Trình độ học vấn thực sự của vua Phổ Nghi do ông tự khai: Khiến hậu thế không khỏi bất ngờ

08/10/2019 21:04 PM | Sống

Được nhận định là vương triều có chế độ học hành hết sức nghiêm khắc đối với hoàng tộc, tuy nhiên tiết lộ của vua Phổ Nghi sẽ cho chúng ta thấy một sự thật rất khác.

Từ cổ chí kim, dù là thường dân bách tính hay hoàng gia quý tộc từ sớm đều đã ý thức được tầm quan trọng của việc học tập đối với thế hệ sau.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên phương diện học hành của các hậu duệ hoàng tộc cùng con cái của các gia đình bình thường vào thời xưa lại có sự khác nhau một trời một vực.

Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, quá trình học tập của con cháu hoàng gia thời xưa còn sở hữu nhiều điều khiến cho hậu thế khó có thể tưởng tượng nổi.

Những tiết lộ về chương trình học tập của hoàng tộc nhà Thanh và đặc biệt là trình độ học vấn của vua Phổ Nghi dưới đây chính là minh chứng cho điều này.

Chế độ học hành của hoàng tộc nhà Thanh: Vất vả tới nỗi... thổ huyết!

 Trình độ học vấn thực sự của vua Phổ Nghi do ông tự khai: Khiến hậu thế không khỏi bất ngờ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Thông qua việc lĩnh hội và kế thừa kinh nghiệm từ các triều đại đi trước, vương triều Đại Thanh sau này ngay từ buổi khai quốc đã hết sức chú trọng việc bồi dưỡng, giáo dục các hậu duệ hoàng tộc. Cũng bởi vậy mà đa số ý kiến đều cho rằng tư chất tổng thể của các Hoàng đế Thanh triều có thể xem là cao nhất trong số các thế hệ đế vương Trung Hoa.

Nếu so sánh với những triều đại trước đó, Hoàng tử nhà Thanh chẳng những phải nhập học khi còn ở độ tuổi nhỏ hơn mà còn phải chấp nhận chế độ học tập với thời gian nghe giảng dài hơn, quy củ nghiêm khắc hơn, chương trình đào tạo cũng nặng nề hơn không ít.

Dựa theo quy định của vương triều này, các Hoàng tử từ năm 6 tuổi đã phải bắt đầu đi học với thời gian biểu lên lớp tổng cộng 10 tiếng mỗi ngày, kéo dài từ 5 giờ sáng cho tới 3 giờ chiều.

Chưa dừng lại ở đó, Thượng Thư phòng còn đặt ra nhiều quy củ nghiêm khắc khác nhằm đảm bảo chất lượng học tập và giảng dạy của các hậu duệ Hoàng tộc. Ví dụ như mùa hè không được phép dùng quạt trong lớp, ăn trưa xong không được nghỉ ngơi mà lập tức tiếp tục nghe giảng.

Trong suốt cả một năm học tập vất vả, những nhân vật hoàng tộc này chỉ được hưởng số ngày nghỉ ít ỏi đếm trên đầu ngón tay với tổng cộng không quá 5 ngày mỗi năm.

 Trình độ học vấn thực sự của vua Phổ Nghi do ông tự khai: Khiến hậu thế không khỏi bất ngờ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Ngoài việc học tập các danh tác kinh điển của Nho gia, Hoàng tử Thanh triều còn phải chú trọng vào việc học các loại ngôn ngữ bao gồm tiếng Mãn, tiếng Hán và tiếng Mông Cổ.

Không chỉ vậy, sau khi kết thúc 10 tiếng nghe giảng trên lớp, họ còn phải tiếp tục tham gia các giờ học về giáo dục thể chất và quân sự như bắn cung, cưỡi ngựa, võ thuật.

Bên cạnh chương trình học cố định như trên, nội dung giảng dạy của họ còn được điều chỉnh tùy theo tình huống, hoàn cảnh. Ví dụ như năm xưa các Hoàng tử của vua Khang Hi thường được theo phụ hoàng đi tuần để tăng thêm trải nghiệm hoặc giúp vua cha xử lý chính vụ.

Tới cuối thời nhà Thanh, Hoàng đế Quang Tự ngoài việc học các ngôn ngữ, danh tác Nho gia hay cưỡi ngựa bắn cung thì còn phải tiếp xúc với các kiến thức Tây học và đặc biệt là học thêm tiếng Anh.

Với cường độ học tập như trên, có ý kiến cho rằng hậu duệ của Hoàng tộc nhà Thanh thực chất vất vả hơn nhiều so với các vương triều trước đó, thậm chí so với áp lực học hành của các học sinh, sinh viên ngày nay thì cũng chẳng hề kém cạnh.

Cũng bởi vậy mà Khang Hi hoàng đế năm xưa khi hồi tưởng lại những năm tháng niên thiếu vẫn chưa từng quên được rằng bản thân đã có lúc học hành vất vả tới mức… ho ra máu!

Tiết lộ về trình độ học vấn của vua Phổ Nghi: Liệu có thực sự chỉ tương đương ở cấp trung học cơ sở?

 Trình độ học vấn thực sự của vua Phổ Nghi do ông tự khai: Khiến hậu thế không khỏi bất ngờ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Tới giai đoạn cuối thời nhà Thanh, triều đình mặc dù phải đối mặt với nhiều biến động chính trị tuy nhiên vẫn hết sức coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo cho các hậu duệ hoàng tộc. Và trường hợp của Phổ Nghi Hoàng đế chính là minh chứng cho điều này.

Sau khi lên ngôi xưng đế vào năm 1908 vào thời điểm còn chưa tròn 3 tuổi, Phổ Nghi đã chính thức trở thành người đứng đầu trên danh nghĩa của vương triều Mãn Thanh.

Bấy giờ, người thức thời đều có thể nhìn ra việc một vị vua nhỏ tuổi vội vã bước lên vũ đài chính trị có thể xem là điềm báo cho thấy cơ nghiệp của vương triều này đã tới lúc hạ màn.

Thế nhưng dù nắm quyền vào giai đoạn cơ nghiệp đã trượt dài trên đà diệt vong thì Phổ Nghi ngay từ sớm cũng đã phải bắt đầu con đường học tập đầy gian khổ của mình như bao vị Hoàng đế trước đó.

Năm xưa, Long Dụ Thái hậu đã cất công mời những vị danh sư nổi tiếng nhất vương triều tới làm thầy dạy cho vị Hoàng đế mới lên 6 tuổi.

Bấy giờ, đội ngũ giảng dạy của Phổ Nghi bao gồm Trạng nguyên năm Đồng Trị thứ 13 là Lục Nhuận Dương, Tàng thư gia nổi tiếng Thanh triều là Từ Phường, ngoài ra còn có các học giả tiếng tăm như Trần Bảo Sâm, Chu Ích Phiên, Lương Đỉnh…

Những nhân vật nói trên chủ yếu đều phụ trách giúp Hoàng đế học tập Hán văn. Bên cạnh đó còn có một danh sư khác là Y Khắc Thản chuyên giảng dạy Mãn văn.

 Trình độ học vấn thực sự của vua Phổ Nghi do ông tự khai: Khiến hậu thế không khỏi bất ngờ - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.


Trong khoảng thời gian 6, 7 năm học hành không ngừng nghỉ, Phổ Nghi trên cơ bản đã nằm lòng nhiều tác phẩm Mãn – Hán kinh điển, tuy nhiên lại chưa từng học qua các kiến thức phổ thông khác như địa lý, lịch sử hay toán học.

Điều này cũng không quá khó hiểu trong bối cảnh bấy giờ, bởi giáo dục của hoàng gia thường phức tạp và mang tính mục đích rất cao.

Mục đích học tập của Hoàng đế là để chấp chưởng triều chính, quản lý thần dân. Vì vậy mà chương trình học của họ đương nhiên khác nhiều so với các thường dân bách tính.

Tuy nhiên xuất phát từ những biến động của lịch sử, thời cuộc, Phổ Nghi chung quy vẫn phải tiếp thu những kiến thức phổ thông nói trên. 

Vào năm 1919, có một vị học giả người Anh nổi tiếng đã tới Tử Cấm Thành để đảm nhiệm chức vị giảng dạy tiếng Anh, Toán học, Lịch sử thế giới và địa lý cho ông.

Hệ thống kiến thức mới lạ này đã khiến Phổ Nghi không khỏi mở rộng tầm mắt và nảy sinh hứng thú với phương Tây. 

Cũng bởi vậy mà trong những năm tháng niên thiếu, ông luôn nuôi ước vọng xuất ngoại du học, chỉ tiếc rằng dự định này không thành bởi sự phản đối đến từ các lão thần tiền triều.

Cho tới năm Dân quốc thứ 13, Phùng Ngọc Tường phát động chính biến Bắc Kinh, Phổ Nghi và nhóm người trong hoàng cung đều bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành.

 Trình độ học vấn thực sự của vua Phổ Nghi do ông tự khai: Khiến hậu thế không khỏi bất ngờ - Ảnh 5.

Chân dung vua Phổ Nghi khi còn trẻ (bên phải) và khi về già. (Ảnh: Nguồn Internet).


Phải tới năm 1959, Phổ Nghi cuối cùng cũng được ân xá để bắt đầu cuộc sống mới với tư cách là một người dân bình thường. Khi trở lại Bắc Kinh sau nhiều năm lưu lạc, ông cũng phải đi đăng ký hộ khẩu như bao người dân khác.

Có giai thoại truyền lại rằng, vào thời điểm điền thông tin hồ sơ, vị Hoàng đế Thanh triều năm xưa không biết phải viết sao về trình độ học vấn của mình, cuối cùng sau một hồi suy nghĩ liền điền vào mấy chữ: "Trung học cơ sở".

Theo quan điểm của chuyên trang lịch sử Qulishi, nếu so sánh với những tiêu chí của hệ thống giáo dục chính quy ngày nay, Phổ Nghi có lẽ ngay tới trình độ cấp trung học cơ sở cũng chưa thể đạt tới.

Tuy nhiên nếu đánh giá dựa trên trình độ văn hóa chân thực, vị Hoàng đế tiền triều từng tiếp thu những tinh hoa của giáo dục truyền thống và sự tân tiến của giáo dục Tây phương ấy hoàn toàn không thua kém các sinh viên hay thậm chí là thạc sĩ của thời đại ngày nay.

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).


Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM