TP Hồ Chí Minh "xin" Thủ tướng một loạt cơ chế đặc thù

27/06/2016 19:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Phân cấp, ủy quyền phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư hư hỏng nặng, kéo dày tỷ lệ phần trăm để lại cho ngân sách nhà nước 23% trong vòng 10 năm... là những kiến nghị của lãnh đạo TP.HCM trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Chiều 27/6, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc, cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Sau khi báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND TP HCM trình bày về cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển.

Theo đó, lãnh đạo địa phương này kiến nghị 7 vấn đề quan trọng liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền; cơ chế tài chính đặc thù; tổ chức bộ máy; đầu tư kết cấu hạ tầng; xử lý nhà đất do các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn; địa điểm đặt trụ sở Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam; đảm bảo an ninh trật tự.

Cụ thể, về phân cấp, ủy quyền, TP.HCM kiến nghị phân cấp mạnh cho TP thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành – lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù.

Chẳng hạn về lĩnh vực phí và lệ phí, TP đề xuất được thí điểm quy định một số khoản thu, khoản chi và lệ phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương như phí xăng dầu, phí môi trường, phí sử dụng bất động sản và chuyển nhượng bất động sản.

Ông Phong cũng mong muốn Thủ tướng cho phép UBND TP phân cấp cho UBND quận, huyện thực hiện kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nhà chung cư bị nguy hiểm, đảm bảo hoàn thành trước 31/12/2016.

Về cơ chế đặc thù, TP.HCM đồng ý giữ nguyên tỷ lệ phần trăm để lại cho ngân sách TP như hiện nay (23% kể từ năm 2017) nhưng kiến nghị Chính phủ giữ ổn định tỷ lệ này trong vòng 10 năm nhằm tạo điều kiện để TP chủ đông xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính trung – dài hạn.

Lãnh đạo TP HCM đặc biệt kiến nghị về việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính, tạm ứng từ quỹ để chi cho các dự án hạ tầng quan trọng mà ngân sách chưa bố trí trong phạm vi kế hoạch đầu tư công.

Địa phương này cũng đề nghị được sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước từ các doanh nghiệp do UBND TP làm chủ sở hữu.

Về tổ chức bộ máy, TP.HCM xin được phép thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP trên cơ sở tổ chức lại Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, ông Phong đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, đường trên cao và một số đường hướng tâm.

TP HCM cũng muốn được chủ động quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, giảm áp lực ngân sách nhà nước đối với các dự án cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư, cải thiện đời sống cho các hộ dân ở trên và ven kênh rạch; 19 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Về bảo đảm an ninh trật tự, TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhất là đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Cho phép lực lượng Công an TP được áp dụng cơ chế đặc thù về tăng cường biên chế, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các chế độ chính sách của cán bộ chiến sĩ ngang tầm với quy mô địa bàn trọng điểm và đặc điểm phức tạp của TP, thí điểm bố trí Công an chính quy tại các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá TP.HCM không chỉ có vai trò đầu tàu về kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là của cả nước.

TP.HCM chỉ chiếm 0,6 diện tích cả nước, 6,6% dân số nhưng trong nhiều năm qua lại luôn đóng góp 22% GDP và 30% ngân sách cho cả nước. Đặc biệt, 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, TP.HCM luôn đi đầu trong đổi mới.

Chính vì thế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương phải có những đóng góp tích cực, xử lý các kiến nghị về cơ chế chính sách của TP.HCM.

Mỗi lần vào TP.HCM là chúng ta phải tạo những điều kiện về cơ chế chính sách để TP.HCM phát triển chứ không phải để "trói" sự phát triển của TP. Tiền chúng ta không có chứ cơ chế mà vận dụng được cho TP phát triển thì phải tạo điều kiện tối đa”, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM