Tôi nhận ra mình mua sắm nhiều hơn khi trở thành một người sống tối giản: Thực chất, tối giản là một "cái lồng" khác mà thôi!

30/11/2019 09:29 AM | Sống

Vứt đồ là là tống khứ những gì mình không muốn đối mặt nữa. Tối giản cho tôi một lý do để vứt đồ. Ngẫm đi ngẫm lại, sống tối giản chỉ gây phấn khích vì nó mới.

Chuyện là cách đây 2 năm tôi bắt đầu "sống tối giản" và thực sự nghiêm túc trở thành một người tối giản, trong suốt 18 tháng tiếp theo. Còn bây giờ thì không, tôi không còn sống tối giản. Hay ít nhất, không tối giản theo kiểu mọi người vẫn nghĩ: vứt hết đồ đi, tối thiểu nhu cầu.

Tối giản là gì? Nói dễ hiểu thì là: bỏ đi những thứ không cần thiết và chỉ giữ lại những thứ cốt lõi nhất. Một sản phẩm được thiết kế tối giản là không có nút thừa, không có tính năng thừa, không có những trang trí thừa và do đó không gây xao nhãng. Tôi mua đồ của Apple là vì tôi có thể sử dụng tốt mà không phải chú ý đến chúng. Tôi chẳng thể trả lời mình thích cái gì nhất ở Iphone, Macbook, Airpod của tôi – trừ việc tôi thấy chúng ĐỦ với mình. Tối giản thật tuyệt!

Vậy còn lối sống tối giản? Là cắt giảm vật dụng đến mức tối thiểu, bao gồm cả quần áo – nội thất – dụng cụ – thiết bị – sách vở. Người có ít đồ vật là người đóng "worry fee" phí lo lắng ít nhất. 

Có nhiều tấm gương tối giản thành công được kể ra, như anh A. bỏ hết đồ đạc đi nên không phải thuê phòng 50m2 nữa mà chỉ cần thuê 25m2, anh tiết kiệm được tiền thuê phòng và từ đó có thêm thời gian viết sách. Hay chị B. thuyết phục cả gia đình sống tối giản, đồ đạc chỉ gói trong cái ba lô, cả nhà 3 người tha hồ đi du lịch khắp muôn nơi… Nổi tiếng nhất là Marie Kondo "giáo chủ tối giản" chuyên đi vứt đồ giúp người khác. Có cả một seri phim về cô, với nhiệm vụ mỗi tập là đến một ngôi nhà đồ đạc chất như núi, giúp họ vứt hết 90% những thứ linh tinh ấy đi. Kết tập, cả ngôi nhà như sáng bừng trở lại bởi có không gian trống, cả nhà hạnh phúc hơn, healthy và balance hơn, các triệu chứng tâm thần giảm hết cả…

Tôi nhận ra mình mua sắm nhiều hơn khi trở thành một người sống tối giản: Thực chất, tối giản là một cái lồng khác mà thôi! - Ảnh 1.

Phong cách tối giản đẹp phát mê, chỉ muốn bỏ hết đồ gỗ trong nhà mua lại đồ mới

Thú thực là tôi chọn sống tối giản cũng vì lúc đó tôi cạn năng lượng rồi. 

Bạn có thể đoán được sức khoẻ tâm lý của một người thông qua căn phòng người đó ở. Sự bừa bộn là phản chiếu của tâm trí rối nùi. Tôi đi làm mệt quá, nên tôi chán việc dọn dẹp và không ngừng việc mua sắm. Hậu quả là căn phòng của tôi chẳng có cái gì gọn gàng đúng vị trí, dù rằng chưa đến nỗi bẩn (cũng nhờ người giúp việc theo giờ mỗi tuần 1 lần đến giải cứu). Tôi thấy chán nơi mình trở về, chán cả cuộc sống của mình, và trong lúc bấn loạn – tôi quyết tối giản luôn. 

Tôi đọc mọi quyển sách có chủ đề "tối giản" và làm theo từng lời khuyên một. Tôi vứt và cho đi đa số đồ đạc, cắt bớt friendlist, kiên quyết giữ cái bàn làm việc trống không – chỉ để laptop lên khi có việc và ngay sau đó cất gọn. Tôi xếp mền gối mỗi ngày, bỏ rác mỗi ngày, viết nhật ký về quá trình tối giản của mình mỗi ngày… Tôi đã theo đuổi sự tối giản đến mức mọi người có một ấn tượng về tôi như một hình tượng của tối giản. 

Rất tiếc, tôi đã từ bỏ tôn giáo tối giản rồi! Và đây là nguyên nhân:

    Vứt đồ đi không phải là mấu chốt vấn đề

Bạn nghĩ rằng tối giản xong tôi hết căng thẳng? À không phải, tôi vẫn "tâm thần" suốt cả năm sau đó, cho tới khi quyết định thay đổi môi trường làm việc để giảm tải áp lực. À thì vì tối giản xong bớt cần tiền nên dám nghỉ việc? Không phải, tôi thay đổi công việc khi có một kế hoạch khá an toàn cho mình. 

Thực ra thì áp lực công việc không liên quan hoàn toàn với việc "kiếm ít tiền lại để rảnh rỗi hơn". Áp lực bao gồm cả tham vọng phát triển, trách nhiệm với vị trí mình đang gánh vác, định hướng sự nghiệp… Bỏ bớt đồ đi không giải quyết được áp lực này. Mà phải đi tới bước làm chủ được tâm trí, vượt qua tham sân si lẽ thường. Nói cách khác, cốt lõi là tâm trí, không phải là vứt đồ.

Tôi nhận ra mình mua sắm nhiều hơn khi trở thành một người sống tối giản: Thực chất, tối giản là một cái lồng khác mà thôi! - Ảnh 2.

Tối giản thế này thì siêu đẹp, quan trọng là bạn mua được căn nhà này


Tối giản chỉ gây phấn khích vì nó mới

Bạn có từng nghiện đọc self-help không? Hay thích mê một món gì đó trên mạng và nghĩ về nó mọi lúc? Hoặc tự nhiên thích một anh đến mức không hẹn được với ảnh thì cảm giác như Rose lạc mất Jack? Kích thích mạnh mẽ nhất của loài người chính là: Cái mới. 

Tôi nhận ra sống tối giản cũng vậy đó. 

Tôi phấn khích đi mua sách về đọc, phấn khích bỏ hết đồ, phấn khích chia sẻ cho bạn bè gần xa… Lúc đó tôi thấy tâm trạng tích cực lắm, phấn khích lắm, ngay ngày đầu tiên vứt hết đồ đi tôi đã thấy sướng lắm rồi! Rồi thì… tôi cũng quen với cái sướng của việc chẳng còn đồ gì trong nhà nên tôi hết sướng, rồi chuyển sang thấy bất tiện vì thiếu đồ.

Tôi nhận ra thêm một điều hài hước về mình: Hình như tôi chưa bao giờ hài lòng với bản thân tôi, tôi luôn muốn mình tốt hơn, phát triển hơn, giỏi hơn. Vậy nên tôi mới dễ dàng bị cuốn hút vào các kế hoạch dậy sớm lúc 4h, chạy bộ 5km, vứt đồ trong 30 ngày này và nọ. Càng bất ổn, càng cố gắng, vì tôi có cảm giác là mình vẫn còn cơ hội…

Chưa kể, cái tuyên ngôn "tôi sống tối giản" khiến tôi phấn khích vì thấy mình khác biệt với số đông. Hình như ai ngưng mua sắm được 6 tháng liên tục cũng trở thành thần tượng của hội nô lệ tín dụng, con nghiện mua sắm. Và hình như mặc một kiểu áo đen suốt cả tháng trời làm người khác nghĩ chúng ta sắp thành Steve Job… Rốt cuộc thì, tối giản cũng là một cái lồng khác thôi mà!

Chính xác hơn là tôi thích vứt đồ

Đa phần những quyển sách nói về sống tối giản bắt đầu bằng… vứt đồ. Căn phòng càng ít đồ càng chứng tỏ trình độ tối giản. Thế nhưng vứt đồ không phải là tối giản, và tối giản cũng không chỉ là vứt đồ.

Vứt đồ là vứt đồ, là tống khứ những gì mình không muốn đối mặt nữa. Tối giản cho tôi một lý do để vứt đồ. Tôi không thấy tội lỗi vì phí phạm nữa, tôi xí xoá cho cái tội mua đầm online xấu òm, mớ quần jean đã chật vì tôi tăng cân, các món quà tặng từ một người quan trọng (mà quà thì không quan trọng lắm)… Vứt đồ đi, tôi vứt cả những áy náy chưa hoàn thành, những vấn đề chưa thể giải quyết, như khép lại ngày hôm qua ở phía sau. Hoá ra là tôi thích vứt đồ.

Nhưng tối giản không chỉ là vứt đồ, mà còn là sống với nhu cầu tối thiểu. Tôi thì chả thích chuyện này. Tôi thích có 3 cái mền, 4 cái gối, 10 cái tất, 2 bộ chén bát và nơi để cất mớ ly gốm sưu tầm cơ. Thế cho nên hệ quả là…

Tôi mua đồ nhiều hơn từ khi sống tối giản

Tính từ lúc trở thành người tối giản, tôi có thêm 10 cái áo thun đen và 10 cái áo thun trắng. Chẳng phải người tối giản đa phần chỉ diện hai màu đen trắng thôi sao?

Tôi còn có xu hướng thu gom mọi vật dụng giúp căn phòng trông "tối giản" như các căn phòng "mẫu". Nghĩa là thêm chiếu tatami, thêm đệm ngồi xám, thêm bình hoa gỗ… Mọi thứ trông phải thiền thiền và đơn sơ ấy…

Tôi nhận ra mình mua sắm nhiều hơn khi trở thành một người sống tối giản: Thực chất, tối giản là một cái lồng khác mà thôi! - Ảnh 3.

Mê dọn tủ đồ chẳng qua để trống chỗ, rinh đồ mới về…


Rốt cuộc thì, người bạn chung nhà với tôi mới thực sự tối giản

Khi bạn ấy đến ở với tôi, bạn đúng chuẩn tối giản như sách nói, và vẫn vậy cho đến giờ. Nguyên nhân: Vì tôi đã có đủ mọi thứ để hai đứa sử dụng. Tôi, cái người quay trở lại phong cách sống "cái gì cũng có". Và cả hai chúng tôi bây giờ đều vui vẻ cả.

Hoá ra sự tối giản cũng cần điều kiện. Ví dụ như bạn có thể bán xe nếu sẵn sàng đi bộ, và bạn ở lúc nào cũng tìm được xe bus hoặc chí ít thì có xe ôm công nghệ. Sống không cần máy lạnh sẽ rất dễ dàng nếu nhiệt độ cao nhất của năm chẳng bao giờ quá 25 độ. Trong trường hợp của tôi, chuyện cái tủ lạnh đủ thức ăn cho cả tuần, có sẵn 3 quyển sổ mới tinh trong hộc tủ và mua 6 cuộn giấy vệ sinh một lần làm tôi thoải mái hơn ép mình chẳng-có-gì-dự-trữ.

Tôi tin vào sự tối ưu tự nhiên, nên cái gì khó áp dụng quá, là vì nó chưa thực sự tương thích. Lối sống tối giản có thể hoàn hảo, nhưng nó không phù hợp với tất cả mọi người và nó cần có những hoàn cảnh thuận lợi để áp dụng.

Tôi nhận ra mình mua sắm nhiều hơn khi trở thành một người sống tối giản: Thực chất, tối giản là một cái lồng khác mà thôi! - Ảnh 4.

Tuyệt đó, nhưng ngồi lâu mỏi lắm. Sao không phải là một bộ ghế bành, bàn để sách, ghế gác chân? Không tối giản nhưng sướng lưng.

Vậy, tôi nhận được gì từ khi ngừng "vứt đồ để tối giản"?

    Có lại tủ sách 2000 quyển đầy mê đắm của tôi. Tôi sẽ không đọc hết đâu, nhưng chỉ mua thôi tôi cũng hạnh phúc rồi. Tôi sẽ giữ tủ sách này, cho mượn, làm phòng đọc, hoặc để lại làm của thừa kế chẳng hạn.

    Có nhiều váy áo tha hồ diện, mỗi ngày nhìn vào gương đều thấy mình thật xinh tươi và đa dạng phong cách. À, tôi đã rành chuyện chọn đúng trang phục đẹp và bền và thoải mái như một người không - tối - giản. Không để những quyển sách dạy mình làm gì. Sách, và nói chung là mọi ý tưởng lời khuyên khác chỉ là "lời cầu hôn", còn gật đầu "yes I do" hay không là do mình. 

Chân thành thì, một ít của lối sống tối giản vẫn còn trong tôi: Tôi mua những món hàng và quần áo tốt hơn, bền hơn dù chúng đắt hơn. Tôi ít vơ chuyện thiên hạ vào mình hơn. Tôi thoải mái với những khoảng trống hơn… Nhưng, tôi không muốn nhận mình là người tối giản. Tôi chỉ cần là người tối ngủ ngon mà thôi.

Hơn cả tối giản hay một định nghĩa, phong cách nào khác – Hãy chọn sống bất cứ cách nào giúp bạn sống thoải mái, tự hài lòng, cảm nhận được hạnh phúc, tìm được ý nghĩa cho mỗi ngày mới .

Hạ Chi

Cùng chuyên mục
XEM