"Triết lý giáo dục Việt Nam là gì" và câu trả lời trước Quốc hội
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Giáo dục (sửa đổi).
Trả lời về một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, làm rõ triết lý giáo dục Việt Nam trong Dự thảo Luật, UBTVQH cho biết triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng trong triển khai, phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.
Thực tế Việt Nam vẫn đang thực hiện nguyên tắc này, từ lúc thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.
Tham khảo luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng, nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như Dự thảo Luật là thể hiện quan điểm về giáo dục qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục. Đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật này.
Theo đó, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng sắp xếp lại kết cấu Chương I, bổ sung các quy định về mục tiêu (Điều 2), tính chất, nguyên lý (Điều 3) và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam (Điều 4) cùng một số quy định khác của Dự thảo Luật.