Trả lại Than Quảng Ninh, 'bầu' Phạm Thanh Hùng gặp khó ra sao?

04/09/2021 10:42 AM | Kinh doanh

Công ty TNHH 1 thành viên Bóng đá Than Quảng Ninh - đơn vị vận hành CLB Than Quảng Ninh lỗ âm vốn chủ sở hữu tới 16,45 tỷ đồng tới cuối năm 2019, trong khi công ty mẹ - Hà Giang Gold cũng đã dừng hoạt động từ tháng 8/2019.

Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh vừa phát đi thông tin chính thức liên quan đến việc giải thể CLB Bóng đá Than Quảng Ninh.

Theo Sở VH-TT Quảng Ninh, trong báo cáo gửi đơn vị này, CTCP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang (đơn vị sở hữu Công ty TNHH 1 thành viên bóng đá Quảng Ninh) cho biết, từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không thể đảm bảo duy trì hoạt động của CLB Than Quảng Ninh. Đặc biệt, Công ty TNHH 1 thành viên bóng đá Quảng Ninh không còn nhận được tài trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam thông qua hợp đồng quảng cáo.

Hiện tại, công ty không có khả năng chi trả tiền nợ lương cầu thủ, ban huấn luyện, nhân viên; nợ bảo hiểm; nợ phí chuyển nhượng, tiền thưởng; nợ các nhà cung cấp dịch vụ như vé máy bay, khách sạn, thực phẩm, nợ thuế...

Trước tình cảnh trên, ngày 16/7/2021, công ty đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Ninh về việc xin trả lại CLB Than Quảng Ninh.

Về sự việc này, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết trường hợp Công ty TNHH 1 thành viên bóng đá Quảng Ninh không có khả năng, nhu cầu tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề bóng đá thì có quyền giải thể; chấm dứt hợp đồng với các cầu thủ theo quy định của Luật Lao động. Tuy nhiên, trước khi giải thể hay phá sản, doanh nghiệp phải thực hiện thanh toán đầy đủ chế độ tiền lương, các chế độ khác (nếu có) và trợ cấp mất việc làm cho người lao động đúng với các quy định trong Luật phá sản.

CTCP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang (Hà Giang Gold) chính thức quản lý CLB Than Quảng Ninh từ năm 2014. Ở thời điểm bàn giao, UBND tỉnh đã thống nhất việc ngành Than vẫn tiếp tục tài trợ cho đội bóng mỗi mùa là 35 tỷ đồng và tỉnh Quảng Ninh tài trợ 10 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ cùng Hà Giang Gold kêu gọi thêm các nhà tài trợ cho đội bóng.

Công ty TNHH 1 thành viên Bóng đá Than Quảng Ninh đều đặn ghi nhận doanh thu khoảng 35-47 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2019 nhưng chỉ báo lãi duy nhất vào năm 2016 với 14,3 tỷ đồng. Đến cuối 2019, công ty âm vốn chủ sở hữu tới 16,45 tỷ đồng.

Ngay sau khi tiếp quản đội bóng, ngày 26/8/2014, Hà Giang Gold đã thành lập nên Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh, từ đó, đánh dấu “chương mới” cho Than Quảng Ninh dưới thời “bầu” Phạm Thanh Hùng.

Trang chủ CLB Than Quảng Ninh cho hay, ông bầu này sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao tại Quảng Ninh. Thân phụ ông Hùng là người đoạt chức vô địch giải cờ tướng miền Bắc năm 1969, còn các anh chị em cũng tham gia hoạt động thể thao trong lĩnh vực bóng bàn, cờ vua. Bản thân ông Hùng cũng có tình yêu và mối quan tâm đặc biệt với bóng đá. Khi còn trẻ, vị doanh nhân sinh năm 1964 đã đi bộ hàng chục km để xem bóng đá.

Ngoài ra, vị đại gia này còn được biết đến với cái tên Hùng "xoăn" và sở hữu nhiều xe sang như Mercedes, Rolls-Royce, Bentley.

Về phần mình, Hà Giang Gold được thành lập vào tháng 9/2009 với vốn điều lệ 18 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Công ty TNHH SXXD Vận Thiên (15%), CTCP ĐTTM và KT Khoáng sản Việt Lào (15%), CTCP Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc (16%), Công ty TNHH Vĩnh Đạt (8%) và CTCP Cơ điện Việt Nam (20%).

 Trả lại Than Quảng Ninh, bầu Phạm Thanh Hùng gặp khó ra sao?  - Ảnh 1.

Trụ sở Đông Bắc CMI tại Cẩm Phả, Quảng Ninh

Đến tháng 4/2014, CTCP Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc (Đông Bắc CMI) trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 35%, trong khi Vĩnh Đạt thoái hết vốn còn Cơ điện Việt Nam và Vận Thiên cùng Khoáng sản Việt Lào đều hạ tỷ lệ sở hữu xuống dưới 7%. Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Thanh Hùng (SN 1965), doanh nhân này đồng thời cũng là người đại diện phần vốn góp của Đông Bắc CMI tại Hà Giang Gold.

Ở diễn biến đáng chú ý, thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy Hà Giang Gold đã ngừng hoạt động từ tháng 8/2019 nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn , Đông Bắc CMI có vốn điều lệ 9 tỷ đồng, được thành lập từ năm 2008. Công ty này do vợ chồng doanh nhân Phạm Thanh Hùng – Lương Thị Thảo sở hữu chi phối với tổng tỷ lệ lên đến 88,89%, số còn lại do ông Đào Tuấn Hùng nắm giữ.

Giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Đông Bắc CMI đạt đỉnh vào năm 2017 với 54,5 tỷ đồng và giảm dần trong những năm gần đây. Doanh nghiệp báo lỗ liên tiếp trong hai năm 2016, 2017, lần lượt là -16,9 và -18,7 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu 12,22 tỷ đồng và lãi gần 70 triệu đồng. Tổng tài sản tới cuối năm 2019 là 183 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 135,6 tỷ đồng.

 Trả lại Than Quảng Ninh, bầu Phạm Thanh Hùng gặp khó ra sao?  - Ảnh 2.

Nhật Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM