách Hóa Xanh tăng doanh thu trong thời gian tới.

Còn theo VNDirect, trong khi rủi ro Covid-19 ảnh hưởng đến các sản phẩm không thiết yếu thì đây là cơ hội để các sản phẩm thiết yếu duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2022 và chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ là một trong những chuỗi bán lẻ có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

Đây cũng sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng của MWG nhờ 2 lý do chính. Thứ nhất, MWG đã mở rộng mạnh mẽ các cửa hàng Bách Hóa Xanh trong năm 2020 (1.719 cửa hàng vào cuối năm 2020). Thứ hai, khả năng đàm phán với nhà cung cấp liên tục được cải thiện giúp tăng biên lợi nhuận gộp.

Sự tăng trưởng đột biến của Bách Hóa Xanh thời điểm hiện tại cũng phần nào đập tan nghi vấn của nhiều người trước đây, về khả năng thành công của chuỗi bán lẻ này. 

Niềm tin vào động lực tăng trưởng mới

Từ tháng 4/2021, MWG mới công bố triển khai mô hình đại lý – cộng tác với các cửa hàng nhỏ lẻ. Theo đó, MWG sẽ trở thành nhà bán buôn nhập khẩu các sản phẩm di động và điện tử tiêu dùng. Phân tích của VNDirect kỳ vọng, hoạt động kinh doanh B2B sẽ giúp MWG giành thêm được thị phần và tăng khả năng đàm phán về giá, từ đó có thể tăng biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ ở chuỗi Thế Giới Di động và Điện Máy Xanh trong giai đoạn tới.

"Chúng tôi nhận thấy việc liên tục nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình bán lẻ sản phẩm mới là một trong những yếu tố then chốt để MWG tiếp tục tìm ra các động lực tăng trưởng tiếp theo", báo cáo cho hay.

Trong lúc cả thị trường chứng khoán đỏ lửa, vì sao Thế Giới Di Động vẫn tăng mạnh, vốn hóa lập đỉnh lịch sử? - Ảnh 4.

Ngoài ra, thử nghiệm kinh doanh thêm các loại xe đạp tại 7 cửa hàng Điện Máy Xanh được Công ty triển khai trong tháng 5 mang lại kết quả ban đầu khá khả quan với số lượng bán ra hơn 800 chiếc.

Còn MWG nhận định dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khiến số lượng cửa hàng bị ảnh hưởng đang tăng lên và sẽ tác động đáng kể đến tình hình kinh doanh trong tháng 6. "Tuy nhiên, MWG sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ doanh số và lợi nhuận".

Những yếu tố này đã giúp tạo niềm tin và kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với MWG. Chưa kể, trước đây không lâu, hoa hậu chứng khoán Mai Phương Thuý cũng úp mở về việc nắm giữ mã cổ phiếu này, khiến các nhà đầu tư càng thêm phấn khích và đặt niềm tin mạnh mẽ hơn vào Công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM