Trong 5 năm, tôi đã nhảy việc 24 lần: Công việc ngắn nhất chỉ làm có nửa ngày, công việc dài nhất thì được 4 tháng...

20/04/2019 09:14 AM | Sống

Chúng ta đều nhận mình là người trưởng thành. Đã là người trưởng thành thì điều cơ bản nhất là phải biết tự mình chịu trách nhiệm với bản thân. Tự chịu trách nhiệm ở đây không chỉ là chịu trách nhiệm với tiền đồ, thu nhập, tương lai của bản thân mà còn là tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân, không có ai có nghĩa vụ phải bảo hộ cho trái tim nhạy cảm của ta.

Tôi tốt nghiệp đại học năm 2014. Sau khi tốt nghiệp, bởi tuổi đời còn trẻ, cũng coi là có nhiều cơ hội phát triển, cho nên tôi đã không ngần ngại nhảy việc liên tục, chỉ cần có chút không vừa ý là tôi xin nghỉ, bỏ việc ngay.

Tốt nghiệp 5 năm, nhảy việc 24 lần.

Công việc ngắn nhất chỉ làm có nửa ngày, công việc dài nhất thì được 4 tháng.

Thế nhưng, cứ hứng lên lại thôi việc đã biến cuộc sống của tôi thành một nồi lẩu thập cẩm!

Cho tới ngày hôm nay, cũng đã 30 tuổi đầu rồi mà chưa có được gì ra hồn, có tiếp tục đi xin việc thì cũng không còn mấy công ty muốn mời nữa.

Hồi đầu năm nay, tôi có đăng CV của mình lên 20 trang mạng, kết quả là chỉ có một cuộc điện thoại duy nhất gọi đến phỏng vấn. Trong điện thoại, vị nhân sự đó hỏi: “Tại vì sao mà mấy năm nay bạn lại chịu khó đổi công việc như thế?”

Tôi trả lời: “Có thể là vì tôi vẫn chưa tìm được một vị trí công việc thật sự phù hợp.”

Người nhân viên đó vừa nghe xong, liền nhẹ nhàng cúp điện thoại, không hề gọi lại nữa. Sau đó, tôi nghĩ tới nhờ bạn bè giới thiệu công việc. Nhưng vì bản thân có quá ít bạn bè, lật một hồi danh bạ, mới phát hiện ra mình chẳng có một người bạn thật sự nào có đủ khả năng cả.

Nghĩ đến làm freelancer thì người ta cũng phải xem vào kỹ năng, kiến thức chuyên môn phải hơn ứng viên khác, còn tôi? Thôi bỏ đi, mấy năm nay căn bản là chẳng chịu học thêm thứ gì, nên tìm không nổi những phần công việc như thế. Nghĩ đến làm công việc chân tay? Làm ngành dịch vụ ăn uống? Xin lỗi, bản thân không chịu được vất vả.

Cứ như thế, tôi đã phải ở trong căn phòng trọ cũ rích đến mấy tháng nay rồi, không biết nên đi đâu về đâu. Thậm chí có thời gian tôi còn nghĩ đến việc nhắn tin trên mạng cho sếp cũ trước đây để xin vào làm lại từ đầu, tin nhắn vừa gửi đi thì “XX đã bật chế độ bạn bè, thật tiếc bạn vẫn chưa phải là bạn của anh ấy…”

Là một người đã tự tay phá hủy đi tiền đồ của mình, tôi muốn tự lật lại những bài học xương máu của mình để gửi đến những người bốc đồng, nông nổi, những người bướng bỉnh, những người chưa hiểu rõ về nơi làm việc, bao gồm cả những bạn trẻ còn đang mơ mộng hoang tưởng một vài lời khuyên dưới đây.

Hy vọng mỗi người các bạn đều có thể đọc và suy ngẫm đến cuối cùng, đừng giống như tôi, để rồi phải rơi vào thảm cảnh này.

Trong 5 năm, tôi đã nhảy việc 24 lần: Công việc ngắn nhất chỉ làm có nửa ngày, công việc dài nhất thì được 4 tháng... - Ảnh 1.

Thứ nhất: Động một tý xin nghỉ ứng với một cái “chết” rất nhanh

Nếu như bạn là người sinh sau năm 90, bạn nhất định phải khắc phục cái suy nghĩ ngớ ngẩn này: “Mình vẫn còn trẻ, mình vẫn có nhiều thời gian”. Trên thực tế, thời gian của chúng ta thật sự vô cùng ít.

Tôi nghe mấy người làm nhân sự nói, bây giờ những người sinh năm 90 mà đi tìm việc, đều sẽ bị loại hồ sơ, bởi vì cũng đã gần 30 tuổi rồi, kinh nghiệm có rồi kiểu gì lương cũng có yêu cầu cao trong khi công ty không mấy cần thiết như thế, không đáng!

Đặc biệt là phái nữ, ở tuổi đó cần có đủ các loại phụ cấp, chính sách thai sản, doanh nghiệp tuyển thì không hiệu quả mà sa thải cũng không thể, đơn vị nào dùng người cũng rất cẩn thận, nên càng khó chấp nhận.

Một khi trên 25 tuổi, ở nơi làm việc đã bắt đầu cảm thấy khó xử rồi. Đến khi bạn đi xin việc, người ở đó sẽ vô cùng hiếu kỳ mà nghe ngóng xem tình trạng hôn nhân của bạn hiện tại như thế nào. Sau đó thì… Cũng có thể nói rằng, chúng ta chỉ có mấy năm ngắn ngủi của cái gọi là độ tuổi hoàng kim. Qua cái đoạn thời gian đó rồi, nơi làm việc cũng không còn trọng dụng ai hơn ai. Mặt khác thông thường xin nghỉ việc rồi, bạn cũng rất khó để học được kỹ năng thật sự trong lĩnh vực đó.

Trước đây từng có một sếp nói với tôi thế này, nếu bạn muốn nắm được bản chất của một ngành nghề nào đó, bạn ít nhất phải gắn bó với nó 5 năm. Còn tôi thì, 5 năm cũng là gắn bó 5 năm đó, chỉ có điều là gắn với 24 địa điểm khác nhau mà thôi.

Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng của tôi bây giờ: Cứ mãi đi phỏng vấn, cứ mãi thử việc, rồi vẫn cứ bị từ chối. Nói đến học được bản chất của ngành ư? Sao có thể đây! Tôi của hiện tại nghèo đến nỗi gọi một bữa ăn nhanh 40 nghìn cũng phải chia làm 2 bữa ăn. Mua một bộ quần áo mới cũng phải cố mặc hơn 1 năm nay rồi.

Trong 5 năm, tôi đã nhảy việc 24 lần: Công việc ngắn nhất chỉ làm có nửa ngày, công việc dài nhất thì được 4 tháng... - Ảnh 2.

Nói đến mua đồ online tôi mới chợt nhớ ra, trước đây có một bài báo phỏng vấn Mã Vân (Jack Ma): “Ông có cách nhìn nhận như thế nào về những người trẻ rất hay nhảy việc hiện nay?"

Mã Vân nói một vài câu thế này, tôi nghĩ là mọi người cũng nên nghe thử. Ông ta nói, phần công việc đầu tiên của ông ấy là làm thầy giáo, vốn không phải là công việc bản thân yêu thích, nhưng bởi vì khi vừa tốt nghiệp, viện trưởng đã nói với ông mong ông hãy làm công việc này ít nhất 6 năm. Mã Vân vì trọng lời hứa đó, nên đã kiên trì làm suốt 6 năm, sau đó mới bắt tay vào khởi nghiệp.

Hơn nữa, trong 6 năm này ông cũng phát hiện ra niềm vui trong công việc giảng dạy. Vì thế đối mặt với thực trạng “nghiện” nghỉ việc của người trẻ, ông nói: “Từ tận trong thâm tâm bạn phải tự đặt cho mình một lời hứa hẹn, đối với phần công việc này mình phải làm được ít nhất 3 năm mới rời đi.”

“Rất nhiều người, cứ chạy tới chạy lui quả không phải là điều gì hay ho!”

“Thông thường những người trẻ 20-30 tuổi thường không có định hướng rõ ràng cho tương lai, trong đầu lúc nào cũng có rất nhiều ý tưởng, cảm thấy mình việc gì cũng làm được, thực tế thì chẳng việc gì làm tốt cả.”

“Bạn phải gắn bó với một người sếp, đem một phần công việc kiên trì làm đến cùng.”

“Chính là tập trung vào trước mắt, đem những việc bạn có thể làm được làm cho tốt nhất.”

Cho đến bây giờ ngẫm lại tôi mới thật sự hiểu được ý nghĩa đích thực trong lời nói năm đó của Mã Vân.

Trong 5 năm, tôi đã nhảy việc 24 lần: Công việc ngắn nhất chỉ làm có nửa ngày, công việc dài nhất thì được 4 tháng... - Ảnh 3.

Thứ hai: Cảm xúc nhất định phải ổn định

Lần mà tôi hối hận nhất đó là xin từ chức từ một công ty Media mới thành lập.

Bởi vì lĩnh vực đó phát triển mạnh, công ty làm ăn được nên lương của mỗi người cũng khá cao, thời điểm đó cũng tính trên đầu 10 triệu rồi. Thế nhưng bởi vì tự phụ, cảm thấy công ty không quan tâm tới đời sống tinh thần của nhân viên, giám đốc đối với tôi lại không mấy tín nhiệm, chỉ một lần sai sót nhỏ thôi cũng bị trừ lương mất 1 triệu, nhất thời uất ức tôi liền xin nghỉ việc ở đó.

Kể từ đó tôi không còn tìm được công ty nào tốt như thế nữa. Sau đó ngẫm lại mới phát hiện ra cảm xúc quá đỗi bốc đồng chính là yếu điểm làm sát thương chính mình.

Trời sinh tính như thế, mỗi lần chịu uất ức là tôi cứ nghĩ đó là lỗi của công ty, là lỗi của lãnh đạo, là sai lầm của hệ thống. Tôi không hề nghĩ tới vấn đề nằm ở chính cảm xúc của bản thân. Tôi chưa từng chủ động nói chuyện, cũng chưa từng nghĩ qua việc tìm cách giải quyết, cách làm của tôi đơn giản là nghỉ việc thôi đi tìm việc khác tốt hơn.

Giữ cho cảm xúc luôn luôn ổn định là EQ cơ bản nhất tại môi trường làm việc.

Suy cho cùng, công ty là nơi làm việc không phải là nơi điều trị tâm lý, càng không phải nhà trẻ, cho nên nó không có trách nhiệm gì với những sự chán nản và sự cáu gắt của bất kỳ ai, cũng không thể xoay theo 360 kiểu vui buồn bất chợt của bạn.

Cho nên, về mặt cảm xúc đó, chúng ta nên tự bản thân học cách xử lý nó.

Chúng ta đều nhận mình là người trưởng thành. Đã là người trưởng thành thì điều cơ bản nhất là phải biết tự mình chịu trách nhiệm với bản thân. Tự chịu trách nhiệm ở đây không chỉ là chịu trách nhiệm với tiền đồ, thu nhập, tương lai của bản thân mà còn là tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân, không có ai có nghĩa vụ phải bảo hộ cho trái tim nhạy cảm của ta. Ngoài chính bản thân chúng ta!

Trong 5 năm, tôi đã nhảy việc 24 lần: Công việc ngắn nhất chỉ làm có nửa ngày, công việc dài nhất thì được 4 tháng... - Ảnh 4.

Thứ ba: Nhất định phải là một người đáng tin cậy

Cái gọi là đáng tin cậy giống như câu nói quen thuộc: “Mọi việc một khi có sự bàn giao thì đều phải có kết quả, phải đưa lại lời giải đáp thích đáng.”

Mỗi công ty đều có một cơ chế vận hành riêng. Nhưng có một điểm mọi công ty đều giống nhau, lãnh đạo luôn mong muốn cắt giảm tối thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, dù là việc to nhỏ đều hiển nhiên như thế.

Cho nên khi giao cho bạn một công việc nào đó, nhất định phải làm cho xong, đưa ra được lời đáp, có được kết quả, có được sự cải tiến.

Tôi có một cô bạn đại học như thế. Công ty giao cho cô ấy bất kỳ hạng mục nào, dù cho không có yêu cầu về deadline, về kết quả, lợi nhuận nhưng ngay sau khi nhận công việc, việc đầu tiên cô ấy làm là vạch ra một bản phương án làm việc, bao gồm có deadline hoàn thành, tiến trình công việc và kết quả lợi nhuận dự kiện. Mọi thứ đều rõ ràng và cứ thế chấp hành mà không cần ai nhắc nhở. Chỉ dựa vào điểm đó thôi cũng đủ để xếp cân nhắc thăng chức tăng lương cho cô ấy rồi.

Quản lý cũng phải kinh ngạc với cô ấy.

Trong thời gian theo hạng mục, tối nào cô cũng tỷ mỉ xem xét lại quá trình, thậm chí làm không xong, cô ấy cũng đem những khó khăn gặp phải nói với lãnh đạo, chân thành khiêm tốn xin chỉ dạy và trợ giúp từ sếp. Sau khi hạng mục kết thúc, đến Tổng giám đốc cũng đều biết đến sự tận tâm cẩn thận của cô.

Trong khi đó, tôi lại hoàn toàn tương phản. Sếp bảo tôi làm gì, tôi làm rồi, nhưng trước giờ đều không nói gì. Tôi cho rằng đó là sự khiêm tốn của bản thân, nhưng tôi không hề hay biết, ở nơi làm việc mình không nên để người khác đoán, càng không nên để cấp trên chơi trò đuổi hình bắt chữ, đoán đoán rồi đoán.

Bạn đã làm được gì, nói ra... Bạn gặp phải khó khăn gì, nói ra...

Tôi vì thiếu đi cái nhận thức này, nên trước sau quá trình làm việc đều không muốn nói ra. Các vị sếp trước đây của tôi 80% đều cho rằng tôi là người không có cố gắng, làm việc không tốt, không chủ động học hỏi, không hết lòng với công việc. Sau đó, vì bị hiểu nhầm nên tôi lại không kiềm chế được cảm xúc của mình và rồi… nghỉ việc. Tất cả đều là tôi đáng đời!

Môi trường làm việc không có đường tắt, nếu có, cũng chỉ có 1 con đường, đó chính là làm cho bản thân trở nên đáng tin cậy hơn. Điều đó sẽ giúp chúng ta nhanh chóng trưởng thành, nhanh chóng đạt được sự công nhận của mọi người.

Trong 5 năm, tôi đã nhảy việc 24 lần: Công việc ngắn nhất chỉ làm có nửa ngày, công việc dài nhất thì được 4 tháng... - Ảnh 5.

Thứ tư: Phải hiểu rằng công việc hiện tại của bạn chính là sự lựa chọn tốt nhất trong phạm vi năng lực của bản thân

Tôi tin rằng, trước khi bạn làm một công việc gì đó, bạn cũng phải tìm rất lâu rồi, đưa ra rất nhiều lựa chọn rồi, cuối cùng chọn ra được một công ty, bởi vì đó đã là sự lựa chọn tốt nhất trong phạm vi năng lực hiện tại của bạn.

Nếu đã là tốt nhất thì phải làm sao cho xứng với cái “tốt nhất” đó.

Không nói phải dồn hết 100% tinh thần và nỗ lực vào làm cho tốt, nhưng ít nhất phải đầu tư vào đó 80% năng lực và nỗ lực của bản thân. Tôi không có nên tôi đã thua rồi.

Lúc mới bước vào công ty, dăm bữa nửa tháng đầu tôi đều cảm thấy rất mới lạ, hứng thú với công việc, đến giai đoạn sau, khi công việc đi vào quỹ đạo hoạt động hiệu quả rồi, tôi liền xuất hiện cảm giác: “Mỗi ngày đều là công việc nhàm chán vô vị này, thật phiền và nhàm chán!”. Dần dần từ trong tiềm thức bắt đầu moi móc những vết mốc ở công ty.

Nào là không có trà chiều, lương thưởng hàng tháng quá ít, lãnh đạo quá nghiêm khắc, không thân thiện, không khí tại văn phòng không thoáng đãng, giám sát hiệu suất quá nghiêm ngặt, tại vì sao làm sai thì bị phạt mà lại không dùng lương thưởng để khuyến khích nhân viên…  Và rồi càng ngày càng không thoải mái, đúng kiểu khỏi vết sẹo rồi thì cũng quên đi những đau đớn.

Tôi đã quên mất tôi lúc đầu đã vất vả như thế nào để có được phần công việc này. Cũng quên rồi, những lời nói lúc đầu nói với lãnh đạo: “Em không đòi hỏi lương thưởng gì cao, chỉ mong muốn được học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm làm việc.” Cũng quên rồi, lúc mà tôi nhận được lời mời làm việc, tôi đã vui mừng như thế nào. Cứ như thế, một lần rồi lại một lần, tôi đã tự tay hủy đi những lựa chọn tốt nhất của mình thời điểm đó.

Công việc tốt nhất, chính là công ty Media ngày đó, tiếp theo là công ty du lịch, sau nữa là công ty triển lãm nghệ thuật. Những công ty khác sau đó đều có mức lương không quá 7 triệu, càng ngày càng ít, càng ngày càng phức tạp, càng ngày càng loạn.

Trong 5 năm, tôi đã nhảy việc 24 lần: Công việc ngắn nhất chỉ làm có nửa ngày, công việc dài nhất thì được 4 tháng... - Ảnh 6.

Thứ năm: Đừng có đi đến đâu cũng gieo rắc kẻ thù

Đặc biệt là đừng có dùng cái tính khí nhỏ mọn của mình để đối đầu với những người mà đáng lẽ mình nên học hỏi.

Tôi từng làm ra một việc đần độn nhất, chính là nói xấu sếp với bạn bè.

Tất nhiên không phải là trực tiếp mắng mỏ gì, chỉ là nói bóng chỉ gió, nói người này người kia cốt cách không tốt. Kết quả cũng bị sếp biết được. Và là nguyên nhân khiến tôi lần đầu tiên bị sa thải, chứ không phải là bản thân tự xin nghỉ.

Còn có một lần, trong lúc ăn cơm, tôi với mấy đồng nghiệp tám chuyện với nhau, thế nào rồi lãnh đạo công ty cũng biết được. Không cần nghĩ nhiều cũng biết ngay, tôi đã vô tình gieo rắc kẻ thù trong công ty rồi.

Thật sự, đừng làm những người vô văn hóa, đừng nói năng linh tinh bừa bãi, đừng nói xấu người khác sau lưng. Cư xử hòa nhã với mọi người không bao giờ là dư thừa.

Vậy đó, các bạn đừng giống như tôi, làm người lại quá tự phụ, cao lãnh, không đáng tin, không có gì cố định trong đời, đi đến đâu hay đến đó, như thế thì ta biết đi đâu về đâu.

Tiểu Lý

Cùng chuyên mục
XEM