Trạnh cãi nảy lửa về việc nuôi thương mại loài động vật được coi là “thần dược”

19/07/2016 19:18 PM | Xã hội

Theo những lời đồn đoán, các bộ phận của tê tê có thể chữa được bách bệnh. Do đó, mức giá của loài động vật này có giá trên thị trường đen cao chót vót.

Khảo giá trên thị trường, hiện vảy tê tê có giá tới 7-20 triệu đồng/kg (tùy loại), con sống giá 14-16 triệu đồng/con (nặng khoảng 4 kg).

Tuy nhiên, vì những lời đồn thổi và tin vào cộng dụng “thần thánh” rằng vảy tê tê có thể chữa bách bệnh nên vài năm trở lại đây, mặt hàng tê tê tại VN vô cùng khan hiếm do bị săn bắt quá nhiều. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang siết chặt việc quản lý về việc nuôi, bắt và buôn bán loài động vật này.

Song việc tê tê có thể nuôi thương mại mang lợi ích kinh tế hay cấm buôn bán để bảo vệ giống nòi lại đang là vấn đề khiến các bên tranh cãi nảy lửa.

Gần đây, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đã cấp phép cho một số hộ dân địa phương gây nuôi thương mại tê tê. Đại diện cho biết, kiểm lâm là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký của các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng. Về trình tự thủ tục cấp giấy, không quy dịnh phải xin ý kiến bằng văn bản đối với cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

Đơn vị này đưa dẫn chứng Vườn quốc gia Cúc Phương đã thành công trong việc nuôi tê tê sinh sản.

Tuy nhiên, theo ENV ((Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên), hiện các cơ quan khoa học CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) chưa xác nhận việc tê tê có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường không ảnh hưởng tới việc bảo tồn loài này trong tự nhiên.

Trả lời ENV, ông Trần Quang Phương, đại diện Vườn quốc gia Cúc Phương phủ nhận sự việc trên. Theo ông Phương, từ khi được thành lập (năm 2005) đến nay, đơn vị mới ghi nhận 8 trường hợp sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt khi cá thể tê tê mẹ đã có thai từ trong tự nhiên trước khi vào Trung tâm để cứu hộ. Trong số 8 trường hợp trên chỉ có một trường hợp duy nhất tái thả thành công vào tự nhiên cùng với cá thể mẹ.

ENV cũng phản ánh tại trang trại của ông Nguyễn Văn Mỹ - một trong số nhiều cơ sở đã được Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cấp giấy phép gây nuôi thương mại tê tê, chủ cơ sở thừa nhận thường xuyên mua tê tê con bất hợp pháp để khai báo “tăng đàn”. Cơ sở này đã khai khống số lượng tê tê trên giấy tờ để tuồn các cá thể từ tự nhiên vào, bán trái phép cho các đối tượng có nhu cầu.

PGS.TS Lê Xuân Cảnh - Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, cho rằng, tê tê là loài khó thích nghi với môi trường không phải sinh cảnh tự nhiên. Bên cạnh đó, loài này sinh sản chậm, mỗi lứa lại chỉ đẻ một con nên việc gây nuôi thương mại loài này không phải là lựa chọn hợp lí để phát triển kinh tế.

Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc, phụ trách Chương trình Chính sách và Pháp luật của ENV cho biết, tê tê là loại động vật quý, hiếm, nguy cấp được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP.

Do đó, cần dừng ngay việc cấp phép mới và thu hồi lại những giấy ghép đã cấp cho các cơ sở gây nuôi thương mại tê tê. Bởi có như vậy mới ngăn chặn được nạn săn bắt, buôn bán, hợp pháp hóa tê tê qua các trang trại và bảo vệ loài ĐVHD bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện ở Việt Nam, 2 loài tê tê phổ biến là vàng và Java, được xem là loại động vận quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Khảo sát của ENV cho thấy, từ năm 2012 đến cuối năm 2014, hơn 34,3 tấn tê tê đông lạnh và vảy tê tê đã bị bắt giữ tại cảng Hải Phòng.

Tê tê còn gọi là con trút (tên gọi dân dã ở miền Trung và miền Nam), người Ba Na ở Tây Nguyên gọi là Prên pui. Tên khoa học là Manis pentadactyla (tê tê vàng, chủ yếu là miền Bắc). Còn một loài tê tê nữa ít gặp hơn có tên khoa học là Manis javanica (tê tê Java, sinh sống ở miền Nam trở ra đến vùng Quảng Nam).

M.Lan

Cùng chuyên mục
XEM