Tranh cãi chuyện luận tội Tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-4 tuyên bố quốc hội không thể luận tội ông vì ông không "cản trở công lý" và cũng chẳng thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống 2016.
"Chỉ có những tội danh nghiêm trọng và những hành vi sai trái mới dẫn đến luận tội. Tôi không phạm bất cứ tội danh nào cả, không thông đồng, không cản trở công lý. Vì thế, quốc hội không thể luận tội tôi" - Tổng thống Trump tuyên bố, đồng thời khẳng định chính Đảng Dân chủ mới mắc các sai phạm và sau cùng, tất cả cũng chỉ là một cuộc "săn lùng phù thủy".
Ông chủ Nhà Trắng có phản ứng trên không lâu sau khi Thượng nghị sĩ Kamala Harris - người tham gia cuộc đua cho vị trí ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020 - kêu gọi quốc hội luận tội Tổng thống Trump. Trước đó, báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller được công bố đã giải oan cho ông Trump.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris kêu gọi quốc hội luận tội Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS
Dù kết luận ê-kíp tranh cử của ông Trump không hợp tác với Nga trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ 2016, báo cáo của ông Mueller khẳng định các nhà điều tra không thể kết luận về nghi vấn ông Trump tìm cách "cản trở công lý". Đáng chú ý, báo cáo này còn nhấn mạnh quốc hội có thể tiếp tục điều tra Tổng thống Trump. Trích dẫn nội dung này, một ứng viên tổng thống tiềm tàng khác của Đảng Dân chủ - bà Elizabeth Warren - cũng kêu gọi bắt đầu tiến trình luận tội ông Trump.
Dù vậy, theo hãng tin Reuters, một số lãnh đạo của Đảng Dân chủ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lo ngại việc tìm cách luận tội Tổng thống Trump trước cuộc bầu cử 2020 có thể "phản tác dụng về chính trị". Trong thư gửi các thành viên Đảng Dân chủ hôm 22-4, bà Pelosi kêu gọi tập trung vào việc tìm kiếm bằng chứng về các cuộc điều tra nhằm vào ông Trump, thay vì tiến hành luận tội nhà lãnh đạo này.