TPS sau 3 năm bứt khỏi “bóng đen” chứng khoán Phương Đông: Mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ, xóa lỗ lũy kế vào cuối năm 2020
HĐQT Công ty CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) trình cổ đông thông qua phương án xin tăng vốn điều lệ từ 439,6 tỷ lên 1.000 tỷ đồng, đồng thời đặt mục tiêu xóa lỗ lũy kế (khoảng 127 tỷ đồng) vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, xóa lỗ lũy kế vào đầu năm 2021
Sáng 19/6, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên nhằm báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 và trình các cổ đông thông qua các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược trong năm 2020.
Ông Trần Sơn Hải - Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT TPS cho biết, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên số 01/2019/NQĐHĐCĐTN ngày 26/04/2019 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong, ĐHĐCĐTN đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ chào bán cho các Nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ lên 500 tỷ. Kết quả là công ty đã triển khai thực hiện tăng vốn đợt 1 từ 400 tỷ lên 439.6 tỷ thành công. Công ty không tiếp tục triển khai tăng vốn đợt 2 từ 439.6 tỷ 500 tỷ do nhu cầu vốn tăng và quy định khoảng cách giữa 2 đợt phát hành phải cách nhau 6 tháng. Do đó, tại ĐHĐCĐTN 2020 Công ty đã trình phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ chào bán cho các Nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ từ 439.6 tỷ lên 1.000 tỷ đồng.
Dựa trên hiện trạng và thành công ban đầu sau tái cấu trúc trong năm 2019, Hội đồng Quản trị tiếp tục xây dựng những trọng tâm cụ thể cần thực hiện trong năm 2020 như sau: Trong năm 2019, và đầu năm 2020 Công ty đã tăng vốn thành công 02 đợt lên 439.6 tỷ, tuy nhiên quy mô vốn hiện tại vẫn còn khá nhỏ so với mặt bằng chung của các Công ty Chứng khoán trên thị trường. Bên cạnh đó, lỗ lũy kế từ hoạt động kinh doanh những năm trước vẫn còn khá lớn (khoảng 128 tỷ) trong khi các dịch vụ kinh doanh bị hạn chế, và vừa mới quay trở lại tháng cuối tháng 03/2020 cho hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh, bão lãnh phát hành chứng khoán theo quy định của UBCK. Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra chiến lược phát triển bền vững như sau:
Tiếp tục tăng vốn điều lệ để tăng nguồn vốn lưu động cho Công ty đáp ứng các nhu cầu về vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh như Tự doanh, Bảo lãnh phát hành, Giao dịch ký quỹ và Tư vấn phát hành, tái cấu trúc, nâng cao vận hành và quản trị doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia, chuyên viên, nhân viên có chuyên môn sâu rộng. Nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ kinh doanh và dịch vụ tài chính, phát triển và hoàn thiện các tiện ích giao dịch phù hợp với nhu cầu của Khách hàng ngày càng cao. Nâng cao chất lượng hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống giám sát, kiểm soát nội bộ và tuân thủ phù hợp với hoạt động kinh doanh của Công ty và các quy định hiện hành pháp luật. Mở rộng mạng lưới chi nhánh, trung tâm hỗ trợ giao dịch tăng quy mô và phạm vi hoạt động góp phần tăng thị phần của Công ty trên Thị trường chứng khoán. Từng bước đưa Công ty lọt vào top 10 công ty chứng khoán có lợi nhuận cao nhất.
Ông Trần Sơn Hải - Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT TPS
Ngoài ra, TPS cũng đặt mục tiêu xóa lỗ lũy kế hiện tại vào cuối năm 2020 hoặc đầu 2021. Theo ông Hải, với mức lỗ lũy kế khoảng 127 tỷ đồng, nếu tình hình hoạt động giữ mức tăng trưởng ổn định như 4 tháng đầu năm 2019 thì thời hạn xóa lỗ lũy kế sẽ rút ngắn lại. Theo kế hoạch lợi nhuận năm 2020 là 150 tỷ đồng, như vậy TPS dự kiến cuối năm nay sẽ xóa lỗ lũy kế để bứt phá trở lại sau thời gian tái cấu trúc. Ngoài ra, công ty cũng đặt mục tiêu là đứng Top 10 về lợi nhuận trong 3 năm, có thể cuối năm 2022 sẽ chạm đến mục tiêu này.
Tuy nhiên, Ông Hải - Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT TPS cũng đánh giá Covid-19 đã gây ra sự xáo trộn không nhỏ trên mọi ngành nghề. Do đó, thị trường chứng khoán cũng chịu tác động mạnh. Riêng TPS, thời gian qua một số thỏa thuận với khách hàng đã bị hoãn lại kiến vì không thể gặp mặt trực tiếp khách hàng, các đơn vị tài chính cũng không thể kiếm chứng, face to face…với doanh nghiệp. Do đó, trong năm 2020 và năm 2021 công ty điều chỉnh một số chỉ tiêu như dời thời hạn lọt Top 10, giảm chỉ tiêu lợi nhuận từ 150 tỷ xuống còn 80-100 tỷ. Công ty sẽ chờ đợi, dò xét thị trường biến chuyển trở lại sẽ có sự điều chỉnh hợp lý. Về kế hoạch năm 2020, hiện tại TPS tập trung nhiều vào mảng tái cấu trúc doanh nghiệp, tư vấn, ngoài các hoạt động duy trì chứng khoán truyền thống thì tập trung vào ngân hàng đầu tư. TPS là một phần của hệ sinh thái TPBank.
Là công ty được mua lại từ chứng khoán Phương Đông (ORS) nên một trong những thách thức lớn đặt ra là bề dày của TPS trên thị trường còn quá mới, sự cạnh tranh với các công ty chứng khoán nước ngoài, cạnh tranh với các quỹ đầu tư... Ngoài ra, do tiếp nhận từ Chứng khoán Phương Đông lúc trước không có sự đảm bảo an toàn về dòng vốn, công nghệ cũ không còn phù hợp nên TPS phải mất nhiều thời gian nâng cấp về mặt công nghệ, đội ngũ nhân sự. Dù vậy, TPS cũng đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch nếu đợt dịch thứ 2 bùng phát trở lại như tập trung đánh mạnh vào tệp khách hàng tiềm năng trong nước.
Mặt khác, TPS có lợi thế là một phần của hệ sinh thái của TPBank - ngân hàng mẹ được định vị là ngân ngân hàng Digital số 1 Việt Nam nên được hỗ trợ nhiều mặt về các tệp khách hàng hiện có của ngân hàng, đồng thời tập trung mạnh vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Đây là thế mạnh mà không phải công ty chứng khoán nào cũng có được. Do ảnh hưởng bởi đợt dịch vừa qua, TPS cũng đã phối hợp với TPBank hỗ trợ chính sách, lãi suất cho khách hàng như giảm phí lưu ký… và một số loại phí khác nằm trong tầm kiểm soát để hỗ trợ khách hàng tong thời điểm khó khăn. Dù vậy, xét trên nhiều khía cạnh thì ông Hải cũng đánh giá Việt Nam là thị trường mới nổi còn giàu tiềm năng khai phá, cơ hội còn nhiều cho tất cả mọi người nên sự cạnh tranh chỉ là một khía cạnh rất nhỏ, nếu công ty nào có ưu thế sẽ vượt lên nhanh chóng.
TPS ghi nhận mức tăng trưởng mới, có lãi trở lại sau 3 năm lỗ liên tiếp
Tại Đại hội, TPS thống kê về tình hình hoạt động trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam cuối năm 2019 và đầu năm 2020 cho thấy sự bấp bênh do ảnh hưởng bởi covid-19. Mặc dù nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng hầu như toàn diện trong năm và các yếu tố vĩ mô tiếp tục ổn định nhưng thị trường chứng khoán lại ghi nhận sự tăng trưởng thấp.với chỉ số thị trường VN-INDEX chỉ đạt mức tăng khiêm tốn 7.7% so với đầu năm 2019.
Mặc dù vậy, trong tình hình này Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vẫn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ để tiến gần đến mục tiêu sẽ là công ty đứng Top 10 về lợi nhuận trong 3 năm tới. Đánh giá kết quả hoạt động năm 2019 của Chứng khoán Tiên Phong, ông Đỗ Anh Tú - Chủ tịch HĐQT TPS cho biết, sau giai đoạn tái cấu trúc công ty đầy khó khăn, năm 2019 TPS đã ghi nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của TPS với doanh thu hoạt động đạt 173.3 tỷ đồng, gấp 7,4 lần năm 2018, và đặc biệt là Công ty đã có lãi trở lại sau 3 năm lỗ liên tục với mức lãi trước thuế đạt gần 51 tỷ đồng. Kết quả này đã vượt kế hoạch về doanh thu và hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận của ĐHĐCĐ giao phó đầu năm.
HĐQT TPS thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồn, đặt mục tiêu xóa lỗ lũy kế vào đầu năm sau
Với nhiều nghiệp vụ kinh doanh vẫn chưa được cấp phép hoạt động trở lại, TPS đã tập trung phát triển nghiệp vụ Tư vấn tài chính để tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái TPBank và đã đạt được thành công ban đầu với doanh thu đạt 155 tỷ đồng, đóng góp gần 90% trong tổng doanh thu hoạt động. Nghiệp vụ Môi giới của công ty chỉ đóng góp 1 tỷ đồng doanh thu trong năm 2019, giảm 88.7% so với năm 2018. Lý do là bởi hoạt động môi giới vẫn còn bị kiểm soát đặc biệt trong 9 tháng đầu năm và Công ty vẫn đang xây dựng lại đội ngũ cán bộ nhân viên cho mảng kinh doanh này.
Nghiệp vụ tự doanh và cho vay ký quỹ cũng không có đóng góp cho năm 2019 do chưa được UBCK cấp lại giấy phép kinh doanh cho các Nghiệp vụ này. Kết quả kinh doanh năm 2019 của Công ty cho thấy nỗ lực tái cấu trúc đang giúp TPS chuyển mình theo hướng tích cực hơn. Tạo tiền đề để TPS tiếp tục đạt được những kết quả tốt hơn trong năm 2020.