Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 sẽ suy giảm

09/01/2023 10:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 dự kiến sẽ không thể có tốc độ tăng như năm 2022, do xu hướng sản xuất kinh doanh năm 2023 cũng được dự báo gặp nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát, tổng cầu thế giới suy giảm… sẽ tác động tiêu cực tới các lĩnh vực này.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 sẽ suy giảm - Ảnh 1.

Tổng cục Thống kê nhận định, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 sẽ không tăng trưởng như năm 2022. (Ảnh: Int)

Theo Tổng cục Thống kê, quý IV/2022, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.514,6 ngàn tỷ đồng, tăng 4,8% so với quý trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 ngàn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%). Trong đó, doanh thu lưu trú, ăn uống tăng 52,5%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 271,5%.

Đánh giá về sự phục hồi của Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022 dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng chủ yếu trong khoảng 4 tháng đầu năm, từ tháng 5 mọi hoạt động kinh tế - xã hội gần như trở lại bình thường như trước. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao và du lịch đã được tổ chức trở lại nên lĩnh vực này năm 2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ so với năm 2020 và năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Sở dĩ có mức tăng trưởng này là trong mức tăng chung 19,8% của Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có sự đóng góp lớn của ngành lưu trú, ăn uống và doanh thu dịch vụ lữ hành. Trong đó:

Mức tăng trưởng 52,5% của doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống năm 2022 được đánh giá là rất cao nếu nền kinh tế diễn ra trong điều kiện bình thường và không chịu tác động bởi dịch Covid-19 (giảm 20% liên tiếp trong 2 năm 2020 và 2021).

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, quy mô của doanh thu lưu trú, ăn uống năm 2022 chỉ bằng 71% trong điều kiện bình thường. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh thu lưu trú, chỉ bằng 60% trong điều kiện bình thường (năm 2020 giảm 47%; năm 2021 giảm tiếp 38%); doanh thu ăn uống chỉ bằng 73% trong điều kiện bình thường (năm 2020 giảm 16%; năm 2021 giảm tiếp 19%).

Doanh thu du lịch lữ hành đạt mức tăng trưởng 271,5% so với năm 2021. Tuy nhiên lĩnh vực này bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 2 năm qua: năm 2020 giảm 63%; năm 2021 giảm tiếp 60%.

“Kết quả của chúng tôi tính toán cho thấy quy mô doanh thu du lịch lữ hành cũng chỉ bằng 40% trong điều kiện bình thường”, đại diện Tổng cục Thống kê nói.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng cao và đã có sự phục hồi khả quan. Tuy nhiên triển vọng năm 2023 sẽ không thể có tốc độ tăng như năm 2022, đặc biệt là các ngành lưu trú, ăn uống, du lịch… do năm 2022 đã là năm bùng nổ về du lịch nội địa sau 2 năm bị kìm nén.

Đồng thời, xu hướng sản xuất kinh doanh năm 2023 cũng được dự báo gặp nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát, tổng cầu thế giới suy giảm… cũng sẽ tác động tiêu cực tới các lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Theo Phạm Minh

Cùng chuyên mục
XEM