Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt

24/10/2020 19:00 PM | Xã hội

Trận mưa lũ kéo dài hơn 3 ngày tại tỉnh Hà Tĩnh đã khiến hơn 41 nghìn hộ với 147 nghìn người bị ngập lụt. Cơ quan chức năng đã sơ tán hơn 59 nghìn người đến nơi an toàn.

Sáng 24/10, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Thông tin truyền thông đã có buổi họp báo thông tin một số nội dung liên quan đến tình hình thiên tai, công tác ứng phó với mưa lũ diễn ra từ ngày 18 đến 21/10 trong trận lụt lịch sử vừa qua trên địa bàn tỉnh.

Bắt đầu từ ngày 15/10, nhiều huyện tại Hà Tĩnh có lượng mưa rất lớn và liên tục. Do mưa lớn, nước đổ về hồ nhiều nên các hồ thủy lợi trên địa bàn bắt đầu xả nước về vùng hạ du. Lượng nước xả tràn tăng lên theo lượng nước đổ về hồ.

Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt - Ảnh 1.

Trận lũ lịch sử tại Hà Tĩnh bắt đầu từ ngày 18 và kéo dài đến 21/10 gây thiệt hại nặng nề cho toàn tỉnh

Chiều 18/10, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn. Chỉ ít giờ sau đó, các vùng hạ du bắt đầu ngập sâu trong nước lũ. Do nước lên rất nhanh khiến người dân không kịp di dời tài sản.

Đỉnh điểm của trận lũ lịch sử này là vào ngày 20/10, có 118 xã, phường thị trấn, hơn 41 nghìn hộ với hơn 147.000 người của 11 huyện, thành phố bị ngập sâu trong nước lũ.

Cụ thể, huyện Cẩm Xuyên có 19 xã bị ngập lụt với 13.339 hộ, 43.028 người. Huyện Thạch Hà có 17 xã, 10.588 hộ với 42.352 người bị ngập lụt. TP. Hà Tĩnh có 15 xã, phường, 8.300 hộ với 29.050 người ngập nặng.

Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt - Ảnh 2.

Trận lũ này đã khiến hơn 41 nghìn hộ với hơn 147 nghìn người bị ngập lụt

Huyện Can Lộc có 14 xã, 2.257 hộ với 11.285 người. Huyện Kỳ Anh có 13 xã, 971 hộ với 3.048 người. TX. Kỳ Anh có 11 xã, phường, 2.547 hộ với 8.746 người. Huyện Lộc Hà có 11 xã, 3.430 hộ với 10.745 người.

Tại huyện miền núi Hương Khê có 8 xã, 366 hộ với 1.171 người. Huyện Nghi Xuân có 4 xã, 237 hộ dân với 793 người. Huyện Vũ Quang có 3 xã, 310 hộ với 760 người. Huyện Đức Thọ có 3 xã, 111 hộ với 310 người.

Đợt lũ này ảnh hưởng nặng nhất do việc xả tràn của hồ Kẻ Gỗ khiến nước lũ lên quá nhanh, gây ngập 150 thôn của 19 xã, thị trấn. Đặc biệt, 7 xã ở huyện Cẩm Xuyên gồm: Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang, Cẩm Quan bị ngập sâu và cô lập hoàn toàn trong lũ.

Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt - Ảnh 3.

Thiệt hại nặng nhất tại các xã của huyện Cẩm Xuyên do ảnh hưởng của việc xả lũ ở hồ Kẻ Gỗ

Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã sơ tán được gần 19.000 hộ với hơn 59.000 người.

Trận lũ đã khiến nhiều khu dân cư bị cô lập, nhiều nhà chìm trong lũ, các tài sản bị ngập sâu, hư hỏng, nhiều gia súc, gia cầm, vật nuôi và lương thực bị hư hỏng do lũ.

Các lực lượng vũ trang đã huy động hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ, hơn 4.000 dân quân tự vệ và hàng trăm tàu, xuồng, phương tiện các loại xuống giúp sơ tán, cứu hộ, cứu trợ nhân dân vùng lũ.

Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt - Ảnh 4.

Trận lũ đã khiến 118 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành thị ngập trong nước lũ. Nhiều nơi ngập sâu 2-2,5m

Trận lũ vừa qua tại Hà Tĩnh được xem là trận lũ lịch sử. Đỉnh lũ này cao hơn lũ lịch sử năm 2010 là 0,7m. Nhiều nơi nước ngập sâu từ 2,2-2,5m. Trận lũ này đã khiến 6 người trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tử vong.

Để hỗ trợ người dân khắc phục lũ lụt, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 4 bộ xuồng cao tốc các loại, 166 bè cứu sinh, hơn 5.500 áo phao cứu sinh, 200 nhà bạt cứu sinh, 4 máy phát điện.

Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt - Ảnh 5.

Để an toàn, tỉnh Hà Tĩnh đã sơ tán hơn 59.000 nghìn người ra khỏi vùng ngập lụt

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã huy động hơn 16 nghìn thùng mì tôm, hơn 20.000 két nước uống, 20 tấn gạo, 600 thùng lương khô cho nhân dân. Ngoài ra còn huy động 500 rọ thép, 3.000 bao tải và 5.000m2 vải lọc để xử lý sự cố công trình kè đê hư hỏng. Huy động 8 tấn Poly aluminium chloride, 500kg Cloramine B để xử lý nước sạch cho người dân ngập lụt.

Tính đến chiều 23/10, Hà Tĩnh đã nhận được sự ủng hộ và đăng ký ủng hộ của hơn 370 tổ chức, cá nhân với gần 40 tỷ đồng gồm tiền mặt và hàng hóa. Trong đó, thông qua Ban Cứu trợ tỉnh là gần 26 tỷ đồng (gồm tiền mặt hơn 24 tỉ đồng, hàng hóa quy ra tiền 1,329 tỷ đồng).

Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt - Ảnh 6.

Tường rào, tài sản nhà dân và các cơ quan chức năng bị đổ sập, hư hỏng nghiêm trọng

Ủng hộ thông qua Ban cứu trợ huyện, xã là gần 14 tỷ đồng của 304 tổ chức, cá nhân. Trong đó tiền mặt là 4,318 tỷ đồng, hàng hóa quy ra tiền 9,644 tỷ đồng.

Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt - Ảnh 7.

Nhiều vật nuôi, lương thực thực phẩm bị ướt, hư hỏng do lũ. Trong ảnh là khoảng 30 tấn lúa tại một kho lúa của bà Phan Thị Thúy (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) bị ướt, hư hỏng

Do ảnh hưởng mưa lũ vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã cho hơn 300.000 học sinh của 667 trường học trên toàn tỉnh được nghỉ học trong 2 ngày 19-20/10.

Đến chiều 23/10, hiện vẫn còn 106 trường, với 38.600 em học sinh nghỉ học.

Toàn cảnh thiệt hại của trận lũ lịch sử gây ra tại Hà Tĩnh khiến 147 nghìn người bị ngập lụt - Ảnh 8.

Nhiều trường học bị ảnh hưởng, hư hỏng và ngập lụt khiến học sinh tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thể đến trường

Các trường học hiện nước đã rút ra khỏi phòng học. Tuy nhiên vẫn còn hơn 10 trường nước đang còn ở sân trường. Hiện giáo viên và học sinh cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể đang tổ chức dọn dẹp, khắc phục hậu quả trường học để kịp thời cho các em học sinh đến trường.

Ngọc Tú

Cùng chuyên mục
XEM