Trật tự thế giới mới: Bị chia rẽ và không có ai lãnh đạo!

17/09/2020 21:00 PM | Xã hội

vốn được coi là siêu cường chính – muốn rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế mà nước này đã đứng đầu trong suốt nhiều năm, trong khi Trung Quốc ngày càng thách thức vị thế của Mỹ trong nhiều lĩnh vực.

Trên thế giới hiện nay Mỹ vẫn là quốc gia đi đầu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tài chính và công nghệ. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có còn là "siêu cường đầu tàu" mà các quốc gia khác luôn tôn trọng và trông cậy vào hay không. Đó là vấn đề được các chuyên gia đem ra thảo luận trong khuôn khổ hội nghị Singapore Summit.

Bước sang ngày thứ 3, các đại biểu tham dự hội nghị đã tranh luận về chủ đề "thế giới bị phân cực và thiếu vắng nhà lãnh đạo sẽ trở thành điều bình thường mới". Sở dĩ chủ đề này được đem ra thảo luận là bởi bối cảnh hiện nay: trật tự thế giới đang có sự dịch chuyển lớn mà trong đó Mỹ - vốn được coi là siêu cường chính – muốn rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế mà nước này đã đứng đầu trong suốt nhiều năm, trong khi Trung Quốc ngày càng thách thức vị thế của Mỹ trong nhiều lĩnh vực.

Diễn giả Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group, chia sẻ ông đang nhìn thấy 1 thế giới không có người lãnh đạo trong tương lai gần. Ông chỉ ra rằng Mỹ hiện vẫn ở vai trò dẫn đầu với các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh nhờ đại dịch, 1 đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của cả thế giới và hệ thống ngân hàng hùng mạnh. Tuy nhiên, chính những điểm mạnh này cũng là lý do khiến Mỹ không còn hào hứng với vai trò đứng đầu dẫn dắt thế giới.

"Một thế giới không có nhà lãnh đạo không gây tổn hại cho Mỹ theo cách mà thế giới đó tác động tiêu cực đến các nước khác. Mỹ không cảm thấy hào hứng và không có động lực để ngồi vào vị trí đó trong ngắn hạn", ông bổ sung thêm.

Ngược lại, Niall Ferguson, chuyên gia cao cấp tại ĐH Stanford, cho rằng năm 2020 Mỹ đã hoạt động rất tích cực. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhận lấy vai trò lãnh đạo khi đại dịch khiến hệ thống tài chính quốc tế chao đảo và Washington đã thể hiện vị thế trong bản đồ công nghệ thế giới khi dồn dập tấn công tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Chuyên gia này nhận định kể cả nếu Mỹ không ngồi vào vị trí lãnh đạo thế giới, sẽ có nước khác đảm nhận vai trò này vì thế giới cần điều đó. "Có lẽ là Trung Quốc, cũng có thể là EU", ông nói.

Cuộc tranh luận cũng tập trung vào sự trỗi dậy và nỗ lực thay thế Mỹ của Trung Quốc. Tuy nhiên các chuyên gia đều đồng tình rằng đến nay Trung Quốc vẫn chưa thể đóng vai trò người đứng đầu trên trường quốc tế.

Bản thân Trung Quốc cũng nhắc đi nhắc lại rằng họ không hứng thú với việc thay thế Mỹ hoặc "xuất khẩu" các tư tưởng của họ ra thế giới, theo nhận định của Yan Xuetong, Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế trực thuộc ĐH Thanh Hoa.

Tuy nhiên sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc có thể buộc các nước khác phải chọn "phe". Yan cho rằng các nước ngày càng gắn kết với Trung Quốc nhiều hơn trong các vấn đề kinh tế nhưng lại dựa vào Mỹ về vấn đề an ninh. Singapore, Nhật Bản, Đức và Pháp là ví dụ.

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không phải chỉ đem đến những tác động tiêu cực. Trên thực tế, một số nước nhỏ thậm chí có thể tận dụng bối cảnh hiện nay để thúc đẩy những thay đổi mà họ mong muốn tại các tổ chức quốc tế như IMF và World Bank. "Chúng ta đang nhìn thấy mọi tổ chức quốc tế đều đang thay đổi và phải lắng nghe ý kiến của các thành viên nhiều hơn", giáo sư Ngaire Woods của ĐH Oxford nhận xét.

Tham khảo CNBC


Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM