Trái ngược với Sahara, sa mạc kỳ dị có cá sống được trong cát: Nguyên nhân là do đâu?

02/08/2022 20:13 PM | Sống

Hóa ra sa mạc này có nhiều tôm, cá sinh sống được là nhờ vào đặc điểm kỳ lạ.

Sa mạc chủ yếu dùng để chỉ một khu vực cằn cỗi, nơi mặt đất hoàn toàn bị bao phủ bởi cát, thực vật rất hiếm, lượng mưa cực kỳ khan hiếm và không khí khô nóng. Sa mạc bao phủ tới 1/3 diện tích đất liền trên Trái Đất và được coi là những hệ sinh thái khô hạn nhất trên hành tinh. Lượng mưa trung bình trên sa mạc thường ít hơn 25 cm mỗi năm. Sa mạc được coi là có môi trường sống khắc nghiệt.

Sa mạc có môi trường sống khắc nghiệt

Trên thực tế, ngay cả việc trồng cây hay bất cứ thứ gì trên cát sa mạc đều rất khó khăn. Bởi vì một số sa mạc trên Trái Đất có thể bị mất nước gấp 33 lần lượng nước mà chúng nhận được. Điều này xảy ra qua những quá trình bay hơi và thoát hơi nước.

Thiếu nước chắc hẳn là ấn tượng của nhiều người về các sa mạc. Đất đai cũng bị sa mạc hóa nghiêm trọng.

Sa mạc nắng nóng và khô cằn dường như là nơi rất khó để sinh sống. Tuy nhiên, thực tế là có tới hơn 1 tỷ người sống ở những sa mạc như vậy. Họ cũng đã chuẩn bị để có thể đối phó với kiểu khí hậu khắc nghiệt trên sa mạc.

Tuy nhiên, nếu ai đó vô tình mắc kẹt trên sa mạc khi chưa hề có sự chuẩn bị, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Ở sa mạc, nhiệt độ có thể lên tới 38 độ C. Do đó, quá trình mất nước sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều. Trên thực tế, ở trong môi trường nóng bức, con người có thể mất 1 – 1,5 lít mồ hôi mỗi tiếng. Vì vậy, nếu không có nước để bù vào phần tổn thất này, các tế bào trong cơ thể sẽ co lại, não có thể sưng phù và đặc biệt là các khớp hoạt động bất thường.

Khi con người mất quá nhiều nước và không thể đổ mồ hôi, thân nhiệt sẽ không được điều chỉnh. Cuối cùng, những cơ quan như thận sẽ dừng hoạt động.

Có thể thấy rằng mất nước rất nguy hiểm với con người, nhất là khi vô tình bị mắc kẹt trên sa mạc.

Trái ngược với Sahara, sa mạc kỳ dị có cá sống được trong cát: Nguyên nhân là do đâu? - Ảnh 1.

Sa mạc Sahara là một trong nơi khô hạn nhất trên Trái Đất hiện nay. Ảnh: ĐH Texas A&M

Sahara được coi là một trong những sa mạc nổi tiếng nhất trên thế giới và là nơi có điều kiện vô cùng khắc nghiệt đối với sinh vật sống. Khi nhắc đến sa mạc Sahara, ấn tượng đầu tiên của mọi người chính là sự cằn cỗi và thiếu sức sống. Ngoài ra, nhiệt độ ở sa mạc như Sahara có thể giảm tới 42°C trong một đêm. Nguyên nhân gây ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn như vậy là do cát và độ ẩm không khí.

Mùa hè tại sa mạc Sahara rất nóng với lượng mưa cực ít. Vì vậy, đối với hầu hết các sinh vật, nơi đây dường như là "vùng cấm" tuyệt đối với sự sống.

Sa mạc kỳ lạ, nhiều mưa hơn Sahara gấp 300 lần

Vậy, sa mạc không những có nguồn nước đầy đủ mà còn có rất nhiều tôm, cá sống được có thực sự tồn tại?

Câu trả lời là có. Đây cũng chính là một trong những sa mạc kỳ lạ nhất trên thế giới.

Đó là sa mạc Lençóis Maranhenses ở Brazil. Sa mạc này không những có nguồn nước lớn mà ngay cả tôm, cá cũng có thể sống được. Vào năm 1981, chính phủ Brazil đã quyết định thành lập một công viên quốc gia ở đây, với diện tích khoảng 1.500 km2.

Sa mạc Lençóis Maranhenses rất kỳ lạ. Đặc biệt, hằng năm, vào mùa mưa, ở các thung lũng giữa những cồn cát có chứa đầy nước mưa và dần dần phát triển thành các hồ nước nhỏ có màu xanh lam hay ngọc lục bảo. Điều này vô tình tạo nên một cảnh tượng tuyệt đẹp.

Trái ngược với Sahara, sa mạc kỳ dị có cá sống được trong cát: Nguyên nhân là do đâu? - Ảnh 2.

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy cát và nước tạo nên sự tương phản trực quan ấn tượng tại sa mạc Lençóis Maranhenses. Ảnh: Adobe Stock

Sa mạc Lençóis Maranhenses có rất nhiều hồ, lượng mưa tại đây cũng rất dồi dào vì nằm ở vị trí địa lý độc đáo.

Đặc điểm khác biệt nhất của sa mạc Lençóis Maranhenses là sự xuất hiện của mùa mưa hằng năm. Chính nhờ lượng mưa dồi dào nên có rất nhiều hồ nước nhỏ được hình thành trên toàn bộ sa mạc này. Lượng mưa trung bình hằng năm tại sa mạc Lencois Maranhenses là 1.600 mm. Con số này cao gấp 300 lần so với sa mạc Sahara.

Trái ngược với Sahara, sa mạc kỳ dị có cá sống được trong cát: Nguyên nhân là do đâu? - Ảnh 3.

Sa mạc Lençóis Maranhenses có rất nhiều hồ nước. Ảnh: Adobe Stock

Sở dĩ sa mạc Lençóis Maranhenses có lượng mưa nhiều như vậy là do có vị trí địa lý nằm ven biển, gần Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Mặt khác, do gần đường xích đạo nên ngoài việc chịu sự chi phối của vành đai áp thấp xích đạo, sa mạc này còn chịu sự ảnh hưởng của gió mậu dịch đông bắc, gió mậu dịch đông nam.

Đặc biệt, một lượng lớn cát biển bị thổi vào đất liền khiến sa mạc Lençóis Maranhenses tiếp tục bị kéo dài vào phía trong. Đến nay, sa mạc này đã kéo dài khoảng 50 km và hiện nay nó vẫn tiếp tục tiến sâu vào đất liền với tốc độ khoảng 20 cm mỗi năm. Sa mạc Lençóis Maranhenses chủ yếu có các cồn cát trắng và những hồ nước mặn.

Trái ngược với Sahara, sa mạc kỳ dị có cá sống được trong cát: Nguyên nhân là do đâu? - Ảnh 4.

Cá, tôm có thể sống được trong các hồ nước tại sa mạc Lençóis Maranhenses. Ảnh: suitcasemag

Từ trên cao nhìn xuống, diện tích của các hồ nước lớn thậm chí còn nhiều hơn so với sa mạc. Lượng nước vì thế cũng nhiều hơn cát. Do các hồ nước trong sa mạc này đều là nước mặn, nên thậm chí còn có nhiều loại cá có thể sống ở đây trong những tháng hè.

Cụ thể, nhờ có lượng mưa lớn nên có rất nhiều cá có thể sinh trưởng mạnh vào mùa mưa tại sa mạc Lençóis Maranhenses, còn vào mùa khô thì chúng chọn cách chui vào đất cát để ngủ đông.

Ngoài cá, tôm, do có nhiệt độ thích hợp nên ở đây cũng có nhiều loài chim, rùa và những loài động vật khác tụ tập ở những hồ nước nhỏ ở giữa sa mạc.

Hơn nữa, nhiệt độ khi vào mùa mưa ở Lençóis Maranhenses cũng rất khác so với các sa mạc khác. Cụ thể, thay vì cái nóng khắc nghiệt, sa mạc Lençóis Maranhenses được cung cấp hơi mát từ những hồ nước.

Trong khi đó, vào mùa khô (từ tháng 7 đến tháng 12), Lençóis Maranhenses lại biến hoá không khác gì so với các sa mạc thông thường, đặc biệt các hồ nước nhỏ tại đây sẽ bị thu hẹp lại, thậm chí là khô cạn.

Hằng năm, sa mạc Lençóis Maranhenses thu hút rất đông du khách tới tham quan, ngắm nhìn vẻ đẹp độc nhất vô nhị trên thế giới.

Bài viết tham khảo nguồn: NatGeo, Nature, Life 

Theo Minh Hằng

Cùng chuyên mục
XEM