TP.HCM: Dự báo sẽ thêm 10.000 ca mắc mới COVID-19 trong 5 ngày tới

10/07/2021 19:57 PM | Xã hội

Sẵn sàng lên kịch bản để ứng phó trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày, dự báo có thể lên tới 10.000 người/5 ngày sắp tới, TPHCM đang nỗ lực tách ca F0 ra khỏi cộng đồng, “giữ chặt vùng xanh”, cắt đứt chuỗi lây nhiễm “vùng đỏ”.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ tác động mạnh mẽ đến người dân, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ… Thực hiện Nghị quyết về chế độ đặc thù để phục vụ công tác chống dịch, từ ngày 6/7 đến nay, thành phố đã triển khai với 31.525 đối tượng, trong đó có 1.500 người bán vé số. "So với yêu cầu đặt ra, tỷ lệ này còn thấp, chỉ khoảng 14%. Thành phố đã đề nghị các quận, huyện triển khai nhanh hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình, quận 7, quận 1, thành phố Thủ Đức chủ động tạm ứng ngân sách thay vì chờ đợi ngân sách thành phố đưa về, kịp thời hỗ trợ người dân", ông Phong nói.

Sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 9/7, ngày 9/7, sức mua hàng tại các chợ truyền thống giảm từ 50-70% và giảm 15% ở các siêu thị so với ngày công bố dự lệnh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố (8/7, do một số người dân tăng cường mua sắm).

Cùng với đó, để đảm bảo nhu cầu mua thực phẩm chế biến sẵn, thành phố yêu cầu hệ thống phân phối hệ thống phân phối (SaiGon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách hóa xanh, VinMart, Family Mart…) tăng lượng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đầy đủ số lượng, đa dạng chủng loại, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời phối hợp với hệ thống giao hàng online cùng các hình thức phân phối trực tiếp đến tay người dân khi có yêu cầu.

Đồng thời, thành phố chủ động nắm bắt khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Người dân có thể mua nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu bằng các hình thức phù hợp như nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng tình nguyện viên (Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội nhóm tình nguyện); trực tiếp đặt hàng qua điện thoại. Người già, người neo đơn, người bệnh... được cung cấp thức ăn miễn phí. Đến nay, nguồn thực phẩm dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, đặc biệt thực phẩm tươi sống, rau củ quả luôn được ưu tiên.

Liên quan đến tình hình giao thông, thành phố đã tái kích hoạt 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ; ngoài ra, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tái lập 157 chốt kiểm soát tại địa phương để thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Thực hiện công điện của Bộ Giao thông vân tải (người điều khiển, người phục vụ trên các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa từ TPHCM đi các tỉnh thành và ngược lại, bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực), ngày 9/7, một số tuyến đường tại khu vực cửa ngõ ra vào Thành phố xảy ra ùn tắc giao thông do nhiều người không đáp ứng được yêu cầu này.

Trước đó ngày 8/7, thành phố đã có công văn gửi các tỉnh Đông Nam bộ tạo "luồng xanh" cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia trong thời gian giãn cách xã hội; đề nghị các địa phương tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng thiết yếu, xe chở người lao động… để cấp giấy nhận diện phương tiện.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Sở chỉ huy phòng, chống dịch được thành lập, trực 24/24 giờ để nhanh chóng xử lý diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố có tên "Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19" được phát động, vận động toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân thành phố đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch bệnh.

Đến nay, TPHCM thực hiện xét nghiệm định kỳ cho: Các khu phong tỏa 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/lần; các ổ dịch có nguy cơ rất cao thực hiện test nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện mẫu gộp 5 trên phạm vi tổ dân phố, mở rộng các khu phố đến từng gia đình. Nếu test nhanh dương tính, các lực lượng sẽ xét nghiệm mẫu đơn bằng phương pháp Realtime RT-PCR, điều tra các trường hợp F1 để chuyển cách ly, điều trị sớm.

Trước diễn biến dịch bệnh, thành phố tiếp tục lên phương án bổ sung thêm 6.000 giường để phục vụ công tác điều trị. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường chuẩn bị máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác xét nghiệm, truy vết trên tinh thần tổ chức sàng lọc có trọng tâm, trọng điểm, "không dàn hàng ngang", kết hợp hài hòa giữa test nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR…

Tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Y tế và thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm… để sớm phát hiện và tách ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững "vùng xanh", đưa "vùng đỏ" dần xuống thành "vùng cam", tiếp tục xuống "vùng vàng" và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn.

Trước thực trạng người dân chưa có ý thức cao trong việc chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg, vẫn còn tình trạng ra ngoài khi chưa cần thiết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị, các quận, huyện cân nhắc phương án thiết lập, vận hành chốt kiểm soát tại vị trí cửa ngõ địa phương, kết hợp tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm.

Giữ chặt "vùng xanh", dồn lực dập dịch tại "vùng đỏ"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, toàn thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, "giữ chặt vùng xanh an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ", tuyệt đối không để tập trung đông người hoặc người dân ra khỏi nhà không cần thiết. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, TPHCM cần phát huy kinh nghiệm thực tế, sự sáng tạo, mạnh dạn thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh như: Cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm phân theo nhóm hoặc hộ gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau; phương án cách ly mới đối với những ca đã đủ điều kiện ra viện…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết. Những ngày tới, dự báo số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, điều chỉnh chiến lược truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát được tình hình.

Hà Minh

Cùng chuyên mục
XEM