Tinh thần lạc quan của doanh nghiệp Việt vẫn thuộc hàng Top, nhưng đã bị Indonesia “vượt mặt” tới gần 20 điểm phần trăm

18/12/2019 07:04 AM | Kinh doanh

61% doanh nghiệp Indonesia tin rằng họ sẽ đạt tăng trưởng trên 15% trong vòng 5 năm tới. Con số này đã bỏ xa doanh nghiệp tại các thị trường khác như Việt Nam (với 43% doanh nghiệp), và Thái Lan (39%).

Theo khảo sát "HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp", các công ty Đông Nam Á đứng đầu các bảng xếp hạng toàn cầu về triển vọng phát triển. Khảo sát cho thấy các doanh nghiệp trong ASEAN rất lạc quan về tương lai, với mức tăng trưởng dự kiến 81% trong 1 năm tới (cao hơn mức trung bình 79% toàn cầu).

Khi được hỏi về kỳ hạn 5 năm, các doanh nghiệp ASEAN thậm chí còn tự tin hơn. 33% kỳ vọng vào mức "tăng trưởng cao" - dự đoán tăng trưởng kinh doanh ở mức 15% hoặc cao hơn trong vòng 5 năm tới, trong khi trung bình toàn cầu chỉ có 26% doanh nghiệp kỳ vọng mức tăng trưởng này.

Triển vọng lạc quan này được thúc đẩy bởi niềm tin kinh doanh tại các thị trường như Indonesia - nơi 54% DN tin rằng họ sẽ tăng trưởng 15% trở lên trong năm tới (so với chỉ 22% DN trên toàn cầu). Với triển vọng 5 năm, sự lạc quan của Indonesia còn tăng cao hơn với 61% dự đoán sẽ tăng trưởng trên 15% (so với 26% các công ty trên toàn cầu).

Các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan cũng khá tự tin khi tỷ lệ DN dự kiến tăng trưởng 15% trở lên trong năm tới tương ứng là 39% và 32%. Với kỳ hạn 5 năm, tỷ lệ DN lạc quan cũng tăng lên với 43% doanh nghiệp Việt Nam và 39% doanh nghiệp Thái Lan tin tưởng vào mức tăng 15%. Tỷ lệ này ở Singapore chỉ là 17% doanh nghiệp.

Tinh thần lạc quan của doanh nghiệp Việt vẫn thuộc hàng Top, nhưng đã bị quốc gia này “vượt mặt” tới gần 20 điểm phần trăm - Ảnh 1.

Nguồn: HSBC.

Sự lạc quan của các doanh nghiệp ASEAN phản ánh quỹ đạo tăng trưởng và nhân khẩu học thuận lợi của khu vực. Tổng GDP của 10 quốc gia ASEAN đạt gần 3.000 tỷ USD năm 2018, cao hơn Anh, Pháp và Ấn Độ, và khu vực này đã đạt mức tăng trưởng 5% ổn định trong nhiều năm qua.

Trong khi Indonesia và Singapore tập trung giao thương với khu vực APAC, Việt Nam chuyển hướng sang EU

Cũng theo khảo sát, 74% doanh nghiệp ASEAN coi thị trường các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là Top 3 đối tác giao thương quan trọng. Với thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ này lần lượt là 24% và 18%. Đối tác thương mại quan trọng của các công ty ASEAN là Trung Quốc (34%), Nhật Bản (19%) và Mỹ (16%).

Tại 5 thị trường ASEAN được khảo sát gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, Singapore và Indonesia là hai thị trường tập trung nhiều nhất vào giao thương trong khu vực APAC. Tỷ lệ các công ty Indonesia và Singapore coi thị trường các nước APAC như Top 3 đối tác giao thương lần lượt là 80% và 84%.

Ở Việt Nam, tỷ lệ này khá thấp. Các doanh nghiệp Việt đang chuyển hướng sang thị trường Châu Âu, với 35% doanh nghiệp cho rằng Châu Âu là top 3 đối tác giao thương quan trọng. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt cho rằng thị trường APAC quan trọng là 45%.

Ở một bình diện khác, 32% doanh nghiệp ASEAN coi Việt Nam là "thị trường cửa ngõ" để thâm nhập vào thị trường các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, HSBC đánh giá: Việc triển khai các chương trình phát triển bền vững tại Đông Nam Á là không thể tránh khỏi do khu vực này đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Ví dụ, Lloyd’s ước tính mức GDP 22,5 tỷ đô la Mỹ sẽ bị ảnh hưởng chỉ do tình trạng ngập lụt tại các thành phố Đông Nam Á . Nếu không được giải quyết, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo rằng biến đổi khí hậu có thể giảm 11% GDP của khu vực vào cuối thế kỷ này .

Ông Matthew Lobner, Giám đốc phụ trách các thị trường quốc tế, Giám đốc Chiến lược và Kế hoạch, HSBC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét: "ASEAN là nơi tập trung các doanh nghiệp lạc quan nhất thế giới – và những công ty tăng trưởng mạnh này nhận thức sâu sắc rằng phát triển bền vững và các mục tiêu thương mại song hành với nhau. Thật vui khi thấy các công ty Đông Nam Á tập trung hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, nhưng cần phải biến mong muốn thành hành động ý nghĩa."

Khảo sát được thực hiện với 9.100 công ty tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện quan điểm của những nhân sự giữ vai trò quyết định chính tại 2.299 doanh nghiệp khắp Đông Nam Á. Khảo sát do Kantar tiến hành trong khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9 năm 2019.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM