“Trái ngọt” bất ngờ của ngành xuất khẩu rau củ quả Việt Nam trong Covid-19: Xuất tươi giảm và tỷ trọng chế biến tăng lên 25%, sẽ hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ trước 8 năm

08/05/2021 15:25 PM | Kinh doanh

Trong Covid-19, do phần logistic gặp khó khăn trăm bề, khiến việc xuất tươi rau củ quả cực kỳ vất vả. Thế nên, nhiều doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu rau củ quả đã rục rịch chuyển hướng sang chế biến thô rau củ quả trước khi xuất khẩu. Theo đó, mục tiêu ‘tỷ lệ hàng chế biến trong xuất khẩu tăng ít nhất 35% vào năm 2030’ mà Chính phủ đề ra nhiều khả năng sẽ được hoàn thành trước 8 năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam

Trong Covid-19, tất cả các ngành kinh tế tại Việt Nam cũng như thế giới đang gặp rất nhiều thách thức – ngành xuất khẩu rau củ quả cũng không phải là ngoại lệ. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, dù ngành rau củ quả xuất khẩu trong năm 2020 tăng hơn mức tăng trưởng chung của ngành kinh tế, nhưng nếu không có Covid-19, ngành này còn có thể thăng hoa hơn nữa.

Vấn đề nghiêm trọng nhất mà ngành rau củ quả xuất khẩu Việt Nam gặp phải trong đại dịch chính là logistic. Bình thường, việc xuất khẩu rau củ quả xuyên biên giới bằng đường hàng không hay vượt biển đã có rất nhiều bất trắc – đặc biệt ở mảng xuất tươi; thì việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt Covid-19, càng khiến việc vẫn chuyển hàng hóa vừa tăng giá vừa tăng thời gian luân chuyển.

Tuy nhiên, như tất cả vấn đề trên cuộc đời này, câu chuyện nói trên không chỉ tác động xấu mà cả tốt. Vì xuất tươi gặp nhiều rào cản hơn cộng với nhu cầu thị trường gia tăng, khiến nhiều doanh nghiệp trong và cả ngoài ngành rau củ quả quyết định chuyển hướng xây dựng các nhà máy chế biến dành cho xuất khẩu.

"Trước Covid-19, khi ngành hàng không còn vận chuyển hành khách, hàng kèm theo máy bay thương mại chở khách, sẽ rẻ hơn bây giờ khi máy bay chỉ chở hàng không khách. Ví dụ: vận chuyển 1kg qua đường hàng không bây giờ mất 10 USD; trước đây, lúc còn chở cùng hành khách, 1kg chỉ mất khoảng 3 USD hoặc 3,5 USD. Các hãng hàng không tăng cước lên để bù xăng dầu và chi phí. Thế nên, nếu máy bay thương mại không nối được, chắc chắn giá tiền gửi hàng đường hàng không không bao giờ thấp.

Thứ hai là về kênh vận chuyển bằng tàu biển: do đứt gãy chuỗi cung ứng, container ra mà không vào được cộng với tắt nghẽn ở châu Âu – do dịch nên chính phủ nhiều nơi phong tỏa, khiến sản xuất ngưng trệ và xuất khẩu ít vì không có hàng để xuống container về lại châu Á, buộc lòng hãng phải chở công rỗng lượt về, hệ quả là họ sẽ tính tiền cao hơn lúc trước. Xưa 2 chiều, giờ chỉ 1 chiều, phí chuyên chở mắc hơn.

Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến 1 số thủy thủ không đi làm được. Như trong giai đoạn dịch Covid đang bùng phát dữ dội ở Ấn Độ thời điểm này, nhiều đoàn không cho thuỷ thủ Ấn Độ lên tàu, cái đó nó cũng làm cho container – tàu bè gặp khó khăn khi vận hành.

“Trái ngọt” bất ngờ của ngành xuất khẩu rau củ quả Việt Nam trong Covid-19: Xuất tươi giảm và tỷ trọng chế biến tăng lên 25%, sẽ hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ trước 8 năm - Ảnh 1.
Hàng container đang ùn ứ tại cửa khẩu sang Trung Quốc đầu năm 2020 vì Covid-19. Ảnh: TTXVN

Thứ ba, chuyên chở qua đường bộ cũng gặp nhiều trắc trở không kém. Khi xuất qua Trung Quốc bằng đường bộ, vì sợ Covid-19, xe từ Việt Nam qua cũng thường xuyên bị Chính phủ Trung Quốc giữ lại khử khuẩn. Trước kia vài tiếng đồng hồ có thể giao được 1 xe, bây giờ 1 ngày hoặc 2 đến 3 ngày mới được 1 xe. Bây giờ, xe quay đầu không được nhanh, xưa xe có thể chạy 10 chuyến/tháng bây giờ chỉ còn 2 đến 3 chuyến. Đương nhiên cái chi phí sẽ phải đội lên", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ trong buổi khởi công xây dựng nhà máy Toccoo của tập đoàn Louis Holding – chuyên về đông lạnh rau củ quả để xuất khẩu.

Hậu quả: hồi xưa, lúc tàu ngày nào cũng có chuyến, chúng ta cắt thanh long và xoài xuống, đợi nó chín tới sẽ xuất đi liền. Bây giờ, cắt trái cây xong, phải đợi 10 ngày nửa tháng mới có tàu đi, lúc đó hàng đã xuống cấp, không đi được.

Thế nên, hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề giao hàng. Có những khách hàng bên kia, người ta thông cảm, khi giá đội lên, 2 bên cùng chia sẻ 50-50; nhưng cũng có người bảo ‘không’: tôi đã ký hợp đồng với anh rồi, chi phí logistic có đội lên thì anh tự mà chịu.

"Năm nay so với năm ngoái, xuất khẩu rau củ quả của mình có tăng trung bình khoảng 6- 7% - đặc biệt Trung Quốc tăng được 16% còn các thị trường khác có tăng có giảm; nhưng nếu không có Covid-19, mức tăng trưởng còn cao hơn", Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam khẳng định.

Nói chung, dịch Covid-19 càng kéo dài, xuất tươi của Việt Nam càng giảm, lý do như đã nói ở trên, buộc nhiều hàng tươi phải đưa vào chế biến.

Thành ra, tỷ lệ hàng xuất khẩu đã thông qua chế biến trong năm 2020 đã tăng thêm 10%. Tại năm 2019, trong 3,5 tỷ USD xuất khẩu rau củ quả - hàng chế biến chiếm chừng 15%. Còn tại năm 2020, hàng chế biến tăng gần 25%, mình xuất được 3,269 tỷ USD thì hàng chế biến chiếm khoảng 800 triệu USD, gần ¼ kim ngạch.

Ngoài ra, khuynh hướng tiêu dùng ở các nước châu Âu và thế giới bắt đầu chuyển dịch từ tươi sang hàng chế biến. Sự phát triển của TMĐT online xuyên biên giới cũng thúc đẩy sự phát triển của ngành chế biến, bởi khách hàng ngày càng tiêu thụ nhiều hơn và nhanh hơn các sản phẩm rau củ quả đã đóng gói sẵn.

“Trái ngọt” bất ngờ của ngành xuất khẩu rau củ quả Việt Nam trong Covid-19: Xuất tươi giảm và tỷ trọng chế biến tăng lên 25%, sẽ hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ trước 8 năm - Ảnh 2.

Doveco là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả ít ỏi có ý định làm thương hiệu cho sản phẩm của mình.

"Ngành rau củ quả xuất khẩu được Nhà nước đề ra kế hoạch: tới năm 2030, tỷ lệ hàng chế biến trong xuất khẩu tăng ít nhất 35%. Tôi nghĩ, với tốc độ phát triển như thế này, con số đó chừng năm nay hoặc sang năm có thể đạt được", ông Đặng Phúc Nguyên dự đoán.

Theo quan sát của ông, trong gần 1,5 năm vừa qua, nhiều nhà máy chế biến rau củ quả đã ra đời, không riêng gì Toccoo của Louis Holding. Có những nhà máy đã hoạt động rồi và mở rộng ra như Đồng Dao - Doveco, có nhà máy đi lên từ con số 0 như Tocco. Họ thấy cái chuyện xuất tươi về lâu về dài không có bền vững cho nên thay đổi chiến lược.

Bởi, hàng chế biến có thể đi xa được và không phụ thuộc nhiều vào tình hình khó khăn trong vận chuyển. Đồng thời, đây cũng là xu hướng phát triển chung của thị trường trong và ngoài nước.

"Tuy nhiên, thường hàng chế biến của mình, đa số xuất hoặc lưu hành trên thị trường nước ngoài dưới thương hiệu của người khác, mình chỉ là người cung ứng nguyên liệu. Ví dụ: 1 nhà máy Việt Nam cắt nhỏ đông lạnh khóm dứa vào bao bì xong xuôi, sau đó những tập đoàn nước ngoài mua về và đưa vào nhà máy sản xuất nước ép hay bánh trái gì đó.

Ví dụ nữa: họ mua mít non của mình, mang về châu Âu bán cho những nhà máy sử dụng thay thịt rải trên pizza. Tôi nghe tập đoàn bên Đức nói là họ cần mua sản phẩm như thế về để chế biến lại. Họ mua chanh dây đông lạnh, về rã đông ra rồi chế biến thành nước giải khát.

Có thể nói, đa số hàng chế biến của mình vẫn đang ở dạng chế biến thô và bán ra thị trường nước ngoài dưới thương hiệu của người khác; chứ chế biến thật sâu hoặc có thương hiệu riêng được nhiều người nhận biết rất hiếm thấy. Thật ra, trên thị trường có một vài doanh nghiệp đã ý thức về việc làm thương hiệu riêng, ví dụ như Doveco có xuất lon dưới thương hiệu Coveco; nhưng đồng thời, họ vẫn làm nhà cung cấp nguyên liệu thô cho các đối tác. Chỉ trái cây xuất tươi thì vẫn giữ được thương hiệu Việt Nam", ông Đặng Phúc Nguyên nêu cụ thể.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM