Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam gọi tên Vinamilk, PNJ...

11/12/2020 11:50 AM | Kinh doanh

Để được lựa chọn trong danh sách doanh nghiệp bền vững Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sàng lọc khắt khe dựa trên Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Bộ chỉ số CSI được xây dựng như thước đo giá trị của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững trong ba lĩnh vực chính là Kinh tế, Môi trường và Xã hội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao hoa chúc mừng Top 10 doanh nghiệp lĩnh vực Sản xuất và Thương mại Dịch vụ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao hoa chúc mừng Top 10 doanh nghiệp lĩnh vực Sản xuất và Thương mại Dịch vụ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Top doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2020.

Theo đó, Top doanh nghiệp phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất là những cái tên quen thuộc như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Tổng Công ty May 10, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam...

Bà Holly Bostock - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam - cho biết đơn vị này được vinh danh trong top 3 doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam suốt 5 năm liên tiếp.

Heineken Việt Nam đang tiếp tục áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn mang tên RESOLVE (REgenerate – Tái tạo; Share – Chia sẻ; Optimize – Tối ưu hóa; Loop – Tái sử dụng/ Tái chế; Virtualize – Số hóa và Exchange – Chuyển đổi). Đến năm 2019, 5 trong số 6 nhà máy đã sử dụng 100% nhiệt năng tái tạo, 100% chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi trở lại về nhà máy, 100% vỏ lon bia có thể tái chế, hơn 2.000 tấn khí thải CO2 cũng được cắt giảm từ việc tối ưu hóa khâu kho vận và phân phối.

Ở lĩnh vực dịch vụ, Top 10 gọi tên CTCP DVHK Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova, VietinBank, Tập đoàn Bảo Việt...

"Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp vượt qua Covid", đại diện Bảo Việt cho biết.

Đơn vị này bày tỏ, trong 55 năm hình thành và phát triển, doanh nghiệp tin rằng việc phát triển bền vững, cộng hưởng với niềm tin của cổ đông, đối tác và khách hàng là động lực giúp Tập đoàn ngày càng phát triển bền vững và vươn xa.

Để được lựa chọn trong danh sách doanh nghiệp bền vững Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sàng lọc khắt khe dựa trên Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Bộ chỉ số CSI được xây dựng như thước đo giá trị của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững trong ba lĩnh vực chính là Kinh tế, Môi trường và Xã hội.

Bên cạnh đó, bộ chỉ số cũng là một công cụ ghi nhận các chỉ tiêu đo lường và hỗ trợ doanh nghiệp theo dõi quản lý thay đổi, từ đó hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp được duy trì và phát triển theo hướng bền vững hơn.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhìn nhận: Mỗi doanh nghiệp đều có thể tạo ra những SDGs cho riêng mình, theo công thức:

S – strategy (chiến lược), D – determination (quyết tâm), G – governance (quản trị) hay;

S – strength (điểm mạnh), D – difference (khác biệt), G – growth (tăng trưởng)...

"Xây dựng chiến lược phát triển bền vững, quyết tâm theo đuổi và triển khai, quản trị bài bản chuyên nghiệp – sẽ tạo nên cho doanh nghiệp – những điểm mạnh lợi thế cạnh tranh, để trở nên khác biệt và nhân văn sẽ giúp doanh nghiệp gặt hái thành quả tăng trưởng trong dài hạn".

"Phát triển bền vững không chỉ là thách thức mà là cơ hội. Hàng chục tỷ USD sẽ là thị trường mới cho phát triển bền vững và đó sẽ là cơ hội phát triển cho tất cả chúng ta", TS. Lộc cho biết.

Lễ Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam được Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Buổi lễ vinh dự đón tiếp Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban ngành TW và các đại diện từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp.

Được VCCI phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tài nguyên Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức thường niên từ năm 2016 theo sự chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015, Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI) đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước nhà.

Năm 2020, Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) tiếp tục được sử dụng làm thang đánh giá mức độ phát triển bền vững của các DN. Với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM