Tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc TW vào 2030, được loạt "ông lớn" Vingroup, Sun Group... đầu tư đang có tình hình kinh tế ra sao?

05/04/2023 18:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương, GRDP bình quân đầu người vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Vào ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. 

Đồng thời, địa phương sẽ trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, Khánh Hòa có 02 đô thị loại I (thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), 01 đô thị loại II (thành phố Cam Ranh), 01 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và các đô thị loại V. 

Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng. 

Kinh tế Khánh Hoà đang có tình hình tăng trưởng ra sao thời gian gần đây? 

Theo báo cáo về tình hình kinh tế của Cục thống kê Khánh Hoà, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước được 54.505,2 tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm 2021, mức tăng cao nhất từ trước đến nay và là tỉnh có tốc độ tăng GRDP cao nhất cả nước; quy mô nền kinh tế của tỉnh ước khoảng 95,97 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 6 so với 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.  

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Tổng sản lượng thủy sản được hơn 114.829 tấn, tăng 3,13%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,7%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước hơn 151.176 tỷ đồng, tăng 42,62%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 16.016 tỷ đồng, bằng 133,3% dự toán và tăng 13,78%; tổng doanh thu du lịch được 13.843,8 tỷ đồng, bằng 346,09% kế hoạch và gấp 5,75 lần; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước khoảng 1.600 triệu USD, tăng 22,87%… 

Sang đến quý I/2023, GRDP (theo giá so sánh 2010) của Khánh Hoà ước đạt 13.248,9 tỷ đồng, tăng 9,07% so cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 trên tổng số 63 tỉnh, thành. 

Tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc TW vào 2030, được loạt "ông lớn" Vingroup, Sun Group... đầu tư đang có tình hình kinh tế ra sao? - Ảnh 1.

Nguồn: Cục Thống kê địa phương

Trong đó, GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 10,2%; thuế sản phẩm trừ  trợ cấp sản phẩm giảm 0,55%. Đóng góp trong tổng mức tăng 10,2% của toàn  tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,57%, làm tăng 0,15 điểm  phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, làm tăng 2,74 điểm  phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 13,02%, làm tăng 6,24 điểm phần trăm. 

Về tình hình xuất, nhập khẩu, báo cáo cho biết, cán cân thương mại hàng hóa quý I/2023, xuất siêu được 136,6 triệu USD, bằng 37,05% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu được 58,9 triệu USD; khu vực kinh tế trong nước xuất siêu được 77,7 triệu USD.  

Về thu – chi ngân sách Nhà nước, trong quý I/2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.255 tỷ đồng, bằng 27,55% dự toán và giảm 11,47% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 540,4 tỷ đồng, bằng 27,22% và giảm 61,04%; thu từ sản xuất kinh doanh trong nước 3.714,6 tỷ đồng, bằng 27,6% và tăng 8,64%.  

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương ước được 2.863,3 tỷ đồng, bằng 19,22% dự toán và tăng 0,16% so cùng kỳ năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển được 1.282,1 tỷ đồng, bằng 19,49% và giảm 0,66% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 380,5 tỷ đồng, bằng 15,15% và tăng 75,82%); chi thường xuyên 1.581,2 tỷ đồng, bằng 19,61% và tăng 0,84%. 

Về đầu tư phát triển, Cục Thống kê Khánh Hoà cho hay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I/2023 theo giá hiện hành ước đạt 13.104,9 tỷ đồng tăng 12,17% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước đạt 2.649,9 tỷ đồng, tăng 5,86% (vốn trung ương quản lý 1.215 tỷ đồng, tăng 13,57% và vốn địa phương quản lý 1.434,9 tỷ đồng, tăng 0,11%); vốn ngoài nhà nước 7.950 tỷ đồng, tăng 14,48%; vốn đầu tư nước ngoài 2.505 tỷ đồng, tăng 12,04%.

Đáng chú ý, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Khánh Hoà năm 2023 được UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức vào ngày 2/4, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức lễ trao các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.250 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa còn ký biên bản ghi nhớ 16 dự án với tổng vốn đăng ký trên 80.600 tỷ đồng. Cụ thể, về lĩnh vực công nghệ thông tin Công ty CP FPT trao ghi nhớ nghiên cứu xây dựng dự án khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm, vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng.

Về lĩnh vực văn hóa - giáo dục, ký hai biên bản ghi nhớ bản gồm nghiên cứu đầu tư dự án trường liên cấp Vinschool của Công ty CP Vinschool (vốn đăng ký 510 tỷ đồng) và dự án cơ sở đào tạo và nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế TP.HCM tại TP. Nha Trang (vốn đăng ký 294 tỷ đồng). 

Ngoài ra, một số dự án khác cũng được ký kết biên bản ghi nhớ như Khu công nghiệp Nam Cam Ranh (vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng) của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam; nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Ninh Sơn (vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng) của Công ty CP Shinec và Công ty CP Chứng khoán SSI; dự án đầu tư Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng (vốn đầu tư 1.807 tỷ đồng) của Công ty CP phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ...

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 của Khánh Hòa đạt 8,3%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng; tăng trưởng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,0%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%;  

Tổng lượt khách du lịch đạt 13,8 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế và 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.  



Giang Anh

Theo Giang Anh

Cùng chuyên mục
XEM