TP.HCM: Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

20/11/2020 21:31 PM | Kinh doanh

Trước tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất nên dùng hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) để thu hút nhà đầu tư.

Theo HoREA, từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch CoVID-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 03 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội .

Theo thống kê của HoREA, kết quả thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội (không tính nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên), trong 09 tháng đầu năm 2020, đã hoàn thành phần thô 03 dự án với quy mô 2.213 căn hộ, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 09 năm 2020 lên 13.186 căn hộ.

Hiện tại, có 05 dự án đang thi công xây dựng với quy mô 4.758 căn hộ dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Ước lũy kế có thể hoàn thành 17.944 căn hộ nhà ở xã hội đạt 89,72% so với mục tiêu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Luật PPP đã quyết định dừng dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) mới, kể từ ngày 1/1/2021 để không để tiếp tục xảy ra tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công, nhất là quỹ đất công, trụ sở làm việc.

TP.HCM: Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu trầm trọng.

Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA cho rằng có điểm chưa hợp lý là: Trước đây, Hợp đồng BT áp dụng với các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự án công trình hạ tầng, dịch vụ. Tuy nhiên, Luật PPP đã bãi bỏ hình thức này chỉ vì nguyên nhân "chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình dự án BT".

Chủ tịch hiệp hội nhận thấy, không vì có một số bất cập, "lỗ hổng",sơ hở, mà phải bãi bỏ hẳn loại hình dự án BT, vì nguyên nhân chủ yếu là chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình dự án BT.

Hiệp hội HoREA nhận thấy, loại hình dự án BT rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ,vừa có lợi cho Nhà nước, cho nhà đầu tư và cho lợi ích cộng đồng.

Trước thực trạng số lượng các dự án nhà ở xã hội vẫn còn ít, UBND TP.HCM cho biết, sẽ chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan trung ương kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án.

Xuân Trường

Cùng chuyên mục
XEM