Trả lời sao khi nhà tuyển dụng hỏi: Điểm yếu của bạn là gì?

04/04/2018 14:07 PM | Nghề nghiệp

Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho mọi câu hỏi hóc búa mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra để thử thách bạn!

Câu hỏi về điểm mạnh điểm yếu chính là một trong những dạng câu hỏi khá ‘khó ưa’ nhưng lại xuất hiện hầu hết trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng. Dạng câu hỏi này cho thấy khả năng tự nhìn nhận, đánh giá bản thân của ứng viên cũng như khiến nhà tuyển dụng nhìn nhận thêm về cách ứng viên xử lý những tình huống bất ngờ, thậm chí là không thoải mái lắm. 

Đặc biệt, việc trả lời câu hỏi về yếu điểm của bản thân yêu cầu chúng ta phải vô cùng sáng suốt và biết cân nhắc lời nói. Ngoài chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đối mặt với thử thách từ người phỏng vấn, hãy cùng nhìn qua một số lưu ý khi trả lời câu hỏi về điểm yếu và tìm ra câu trả lời thích hợp cho bản thân nhé!

Đừng trả lời cho qua

Khi được hỏi về điểm yếu, bạn đừng nên đưa ra một câu trả lời rập khuôn như: "Điểm yếu lớn nhất của tôi là tôi quá cầu toàn/quá tham công tiếc việc". Thật ra điều này có thể đúng với chính bản thân bạn, nhưng câu trả lời này lại khiến nhà tuyển dụng cảm thấy quá nhàm chán vì họ thực sự đã nhận được quá nhiều câu nói tương tự rồi và sẽ cảm thấy bạn chỉ đang trả lời cho có mà thôi.

Hãy trung thực và thẳng thắn

Trước khi bước vào vòng phỏng vấn, hãy nhìn nhận kỹ lại bản thân và ghi những điểm yếu của bạn ra giấy. Sau đó, bạn có thể cân nhắc chọn cho mình điểm yếu nào ít ảnh hưởng tới cơ hội nhận công việc mình đang ứng cử nhất, hoặc phù hợp nhất để làm đáp án trong buổi phỏng vấn. Những điều có thể khiến bạn nhận ra điểm yếu của mình chính là những thử thách bạn đã từng đối mặt hoặc những lời chỉ trích từ công việc trước chẳng hạn. Nếu bạn thực sự nêu ra một vấn đề khó khăn với mình thì nghe sẽ chân thực hơn nhiều so với việc vắt óc nghĩ ra một câu trả lời sáo rỗng nào đó.

Trả lời sao khi nhà tuyển dụng hỏi: Điểm yếu của bạn là gì? - Ảnh 1.

Đừng tự đào hố chôn mình

Chúng ta đã nói rằng phải thành thật, và quả thực là nên như vậy. Nhưng thành thực cũng phải có cân nhắc! Bạn không thể ứng tuyển vị trí sales/ marketing mà lại nêu điểm yếu của mình là ngại tiếp xúc với người lạ hoặc ít nói được. Đó chính là lý do bạn phải chuẩn bị sẵn một câu trả lời nào đó ít ảnh hưởng tới khả năng được tuyển dụng nhất. Hãy thật thà một cách khôn ngoan!

Đề cập cả cách khắc phục điểm yếu

Mặc dù là câu hỏi về điểm yếu, nhưng bạn cũng nên đưa ra một vài nỗ lực mà bạn đã, đang và sẽ dùng để khắc phục điểm yếu của mình. Điều này khiến người tuyển dụng cảm thấy bạn có quyết tâm và nhìn nhận nó như một thế mạnh.

Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM