TP.HCM và 4 cam kết khi được Trung ương 'gật đầu' cơ chế đặc thù

01/12/2017 13:33 PM | Xã hội

Những chỉ số đầy ấn tượng mà thành phố đang có, ví dụ như tăng trưởng gấp 1,6 lần so với cả nước, năng suất lao động đang gấp 2,9 lần so với cả nước..sẽ được cam kết duy trì. Có thể nói, những cơ chế đặc thù đang mở ra những cơ hội mới với địa phương này.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một địa phương đặc biệt trong cả nước. Với một số lượng dân số lớn nhất và mức đóng góp vào GDP cả nước thuộc vào hàng top đầu, thành phố này đang tạo ra trong nó một nền kinh tế đầy năng động bậc nhất trong các địa phương trên toàn quốc.

Đó cũng là lý do vì sao tại ngày làm việc hôm 24/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, 460 trong số 465 đại biểu có mặt tại hội trường Diên Hồng, tức là tỷ lệ 98,9%, đã bấm nút tán thành thông qua Dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Có những chính sách đặc thù, bộ mặt hành chính và kinh tế của Thành phố dự kiến sẽ có nhiều điểm mới. Thậm chí, một số vấn đề hiện thuộc thẩm quyền của Thủ tướng sẽ được phân cấp cho chính TP.HCM quyết định. Vì thế, nhiều người đánh giá đây chính là cơ hội để thành phố mang tên Bác vươn đến giấc mơ hóa rồng.

Mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM khi nói về cơ chế đặc thù mới được thông qua đã nhắc luôn về 4 cam kết của thành phố khi thực hiện điều này. 4 cam kết này, có thể nói cũng tựa như 4 'lời hứa' mà TP.HCM có với Trung ương và người dân cả nước sau khi đã được 'gật đầu' với những cơ chế, chính sách đẩy thoải mái.

Cam kết thứ nhất: TP.HCM là vẫn sẽ duy trì được mức tăng trưởng.

Năm 2016 vừa qua, GDP của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 1.037 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước vào khoảng 20%.

Tính ra, trong 5 năm qua, thành phố này đã tăng trưởng gấp 1,6 lần so với cả nước. Đó chính là những số liệu mà TP.HCM sẽ cam kết duy trì.

Cam kết thứ hai: TP.HCM giữ mức đóng góp ngân sách vào ngân sách Nhà nước.

Theo những số liệu, dân ở Thành phố Hồ Chí Minh đang đóng góp vào ngân sách Nhà nước gấp 3 lần số dân mình có. Năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 9% vào tổng dân số nhưng đã đóng góp 28% cho tổng thu Ngân sách cả nước.

Cam kết thứ ba: Năng suất lao động của TP.HCM vẫn giữ mức cao.

Năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh có mỗi lao động đóng góp 242,4 triệu đồng. Trong khi đó, con số với người dân cả nước chỉ là 84,5 triệu đồng. Như thế, năng suất lao động tại thành phố mang tên Bác đang gấp 2,9 lần so với cả nước.

Cam kết thứ tư: TP.HCM không làm ảnh hưởng đến kế hoạch cân đối ngân sách trung hạn của cả nước.

Năm vừa rồi, Trung ương chỉ phân bổ 8.800 tỷ cho Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các dự án bệnh viện. Còn lại 10.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập được Thành phố tự lấy ra từ việc cổ phần hóa thoái vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước do chính Thành phố quản lý.

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM

- HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- HĐND TP được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP theo quy định của Luật Đầu tư công.

- HĐND TP được đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

- HĐND TP quyết định áp dụng trên địa bàn TP phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

- Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.

- TP thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách TP bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND TP được quyết định.

- TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.

- HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý theo hiệu quả công việc, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

- HĐND TP quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018.

Nhất Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM