Tranh cãi về lệnh cấm visa cho lao động nước ngoài của Tổng thống Trump

24/06/2020 14:04 PM | Xã hội

Các quan chức cho biết lệnh cấm trên cùng chính sách thắt chặt gia hạn thẻ xanh sẽ khiến khoảng 525.000 lao động nước ngoài phải rời Mỹ từ nay đến cuối năm.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm thời đình chỉ cấp visa cho lao động nước ngoài nhằm hạn chế làn sóng nhập cư chiếm việc của người dân bản địa.

Cụ thể, quyết định này sẽ có hiệu lực ít nhất đến cuối năm nay. Tổng thống Trump đã chặn visa cho hàng loạt các ngành nghề, bao gồm cả những mảng công nghệ cao với các nhân viên nước ngoài nhập cảnh bằng visa dạng H-1B. Quyết định này của tổng thống cũng chặn đường các nhân viên y tế hay các chương trình đạo tạo hè cho sinh viên muốn đến Mỹ thực tập.

Ngoài ra, chính sách mới của Tổng thống Trump cũng khiến hàng loạt tập đoàn đa quốc gia Mỹ chịu ảnh hưởng bởi họ sử dụng khá nhiều nhân viên quốc tế cũng như có các giám đốc người nước ngoài. Những lao động nước ngoài đã làm việc ở Mỹ hết hạn visa trong năm nay có lẽ sẽ phải tìm phương án để được thuyên chuyển sang nơi khác.

Các quan chức cho biết lệnh cấm trên cùng chính sách thắt chặt gia hạn thẻ xanh sẽ khiến khoảng 525.000 lao động nước ngoài phải rời Mỹ từ nay đến cuối năm.

Tranh cãi về lệnh cấm visa cho lao động nước ngoài của Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Tranh cãi

Ông Stephen Miller, trợ lý Nhà Trắng và người hoạch định chính sách nhập cư của Tổng thống Trump, người vốn thúc đẩy nhiều năm chính sách dừng cấp visa lao động đã tranh luận rằng những người nhập cư ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người Mỹ. Thậm chí gần đây, ông Miller cho rằng tình hình khó khăn do dịch Covid-19 mang lại khiến việc dừng cấp visa cho lao động nước ngoài cần thiết hơn để dành việc làm cho người bản địa.

Thế nhưng chính sách trên lại đang vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp, vốn dựa khá nhiều vào nguồn nhân lực trình độ cao của nước ngoài hoặc những lao động chấp nhận làm các việc mà người bản địa không muốn làm.

"Đây là một đòn mạnh vào khả năng sáng tạo của nước Mỹ cũng như yếu tố thu hút nhân tài trên khắp thế giới của chúng ta", Chủ tịch Todd Schulte của FWD nhấn mạnh.

"Việc không chào đón những kỹ xứ, nhà quản lý, chuyên gia công nghệ thông tin, bác sĩ, y tá hay những lao động nước ngoài khác không giúp chúng ta mà chỉ cản trở nước Mỹ tiến lên. Việc thay đổi cơ chế nhập cảnh sẽ đẩy các nguồn đầu tư và hoạt động kinh tế ra nước ngoài, làm chậm tăng trưởng cũng như giảm việc làm trong nước", Giám đốc Thomas J.Donohue của Phòng thương mại Mỹ (USCC) nhận định.

Các quan chức chính phủ cho hay quyết định của Tổng thống Trump sẽ không ảnh hưởng đến những lao động nước ngoài đang có visa hợp lệ hay các nhân công thời vụ nước ngoài đang làm việc tại các trang trại. Số lượng những lao động thời vụ nhà nông này chiếm khoảng 50.000-250.000 người trong 15 năm qua tại Mỹ.

Thêm nữa, chính phủ cũng sẽ xem xét những ngoại lệ như các chuyên viên y tế chống dịch Covid-19.

Tranh cãi về lệnh cấm visa cho lao động nước ngoài của Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Tổng thống Trump cho biết việc ngừng cấp visa là một cách nhằm đảm bảo cho công dân Mỹ có đủ việc làm.

"Trước tình hình nền kinh tế có thể bị thu hẹp bởi dịch Covid-19, những chương trình visa cho lao động nước ngoài có thể đe dọa đến cơ hội việc làm của công dân Mỹ", Tổng thống Trump cho biết.

Trên thực tế, việc hạn chế lao động nhập cư vốn là một trong những cam kết của Tổng thống Trump khi còn thực hiện chiến dịch tranh cử năm 2016. Bởi vậy tờ New York Times nhận định đây có thể là một trong những bước đi nhằm thu hút cử tri cho cuộc chạy đua tái tranh cử năm nay.

Tháng 4/2020, Tổng thống Trump từng ký sắc lệnh ngừng cấp thẻ xanh trong 60 ngày cho phần lớn lao động nhập cư muốn trở thành công dân Mỹ. Tuy nhiên, những người có quan điểm chống nhập cư trong cộng đồng doanh nghiệp cho rằng như vậy là chưa đủ, qua đó dẫn đến những quyết định cứng rắn hơn như hiện nay.

"Quyết định ngừng cấp visa là một bước đi đúng đắn khiến thị trường lao động hướng đến công dân Mỹ nhiều hơn. Thật ấm lòng khi chứng kiến tổng thống của chúng ta đứng lên vì lợi ích của nhân dân, bất chấp các chương trình vận động hành lang", Giám đốc chính sách Jessica Vaughan tại Trung tâm nghiên cứu nhập cư (CIS) và cũng là trợ lý Nhà trắng nhận định.

Lợi dụng dịch Covid-19?

Ngoài ra, Tổng thống Trump được cho là đang chỉ thị chính quyền chuyển hướng thay đổi vĩnh viễn hàng loạt quy định nhập cư, qua đó hạn chế những cạnh tranh không lạnh trên thị trường lao động với người bản địa.

Theo đó, chính phủ sẽ chỉ trao visa cho những lao động có trình độ cao hoặc được trả lương cao nhất, qua đó tránh việc nhập khẩu lượng lớn lao động trình độ trung bình trong các ngành như kế toán, lập trình hay nhiều lĩnh vực mà công dân Mỹ có khả năng làm.

Tranh cãi về lệnh cấm visa cho lao động nước ngoài của Tổng thống Trump - Ảnh 3.

Thậm chí ngay cả những trường hợp xin tị nạn và đề nghị được cấp visa làm việc tại Mỹ cũng sẽ bị hạn chế.

Hiện chưa rõ những quy định này khi nào sẽ được thực hiện nhưng nhiều khả năng chính phủ sẽ đẩy nhanh việc thực thi thông qua các quy định khẩn cấp thay vì những quy trình thông thường, vốn có thể tốn vài tháng hoặc vài năm để thực hiện thay đổi.

Mặc dù vậy, việc đẩy nhanh tiến độ thay đổi có thể vấp phải các thách thức về pháp lý từ phe đối lập. Tuần trước, Tòa án tối cao Mỹ tuyên bố Tổng thống Trump đã trái luật khi cố hủy bỏ chương trình nhập cư cho trẻ em vốn được xây dựng từ thời Cựu tổng thống Barack Obama.

Trong bối cảnh đại dịch, chính quyền Tổng thống Trump đã lợi dụng nguyên nhân rủi ro cho y tế cộng đồng để thực hiện thay đổi nhiều chính sách nhập cư. Theo New York Times, trong khi một số thay đổi là tạm thời, một số quy định khác có thể được giữ nguyên.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump lấy cớ đại dịch để áp dụng các chương trình hạn chế người nhập cư nhưng trên thực tế, động thái này đã được Tổng thống Trump cố gắng thúc đẩy nhiều năm qua bất chấp tỷ lệ thất nghiệp đã từng ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Năm 2017, Tổng thống Trump từng thông qua dự luật cắt giảm 50% hạn mức nhập cư hợp pháp vào Mỹ.

Nhiều tuần trước khi quyết định dừng cấp visa của Tổng thống Trump được tuyên bố, liên minh các doanh nghiệp, trường đại học và nhà vận động hành lang đã cố gắng gửi thư, gọi điện tới Nhà Trắng để xem xét lại chương trình trên.

Giám đốc nghiên cứu về nhập cư Alex Nowrastech của Viện Cato cho biết chính quyền Tổng thống Trump từng tuyên bố muốn kiến tạo chương trình nhập cư ưu tiên lao động trình độ cao nhưng với việc dừng cấp visa thể loại H-1B cho tầng lớp lao động này, nó cho thấy Nhà Trắng thực tế chỉ muốn hạn chế người nhập cư nói chung.

Đồng quan điểm, Chuyên gia Rebecca Shi của Liên đoàn doanh nghiệp dùng người nhập cư Mỹ (ABIC) tại Chicago nhận định quyết định trên sẽ chẳng đêm lại việc làm cho người bản địa. Thậm chí chúng còn chẳng phục vụ cho công việc kinh doanh của gia đình Tổng thống Trump.

Hiện tập đoàn điều hành bởi gia đình Tổng thống Trump đang sử dụng visa dạng H-2B để thuê các nhân viên nước ngoài làm đầu bếp và bồi bàn tại các khu nghỉ dưỡng của họ.

AB

Cùng chuyên mục
XEM