Trào lưu tháo thụt đại tràng để 'thải độc': Bác sĩ cảnh báo không phải ai cũng nên làm

04/05/2022 16:00 PM | Xã hội

Tháo thụt đại tràng để làm sạch đại tràng là phương pháp được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng tháo thụt sẽ làm phá vỡ chức năng tự nhiên của đại tràng.

Đường đi của thức ăn

TS BS Quan Thế Dân - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị Tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành, Thanh Hóa, cho biết tháo thụt đại tràng đang trở thành một trào lưu mà nhiều người nghĩ rằng là điều tốt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ tốt cho 1 số đối tượng cụ thể.

Trả lời câu hỏi có nên tháo thụt đại tràng hay không, TS Dân cho biết nếu chúng ta hiểu đường đi của hệ tiêu hóa thì sẽ rõ vai trò của đại tràng.

Khi ăn thức ăn vào miệng, thức ăn sẽ được nhai kỹ, trộn với nước bọt rồi đưa xuống dạ dày. Tại dạ dày, thức ăn lại được co bóp nhào trộn kỹ với dịch dạ dày thành một dung dịch sền sệt gọi là dịch dưỡng chấp. Dịch dưỡng chấp được dạ dày bóp xuống ruột non. Ở ruột non, dịch dưỡng chấp trộn tiếp với dịch mật, dịch ruột non để chuyển hóa và ruột non sẽ hấp thu dinh dưỡng.

Câu chuyện bắt đầu thay đổi khi dịch tiêu hóa xuống đến đại tràng. Khi dịch tiêu hóa xuống đến đây thì rất lỏng, chứa nhiều phần tử thức ăn chưa tiêu hóa hết, cùng nhiều thành phần hòa tan như muối và vitamin.

Đại tràng làm nhiệm vụ hấp thu lại nước và muối khoáng có trong dịch tiêu hóa. Dịch tiêu hóa từ từ đi qua đại tràng và bị hút kiệt nước, trở nên khô, thành thỏi phân thải ra ngoài. Như vậy, vai trò của đại tràng rất quan trọng, nếu không có đại tràng người ta sẽ chết vì mất nước và muối.

Phân còn có chứa các vi khuẩn cộng sinh trong đại tràng. Trong đại tràng có một hệ vi khuẩn cộng sinh rất phong phú, chúng sống bằng các chất dinh dưỡng còn sót lại trong dịch ruột xuống đến đại tràng. Chúng cũng có những lợi ích nhất định cho cơ thể, giúp tổng hợp ra vitamin K, vitamin nhóm B, axit folic. Nếu chúng ta cứ nhất quyết muốn làm sạch đám vi khuẩn này thì chúng ta sẽ bị thiếu các chất kể trên.

Trào lưu tháo thụt đại tràng để thải độc: Bác sĩ cảnh báo không phải ai cũng nên làm - Ảnh 1.

Nên uống nhiều nước, đi vệ sinh đúng giờ thay vì tháo thụt đại tràng thải độc.

Tuy nhiên, đám vi khuẩn này cũng sinh ra các chất độc hại, ví dụ như amoniac NH3, indol, scatol, mercaptan, sulfua hydro... tạo nên mùi khó ngửi cho phân.

Đối tượng cần tháo thụt đại tràng

Các chất độc của phân cũng ngấm vào máu và được máu đưa quay về gan để khử độc. Khi gan bị suy yếu, ví dụ như người mắc xơ gan, các chất độc có thể ngấm lên não, gây hôn mê gan và khiến người bệnh tử vong.

Vì thế, khi bệnh nhân mắc xơ gan giai đoạn cuối, các bác sĩ luôn phải cho người bệnh uống kháng sinh đường ruột để diệt bớt vi khuẩn ở đại tràng, đồng thời thường xuyên cho người bệnh uống thuốc nhuận tràng để tránh ứ đọng phân, từ đó giảm bớt nguy cơ ngấm chất độc lên não.

Với những bệnh nhân này, việc tháo thụt đại tràng sẽ lấy các chất độc bay hơi khỏi đại tràng, giảm mật độ vi khuẩn ruột, giúp giải độc tạm thời cho não. Thụt tháo đại tràng sẽ có lợi khi bệnh nhân đang có bệnh lý, nhất là đang bị táo bón. Đối với những bệnh nhân già yếu, nằm lâu do tai biến thì thường mắc táo bón mạn tính, có thể phải thụt tháo đại tràng thường xuyên dài ngày và cần uống bổ sung các vitamin.

Còn đối với những người vẫn đi đại tiện bình thường, việc thụt tháo vài lần một tuần hoặc một tháng sẽ không có tác dụng chống độc vì các chất độc vẫn được cơ thể sinh ra hàng ngày. Do đó, tốt nhất chúng ta nên cho đại tràng làm nhiệm vụ thải độc mỗi ngày. TS Dân khuyến cáo chúng ta có thể giúp đại tràng bằng cách uống đủ nước cho phân mềm dễ di chuyển, tập vận động nhẹ nhàng cho đại tràng có sức co bóp.

TS Dân cho rằng cơ thể con người đã trải qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm nên các chức năng đã trở nên hoàn hảo, chúng ta không nên can thiệp thô bạo mà lợi bất cập hại.

Nếu bị táo bón, người bệnh có thể dùng thêm thuốc nhuận tràng giúp cho việc thải phân dễ dàng. Ngoài ra, mọi người cũng có thể thêm khoai lang vào chế độ ăn vì khoai lang có tác dụng nhuận tràng do làm tăng khối lượng phân.

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM