Tội phạm buôn người lợi dụng TikTok để mở rộng địa bàn hoạt động

24/03/2023 16:00 PM | Sống

Lợi dụng ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, nhiều tội phạm thành thạo công nghệ đang tìm cách mời chào đưa người di cư vượt biên trái phép để tìm đến "miền đất hứa".

Theo điều tra của AFP, hàng chục tài khoản TikTok đã đăng tải các nội dung quảng bá hoạt động buôn người tại Mexico, Guatemala, Colombia và Ecuador.

Tài khoản TikTok của một nhóm buôn người viết rằng: "Khởi hành vào cuối tuần này. Những người từ Mexico muốn vượt biên sang Mỹ hãy để lại lời nhắn".

Một tài khoản khác đăng ảnh trẻ vị thành niên trên một chiếc thuyền trên sông, với nội dung mời chào, cung cấp các chuyến vượt biên cho cả gia đình và trẻ em.

Về phần mình, Tiktok khẳng định, những nội dung trên vi phạm các nguyên tắc của TikTok, vốn cấm phát tán và tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm. Người phát ngôn của ứng dụng này khẳng định: "Chúng tôi rất coi trọng trách nhiệm duy trì sự an toàn cho cộng đồng", đồng thời tuyên bố TikTok không chấp nhận nội dung cổ xúy cho hành vi bóc lột con người, bao gồm cả buôn người.

Theo báo cáo do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố hồi tháng 2 vừa qua, những đối tượng buôn người lợi dụng TikTok để quảng bá thông tin đã đưa nhiều trường hợp vượt biên trái phép. Báo cáo cũng cho rằng loại tội phạm này đã "tiếp tay" cho nhiều hành vi phạm pháp khác như bóc lột tình dục trẻ vị thành niên.

Tổ chức trên đã khảo sát hơn 500 người di cư đang ở điểm trung chuyển, trong đó có gần 65% nói rằng đã sử dụng điện thoại thông minh và mạng Internet trong quá trình di cư trái phép.

Bên cạnh đó, TikTok cũng được những người di cư sử dụng để chia sẻ với nhau về cách sống sót qua hành trình nguy hiểm đến nước Mỹ. Một trong những phương pháp nhanh nhất nhưng nguy hiểm nhất mà những kẻ buôn người sử dụng để vận chuyển người di cư là bằng đường bộ, thường là trong xe tải hoặc nhồi nhét vào thùng sau xe tải, đôi khi không có hệ thống thông gió.

Theo IOM, hơn 7.600 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích tại các nước châu Mỹ kể từ năm 2014. Trong đó, gần 1.000 người thiệt mạng là do tai nạn xe cộ hoặc do cách vận chuyển nguy hiểm.

Trước thực trạng trên, nhà chức trách Mexico mới đây đã lập một số đội đặc nhiệm nhằm chống lại mối đe dọa của những kẻ buôn người sử dụng mạng xã hội. Tại thủ đô Mexico City, hàng chục chuyên gia thuộc chính phủ nước này đã theo dõi các tài khoản mạng xã hội kể từ năm 2017. Trong khi đó, một bộ phận chuyên lên danh sách những đối tượng tình nghi và các hoạt động trực tuyến của họ.

Về phía TikTok, trong quý III/2022, công ty đã chủ động xóa 82% các video có liên quan đến hành vi phạm tội.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM