Toàn hệ thống Phúc Long tăng gấp đôi số cửa hàng flagship sau khi về tay Masan, biên lợi nhuận vượt cả Starbucks

23/03/2023 16:40 PM | Kinh doanh

Phúc Long cũng đang xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm và có kế hoạch xuất ngoại trong năm 2024 - 2025.


Một trong ba lĩnh vực của Masan Group tập trung hiện nay là khai thác và cung cấp về các nhu cầu phong cách sống, bao gồm viễn thông, giải trí, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Năm 2021, Masan mua 20% cổ phần của Phúc Long Heritage, sau đó tăng tỷ lệ sở hữu lên 85% vào năm 2022.

Phúc Long Heritage là chuỗi cửa hàng trà & cà phê hàng đầu tại Việt Nam với tệp người tiêu dùng trẻ đông đảo và trung thành. Khoản đầu tư vào Phúc Long Heritage giúp Masan phục vụ nhu cầu giải trí/nghỉ ngơi của người tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu ăn uống ở hàng quán, bên cạnh nhu cầu ăn uống tại nhà – đã và đang đáp ứng thông qua các mảng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh và nhu yếu phẩm.

Theo Masan, chuỗi trà và cà phê Phúc Long của Phúc Long Heritage (PLH) đã cho thấy sức tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi trở thành một phần trong hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng của Masan. Phúc Long hiện đứng thứ 2 về doanh thu và số 1 về biên lợi nhuận xét về mô hình flagship (không bao gồm chuỗi kiosk).

Các cửa hàng flagship của PLH đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất, với biên lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của cửa hàng và của công ty lần lượt là 31% và 25%, mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các công ty F&B hàng đầu thế giới.

Biên lợi nhuận EBITDA được xác định bằng tỷ lệ EBITDA/Doanh thu, là chỉ số cho biết trên một đồng doanh thu, doanh nghiệp có được bao nhiêu đồng lợi nhuận trước thuế nếu bỏ qua chi phí tài chính (lãi vay) và chi phí cố định không bằng tiền (khấu hao).

Theo dữ liệu từ macrotrends.net, tỷ lệ EBITDA/Revenue của Starbucks những năm gần đây, nếu loại trừ năm 2020 bị tác động mạnh mẽ của Covid trên phạm vi cả thế giới, cũng chỉ trong khoảng 20-25%.

"Trái ngọt" sau thương vụ Masan mua lại Phúc Long: Toàn hệ thống tăng gấp đôi số cửa hàng flagship, biên lợi nhuận vượt cả Starbucks - Ảnh 2.

Như vậy nếu theo số liệu Masan công bố, biên lợi nhuận EBITDA của Phúc Long ở quy mô công ty cao hơn Starbucks khoảng 3 điểm % vào năm 2022.

Báo cáo thường niên 2022 của Masan cho biết thêm: " Kể từ khi mua lại, Phúc Long Heritage đã tăng gấp đôi số lượng cửa hàng flagship và đạt EBITDA 31% - mức EBITDA ở mô hình flagship trong top đầu thế giới.

Các kết quả tài chính này (bao gồm cả việc mua lại WCM, HCS và PLH - PV ) cho thấy Masan không mua lại các doanh nghiệp để “mua doanh thu”. Chúng tôi đầu tư vào thương hiệu, nguồn nhân lực, công nghệ, và hệ thống phân phối để có thể củng cố vị thế khi vào mở rộng sang lĩnh vực mới và nắm bắt các cơ hội mới. Sau khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp, chúng tôi chú trọng thực hiện chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp đó."

Trong báo cáo công bố thông tin lợi nhuận năm 2022, Masan cho biết PLH dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.

Các biện pháp được doanh nghiệp đưa ra để nhằm hoàn thành mục tiêu về doanh số trong năm nay:

- Bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, mang đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi thường xuyên thưởng thức Phúc Long.

- Xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm 2024/2025, CEO mới của Phúc Long sẽ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm 2023.

An Vũ

Từ khóa:  Masan , phúc long , gdp
Cùng chuyên mục
XEM