Tôn chỉ “gia đình là trên hết”, những công ty này chỉ làm việc 5 tiếng/ngày, giám đốc về từ 3 giờ chiều nhưng doanh thu vẫn tăng, nhân viên hạnh phúc hơn

31/10/2019 09:45 AM | Xã hội

Để đảm bảo năng suất không sụt giảm dù làm việc ít hơn, nhân viên phải tuân thủ những quy định như không sử dụng mạng xã hội, hạn chế trò chuyện,… để tránh gián đoạn.

"Làm việc 9 tiếng một ngày thì không thể có gia đình hạnh phúc.", câu nói của Bí thư Thành ủy Tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân trước Quốc hội vài ngày trước một lần nữa dấy lên tranh cãi về số giờ làm của người lao động.

Làm việc bao nhiêu tiếng mỗi ngày là đủ, là hợp lý? Nâng thời gian làm thêm có thực sự mang lại lợi ích? Làm thế nào để vừa làm việc hiệu quả, vừa cân bằng cuộc sống và có gia đình hạnh phúc? Đây là cách mà một số công ty nước ngoài đang tiến hành.

8h sáng đến công ty, chiều 1h về

Gần đây, tờ Wall Street Journal đã đưa tin về Rheingans Digital Enabler, một công ty tư vấn có trụ sở tại Bielefeld, chỉ làm việc 5 giờ mỗi ngày.

Năm 2017, Digital Enabler được doanh nhân Rheingans mua lại và bắt đầu thực hiện giảm giờ làm cho 16 nhân viên của mình. Điều lớn nhất thúc đẩy ông thực hiện điều này là để có nhiều thời gian bên cạnh con và gia đình hơn.

Tôn chỉ “gia đình là trên hết”, những công ty này chỉ làm việc 5 tiếng/ngày, giám đốc về từ 3 giờ chiều nhưng doanh thu vẫn tăng, nhân viên hạnh phúc hơn - Ảnh 1.

CEO của Digital Enabler

Theo đó, một ngày làm việc sẽ bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 1 giờ chiều. Đáng nói, đây không phải là một động thái cắt giảm chi phí. Lương và các chế độ phúc lợi cho nhân viên được giữ nguyên như khi làm 8 tiếng/ngày.

Đương nhiên, phải có sự đánh đổi.

Rheingans nói rằng nơi làm việc cần sự tập trung và tránh phân tâm nhất có thể: "Những cuộc tán gẫu không được khuyến khích, mạng xã hội và điện thoại di động bị cấm. Email của công ty sẽ được kiểm tra không quá 2 lần mỗi ngày và không có cuộc họp nào kéo dài hơn 15 phút."

Trong văn phòng luôn có một màn hình hiện đồng hồ đếm ngược số giờ, số phút còn lại. Lúc 1 giờ chiều, màn hình thay đổi với lời chúc mừng: "High5, tan làm thôi!"

Tôn chỉ “gia đình là trên hết”, những công ty này chỉ làm việc 5 tiếng/ngày, giám đốc về từ 3 giờ chiều nhưng doanh thu vẫn tăng, nhân viên hạnh phúc hơn - Ảnh 2.

Đây không phải là nơi duy nhất thực hiện chính sách đổi mới này. Jonathan Elliot, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn tài chính Collins SBA, cũng thực hiện thành công ý tưởng này từ năm 2015.

Thời điểm thôi thúc Jonathan thay đổi là khi vợ anh bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. "Chúng tôi đã cùng nhau trải qua toàn bộ quá trình điều trị - phẫu thuật, hóa trị rồi phục hồi. Con gái tôi lúc đó mới sáu tháng tuổi. Vì vậy, một cách tự nhiên, tôi phải trở thành một người chồng, người cha đầu tiên. Vai trò giám đốc điều hành chỉ là ưu tiên thứ hai."

Không thể giao phó công việc cho nhân viên tại công ty, Jonathan cố gắng hoàn thành công việc chỉ trong nửa ngày. "Không có cuộc họp không cần thiết, không trò chuyện, tôi chỉ tập trung vào công việc và về nhà kịp thời để chăm sóc gia đình.", anh nói.

Phóng viên muốn phỏng vấn cũng phải dùng video call vì mới 3 giờ chiều, anh đã tan làm và trở về nhà.

Tôn chỉ “gia đình là trên hết”, những công ty này chỉ làm việc 5 tiếng/ngày, giám đốc về từ 3 giờ chiều nhưng doanh thu vẫn tăng, nhân viên hạnh phúc hơn - Ảnh 3.

Sau khi mọi chuyện trở nên tốt hơn, Jonathan vẫn duy trì và áp dụng cho toàn bộ công ty. Để có thể đảm bảo công việc được hoàn thành, một số nguyên tắc được đưa ra như nhân viên đi làm từ khoảng 8 – 9h sáng, kết thúc vào 1 – 2h chiều.

Không có những cuộc hẹn cá nhân trừ trường hợp bất khả kháng đã được cấp trên phê duyệt chính thức. Nhân viên không đi ra ngoài uống cafe hay ăn trưa, tất cả đều đã được phục vụ ngay tại văn phòng.

Các tổ chức khác như Tower Paddle Boards của California hay nhiều viện dưỡng lão Thụy Điển đều đã thử nghiệm ngày làm việc chỉ 5 đến 6 tiếng.

Thực hiện chính sách làm việc 5 giờ/ngày nhưng Digital Enabler cho biết công ty vẫn giữ được cùng mức hiệu suất như trước, có lãi chỉ sau một năm.

Trong khi đó, hầu hết nhân viên đều tận hưởng và hạnh phúc hơn vì có thời gian để tập thể dục, theo đuổi những sở thích khác và chăm sóc gia đình. Tại Collins SBA, tỷ lệ nhân viên nghỉ ốm đã giảm 12%.

Tuy nhiên, một vài nhân viên không thể thích nghi đã xin nghỉ việc.

Thử nghiệm tại Thụy Điển

Thụy Điển đã từng thử nghiệm giảm giờ làm việc của các y tá xuống còn 6 giờ mỗi ngày nhưng vẫn nhận đủ lương như chế độ bình thường. Báo cáo cho thấy, trong 18 tháng thực hiện, các y tá đã ít nghỉ ốm hơn, sức khỏe và năng suất tăng 85%.

Sau khi thử nghiệm kết thúc, họ cảm thấy mệt mỏi hơn trước đây. Trợ lý y tá Emilie Telander, 26 tuổi than thở về việc có ít thời gian dành cho con cái và gia đình: "Tôi cảm thấy mệt mỏi hơn so với trước đây. Trong suốt quá trình thử nghiệm, tất cả các nhân viên đều có nhiều năng lượng hơn. Tôi có thể thấy rằng mọi người đều vui vẻ."

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo lại cho rằng điều này không phù hợp trong một thế giới doanh nhân và khởi nghiệp, thậm chí có thể gây căng thẳng cho nhân viên.

Tôn chỉ “gia đình là trên hết”, những công ty này chỉ làm việc 5 tiếng/ngày, giám đốc về từ 3 giờ chiều nhưng doanh thu vẫn tăng, nhân viên hạnh phúc hơn - Ảnh 4.

Nếu như văn hóa tại Mỹ hay nhiều nước châu Á còn khó chấp nhận việc giảm giờ làm, thậm chí coi trọng văn hóa bận rộn, tăng ca thì những quốc gia châu Âu lại có tư duy cải tiến hơn.

Ngoài Thụy Điển, tại Hà Lan, Pháp, Đan Mạch hay Na-Uy, người lao động đều chỉ làm việc trung bình từ 27 đến 30 giờ mỗi tuần, thay vì 40 hay 48 giờ. Những cái tên này cũng luôn nằm trong top các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, khi người dân có thể cân bằng cuộc sống cá nhân, gia đình và công việc của mình.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM