Tỉnh miền Trung duy nhất không có thị xã, là "miền đất hội tụ những giá trị khác biệt" của cả nước
Địa phương có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 6 huyện, trong đó, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố loại II.
Tỉnh duy nhất ở miền Trung không có thị xã
Tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 6 huyện. Trong đó, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố loại II thuộc tỉnh, cách TP. Hồ Chí Minh 350km, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Ninh Thuận. Đây là tỉnh duy nhất ở miền Trung không có thị xã.
Tổng diện tích trên địa bàn là hơn 3.300km2, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông. Ninh Thuận nằm trên giao điểm của 3 vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Thời tiết Ninh Thuận có đặc điểm đặc biệt so với nhiều địa phương ở Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình có đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh. Nơi đây thường hiếm mưa, có lượng mưa ít nhất cả nước, với lượng mưa trung bình 700-800mm ở Phan Rang và tăng dần đến trên 1.100 mm ở miền núi.
Với đặc điểm khí hậu trên, Ninh Thuận có tiềm năng rất lớn trong phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hồi tháng 6/2024, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn EDP Renewables bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư dự án năng lượng tái tạo tại huyện Ninh Sơn, Bác Ái. Tháng 7/2024, PV Power (POW) đề xuất làm tổ hợp điện sạch quy mô gần 4 tỷ USD tại Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, nhờ sở hữu đường bờ biển dài 105km, Ninh Thuận là một trong bốn ngư trường lớn của cả nước cũng như là điểm đến đến hấp dẫn của khách du lịch biển.
Về kinh tế, theo Cục thống kê tỉnh Ninh Thuận, GRDP 9 tháng đầu năm trên địa bàn tăng 8% so với cùng kỳ, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,92%; khu vực dịch vụ tăng 7,49%.
Cơ cấu GRDP tỉnh Ninh Thuận chiếm lớn nhất thuộc về khu vực công nghiệp và xây dựng, với 38,98%; theo sau là khu vực dịch vụ (chiếm 28,71%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,81%; thuế sản phẩm chiếm 4,5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm ước tính tăng 11,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số ngành chủ lực sản xuất và phân phối điện tăng 13,03%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,13%; ngành khai khoáng chỉ tăng 2,57%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 9 tháng đạt 32.278 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Tầm nhìn chiến lược phát triển: “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển…
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10 -11%/năm; trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 53-54%; khu vực dịch vụ khoảng 34 - 35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12 - 13%. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) phấn đấu đạt khoảng 200 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, địa phương phát triển với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, sẽ trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.
Ninh Thuận sẽ phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh.
Hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%.