TP. HCM vượt mốc 7.500 ca nhiễm Covid-19: Hơn một tháng chạy đua chống dịch, giải pháp phong tỏa diện rộng đã được tính đến?

07/07/2021 15:38 PM | Xã hội

Hơn 40 ngày, TP HCM ghi nhận hơn 7.500 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, vượt Bắc Giang về số ca nhiễm, Chính phủ và lãnh đạo TP tổ chức nhiều cuộc họp nóng để ra quyết sách chống dịch.

Hạn chế ở mức cao nhất người dân đi lại

Theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM , đến sáng 7/7 có 7.704 trường hợp dương tính với Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó: 7.453 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 251 trường hợp nhập cảnh.

Trong số này một ổ dịch mới được phát hiện trại tạm giam Chí Hòa với 81 ca dương tính với Covid-19. Đây là đợt dịch thứ tư và mạnh nhất từ trước tới nay ở TP sôi động nhất cả nước.

Đợt dịch này bùng phát từ ngày 26/5 khi thành phố phát hiện ca nhiễm liên quan điểm sinh hoạt hội thánh truyền giáo phục hưng ở Gò Vấp. Từ 3 ca ban đầu, năm ngày sau thành phố ghi nhận 133 ca cộng đồng; 21/22 quận huyện xuất hiện ca nhiễm.

Với diễn biến dịch tăng nhanh chóng tại TP.HCM , sáng nay, ngày 7/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện số 914/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, UBND TP. HCM tăng cường chỉ đạo các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để hơn nhằm sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch. Trong đó đặc biệt lưu ý: "Tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách trong khi đang thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm rất cao".

 TP. HCM vượt mốc 7.500 ca nhiễm Covid-19: Hơn một tháng chạy đua chống dịch, giải pháp phong tỏa diện rộng đã được tính đến? - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong một cuộc họp mới đây. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Đặc biệt, phải hoàn thành ngay các công việc cần thiết (về pháp lý và tuyên truyền vận động) để hạn chế ở mức cao nhất người dân đi lại.

Kiểm soát tốt người lao động trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương này nhưng cư trú ở địa phương khác và kiểm soát chặt chẽ người điều khiển phương tiện vận tải ra, vào thành phố nhằm kiểm soát nguồn lây bệnh, nhưng không gây ách tắc phương tiện vận tải hàng hóa và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất có thể trong điều kiện dịch bệnh.

10 giải pháp chống dịch cấp bách

Trong khi đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã họp liên tiếp, các cuộc họp diễn ra hằng ngày, thậm chí đột xuất vào buổi tối để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch.

Theo đó, Bí thư TP HCM cho rằng, để đẩy lùi được Covid-19, các đơn vị, trong Tp phải đồng loạt thực hiện 10 giải pháp cũng như nhiệm vụ mới cụ thể:

Tăng cường công tác tầm soát xét nghiệm, tập trung cho việc lấy mẫu đồng bộ với năng lực xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu truy vết nhanh, thần tốc.

Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý cách ly tại nhà; huy động và tiếp tục phát huy lực lượng cơ sở, góp phần hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi trọng điểm như chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu nhà trọ… Mạnh dạn đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm.

Tập trung nâng cao các giải pháp mà TP đang thực hiện trong công tác phòng chống dịch. Trong đó, Thông điệp 5K và vắc xin là những giải pháp cần chú trọng hàng đầu.

Tập trung cao nhất có thể để có nguồn vắc xin COVID-19 cho người dân. Ngành Y tế cần chuẩn bị sẵn lực lượng và xây dựng kế hoạch để tổ chức tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, trật tự trong thời gian tới...

Đóng cửa 3 chợ đầu mối lớn và hơn 100 chợ truyền thống

Để áp dụng đồng bộ các biện pháp, tránh lây nhiễm chéo, từ 8h sáng ngày 7/7, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch. Trước đó một ngày, chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cũng ngưng hoạt động sau khi xuất hiện nhiều ca dương tính, lan đến một số quận huyện và tỉnh lân cận.

Chợ đầu mối Hóc Môn cũng tạm ngưng hoạt động từ 28/6 để phòng dịch sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19.

Theo Sở Công thương TP HCM, tỉ trọng hàng hóa lưu thông qua 3 chợ đầu mối (hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố tại các chợ đầu mối như mặt hàng rau-củ-quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần thị trường toàn TP.

Ngoài ra, đến nay đã có gần 110 chợ và khoảng 60 siêu siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố phải tạm đóng cửa vì liên quan các ca lây nhiễm COVID-19.

Trong bối cảnh 3 chợ đầu mối đóng cửa, thành phố sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, Thành phố Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về.

Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.

Lên kịch bản điều trị 15.000 ca bệnh

TP HCM đã có kế hoạch ứng phó với kịch bản 10.000 và 15.000 ca mắc trên địa bàn, do vậy 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 với tổng quy mô 12.000 giường đã đi vào hoạt động.

Theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế như: Cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến); có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị COVID-19 ở 4 cửa ngõ thành phố) và điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).

Gải pháp phong tỏa diện rộng đã được tính đến?

Về giải pháp để ngăn chặn sự lây nhiễm nhanh, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên.

Tuy nhiên, khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn luôn phải là trên hết, trước hết.

Ban Chỉ đạo quốc gia và địa phương được giao phối hợp chặt chẽ để kịp thời quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp, mạnh mẽ, cần thiết và hiệu quả nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch trên phạm vi rộng, kể cả toàn thành phố.

"Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa , cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước", kết luận của Thủ tướng nêu rõ.

Thiên Sơn-Bình Trọng

Từ khóa:  trại tạm giam
Cùng chuyên mục
XEM