Trong khi Trung Quốc lũ 'đỏ' thì Mỹ xuất hiện dòng lũ đen sì khét lẹt: Cảnh báo đáng sợ từ giới khoa học!

23/07/2020 16:05 PM | Xã hội

Dòng nước lũ kỳ dị “cuộn sóng” ở bang Arizona có thể gây hại cho nhiều loài sinh vật, thậm chí cả con người.

Ngày 15/7/2020, một dòng chảy màu đen lạ thường được phát hiện trong một con kênh khô cạn ở Mỹ.

Video quay tại kênh Cañada del Oro Wash khô cằn, bang Arizona, cho thấy dòng chảy là một hỗn hợp bao gồm bùn, đất và cành cây khô. Tất cả đều bốc khói khét lẹt và chảy cuồn cuộn như sóng.

Dòng nước đen sì khét lẹt xuất hiện ở Mỹ

Video được đăng lên Twitter bởi các quan chức hạt Pima, bang Arizona. Họ viết chú thích: "Video quay ngày 15/7/2020 tại Cañada del Oro Wash, phía bắc hạt Pima, sau một cơn mưa giông nhỏ".

Theo đó, dòng chảy kỳ quái chính là lũ, kết quả của mưa và cháy rừng.

"Lũ có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào vào bất kỳ lúc nào. Nhưng bạn có biết cháy rừng làm tăng nguy cơ lũ? Đúng vậy đó.", các quan chức hạt Pima viết chú thích video. "Những vụ cháy rừng như vụ cháy Bighorn khiến mặt đất khô cằn, trơ trụi và không thể hấp thụ nước. Thậm chí một cơn mưa nhỏ cũng có thể khiến lũ quét xảy ra, thường ít có dấu hiệu".

Vụ cháy rừng Bighorn ở Arizona đã thiêu đốt hơn 48.377 ha rừng, tính từ ngày 5/6/2020. Trong khi đám cháy đã được kiểm soát, ngọn lửa vẫn đang thiêu rụi chân dãy núi Catalina.

 Trong khi Trung Quốc lũ đỏ thì Mỹ xuất hiện dòng lũ đen sì khét lẹt: Cảnh báo đáng sợ từ giới khoa học! - Ảnh 2.

Dòng chảy kỳ quái chính là lũ, kết quả của mưa và cháy rừng

Giới khoa học cũng đồng tình với các quan chức hạt Pima rằng cháy rừng khiến mưa trở nên nguy hiểm. Lửa làm thay đổi cấu trúc đất bằng cách khoáng hóa chất hữu cơ và giải phóng các chất dinh dưỡng, kim loại và độc tố thường không bị nước cuốn trôi. Cấu trúc đất mới này không hấp thụ nước.

"So với khu vực không bị cháy rừng, khu vực bị cháy dễ bị lũ hơn khi có mưa", Trung tâm Khoa học Nước California, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), giải thích. "Ở Nam California, chỉ lượng mưa nhỏ 7 mm trong 30 phút đã có thể khiến lũ quét xảy ra".

Khi thảm thực vật bị mất đi, tro và lớp đất lỏng lẻo chảy vào kênh rạch sông suối. Lớp bùn đất này làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước, tăng các chất dinh dưỡng mà cho phép vi khuẩn lam phát triển và tảo nở hoa. Kết cục là oxy trong nước tiếp tục giảm.

Việc thiếu oxy cuối cùng làm cá, cua nghẹt thở, khiến chúng chết hàng loạt. Ví dụ điển hình là vụ cháy rừng cuối năm 2019 đầu năm 2020 chưa từng có ở Úc.

Thậm chí nếu sinh vật dưới nước sống sót, chúng có thể chết đói sau đó vì không thể nhìn thấy thức ăn trong làn nước đục. Thực vật thủy sinh và tảo cũng chết vì không có ánh sáng mà chúng cần để quang hợp.

 Trong khi Trung Quốc lũ đỏ thì Mỹ xuất hiện dòng lũ đen sì khét lẹt: Cảnh báo đáng sợ từ giới khoa học! - Ảnh 3.

Lớp bùn đất này khi chảy ra sông suối có thể khiến cá chết hàng loạt

Lớp bùn đất từ cháy rừng cũng có thể chảy vào đập và đe dọa nước sạch của con người, làm cho bùn quá dày để hệ thống lọc có thể xử lý.

Khi dòng nước lũ chứa mảnh vụn rắn lớn, nó góp phần làm xói mòn đất, gây rủi ro cho cơ sở hạ tầng xử lý nước.

"Dòng nước lũ di chuyển nhanh, có sức tàn phá cao, xảy ra do mưa lớn là một trong những hậu quả nguy hiểm nhất của cháy rừng. Những dòng chảy như vậy đặc biệt nguy hiểm vì chúng ít có dấu hiệu báo trước", USGS giải thích.

"Dòng nước lũ có thể tước đi thảm thực vật, làm tắc cống, phá hủy cơ sở hạ tầng và gây nguy hiểm cho cuộc sống của con người".

Nhà sinh thái học Paul McInerney, đến từ Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung Úc (CSIRO), từng giải thích về giải pháp ứng phó với dòng chảy bùn đất. McInerney cho biết chúng ta có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát xói mòn để hạn chế kích thước dòng chảy lũ. Đảm bảo kênh rạch có nhiều cây cối cũng có thể giúp ích lâu dài.

Tuy nhiên, lũ có thể có tác động lâu dài không thể đảo ngược. Trong một số trường hợp, quần thể cá không bao giờ phục hồi, nhà sinh thái học Lee Baumgartner nói với The Guardian, ví dụ như vụ cháy rừng năm 1939 đã phá hủy quần thể cá ở sông Lachlan, Úc.

(Dịch từ Science Alert)

Trà My

Cùng chuyên mục
XEM