Tình huống pháp lý nào có thể xác định nữ ca sĩ Thủy Tiên khuất tất trong tiền từ thiện?

12/10/2021 08:41 AM | Xã hội

Theo luật sư, số liệu các tỉnh cung cấp có thể giúp củng cố chứng cứ, làm rõ việc khuất tất của tiền từ thiện nhưng chưa phải yếu tố duy nhất để xác định Thủy Tiên có vi phạm hay không.

Hôm 7/10, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM cho biết, đã chuyển đơn tố cáo ca sĩ Thuỷ Tiên liên quan tới hoạt động quyên góp từ thiện, lên Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC01), để xem xét và giải quyết theo quy định.

Vào tháng 09/2021, PC02, Công an TP.HCM tiếp nhận đơn của bà N. T. O. P. (ngụ tại TP.HCM) tố cáo bà Trần Thị Thuỷ Tiên (tức ca sĩ Thuỷ Tiên, SN 1985, trú quận 7, TP.HCM) có hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ người dân bão lụt vào tháng 10/2020.

Liên quan đến các hoạt động xác minh việc làm thiện nguyện của Thủy Tiên, thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng các tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi.....cho biết, phần lớn họ xác nhận nữ ca sĩ có đến trao từ thiện nhưng không nắm rõ được số tiền phát có khớp với thông báo ban đầu hay không.

Tại Quảng Bình, cả UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đều cho hay, không có số liệu tổng số tiền ca sĩ này làm từ thiện tại địa phương vì Thủy Tiên đã chủ động liên lạc với chính quyền các xã và phối hợp, trao hỗ trợ trực tiếp cho người dân chứ không thông qua tỉnh nên 2 cơ quan này không thể nắm rõ.

Tương tự, tại Thừa Thiên - Huế, cả Thủy Tiên và nghệ sĩ Hoài Linh có làm công tác trao tiền, quà cứu trợ bão lũ vào tháng 10/2020 và đầu tháng 6 vừa qua nhưng đều không thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

 Tình huống pháp lý nào có thể xác định nữ ca sĩ Thủy Tiên khuất tất trong tiền từ thiện? - Ảnh 1.

Nữ ca sĩ Thủy Tiên. Ảnh: FB.

Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật Anvi) cho rằng, trong các chuyến từ thiện, việc phải lập sổ sách, giấy tờ là không bắt buộc. Do đó, trong bối cảnh hàng vạn người nhận tiền từ thiện, con số có sự chênh lệch là chuyện bình thường, hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguyên nhân sai lệch có thể do việc tính toán hoặc do có những người đã nhận tiền nhưng không nhớ hoặc không cung cấp con số cho chính quyền thống kê.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, số liệu các tỉnh cung cấp có thể giúp củng cố chứng cứ, làm rõ hành vi ăn chặn tiền nhưng chưa phải yếu tố duy nhất để xác định có vi phạm hay không. Có 3 trường hợp có thể xảy ra, gồm: Con số trong sao kê trùng khớp, chênh lệch thấp hơn hoặc cao hơn so với con số được các địa phương cung cấp.

Thứ nhất, nếu số liệu trùng khớp thì đó là căn cứ để chứng minh ca sĩ Thủy Tiên trong sạch. Cùng với việc Thủy Tiên được chứng minh không ăn chặn tiền từ thiện, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xem xét xử lý người tố cáo về các hành vi vu khống hoặc lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp thứ hai, tổng số tiền sao kê cao hơn con số các địa phương cung cấp. Khi đó, cơ quan chức năng cần giải đáp hàng loạt nghi vấn như có hay không hành vi cắt xén, ăn chặn tiền từ thiện? Sai lệch con số do lỗi chủ quan, cố tình hay do khách quan? Có sự móc nối, câu kết, thông đồng để cùng nhau ăn chặn tiền hay không? Quá trình thu thập bằng chứng bắt đầu từ đâu, thu thập như thế nào?

Thứ ba, nếu con số sao kê thấp hơn dữ liệu của địa phương thống kê thì nhiều khả năng đó là do sự nhầm lẫn. Bởi lẽ, ngân hàng đã xác nhận việc cung cấp số tiền nhưng địa phương lại cung cấp con số cao hơn. Do đó, cần rà soát, kiểm tra lại việc kiểm đếm của địa phương.

Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM