Tin không vui: Tháng 7 năm 2021 xác lập 2 kỷ lục nóng đáng sợ nhất trong lịch sử 142 năm!

14/08/2021 10:33 AM | Xã hội

Năm 2021, tháng 7 nóng nhất lịch sử từng được ghi nhận - NOAA thông báo.

THÁNG 7/2021: XÁC LẬP 2 KỶ LỤC NÓNG ĐÁNG SỢ

Một tháng sau khi Bắc Mỹ lập kỷ lục về tháng 6 nóng nhất từ ​​trước đến nay, tháng 7 đã xếp ở vị trí đứng đầu: Trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận - Các nhà khoa học thuộc Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết hôm thứ Sáu 13/8 - vài ngày sau báo cáo về biến đổi khí hậu nghiêm trọng từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc.

NOAA cung cấp số liệu cho thấy, bề mặt Trái Đất (bao gồm vùng đất và đại dương) trong tháng 7/2021 đạt lượng nhiệt là 0,93 độ C - nóng nhất trong lịch sử 142 năm kể từ khi các nhà khoa học tiến hành đo đạc nhiệt độ toàn cầu.

Giám đốc NOAA Rick Spinrad lo ngại: "Tháng 7 thường là tháng ấm nhất thế giới trong một năm, nhưng tháng 7 năm 2021 đã vượt qua chính nó là tháng 7 nóng nhất (trong các tháng 7 của những năm trước đó) - kỷ lục 1; đồng thời là tháng nóng nhất từng được ghi nhận (so với các tháng khác của một năm) - kỷ lục 2. Hai kỷ lục mới này càng làm tình hình thêm tồi tệ hơn sau bản báo cáo "mã đỏ của nhân loại" mà IPCC vừa công bố ngày 9/8 vừa qua".


 Tin không vui: Tháng 7 năm 2021 xác lập 2 kỷ lục nóng đáng sợ nhất trong lịch sử 142 năm! - Ảnh 1.

Thông tin về tháng 7/2021 nóng nhất trong lịch sử đo đạc khí hậu của NOAA đăng tải trên mạng xã hội Tweet ngay 13/8/2021. Ảnh: NOAA

Với việc tháng 7/2021 là tháng 7 nóng nhất từ trước đến nay, nó đã phá kỷ lục nóng nhất của các tháng 7 của các năm trước đó, bao gồm năm 2016 (năm nóng nhất trong lịch sử), năm 2019 và năm 2020.

NOAA cũng ghi nhận nhiệt độ bề mặt đất liền ở Bắc Bán cầu tháng 7/2021 cao hơn mức trung bình tháng trước, vượt qua kỷ lục từ năm 2012.

VÀ NHỮNG HỆ LỤY KHÔNG THỂ TRÁNH

Chia nhỏ dữ liệu hơn nữa, NOAA cho biết, tháng 7/2021 đã có những kỷ lục và tác động không nhỏ đến Trái Đất:

1. Về nhiệt độ

- Tại châu Á, tháng 7 năm 2021 là tháng 7 nóng nhất được ghi nhận;

- Ở châu Âu, tháng 7/2021 là tháng nóng kỷ lục thứ hai trong lịch sử (hai tháng 7 nóng kỷ lục đồng thời trước đó ở châu Âu là tháng 7/2010 và tháng 7/2018);

- Ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương đều có nhiệt độ trong tháng 7 thuộc danh sách top 10 tháng nóng tương ứng của họ.

2. Về băng tan 2 cực

Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ cũng lưu ý rằng băng biển ở Bắc Băng Dương tính đến tháng 7/2021 thu hẹp lại và trở thành khu vực bao phủ nhỏ thứ 4 trong 43 năm phân tích - đứng sau tháng 7/2012, tháng 7/2019 và tháng 7/2020.

Mức độ bao phủ của băng biển ở Nam Cực cũng giảm kỷ lục trong tháng 7/2021.

3. Về loạt thời tiết khắc nghiệt bị kích hoạt

"Với dữ liệu của tháng trước, rất có thể năm 2021 sẽ được xếp hạng nằm trong số 10 năm nóng nhất thế giới từng được ghi nhận", NOAA viết trong tuyên bố.

Phân tích của NOAA về nhiệt độ kỷ lục trong tháng 7 dựa trên báo cáo đáng sợ của Liên Hợp Quốc cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra thời tiết cực đoan và thế giới sẽ chứng kiến ​​nhiệt độ tăng 2,7 độ C vào năm 2040, so với dự báo trước đó từ năm 2030 đến 2052.

Điều này đã kích hoạt hàng loạt các dạng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan trải khắp hành tinh, bao gồm: Cháy rừng, sóng nhiệt, băng tan, bão lũ, hạn hán...

- Bão dị thường: NOAA đã nêu bật số lượng các cơn bão được đặt tên nhiều trên mức bình thường ở vùng nhiệt đới, với Elsa, cơn bão được đặt tên thứ 5, đã hình thành vào ngày 1/7. Bão Elsa là cơn bão sớm nhất ở vùng biển Caribe và là cơn bão thứ 5 hình thành sớm nhất được ghi nhận ở 'ổ bão' Đại Tây Dương.

- Nắng nóng: Đầu năm 2021, phân tích từ NOAA dự báo rằng Mỹ sẽ trải qua một mùa hè nóng hơn bình thường, do biến đổi khí hậu tiếp tục phá vỡ các mô hình thời tiết trên khắp hành tinh.

Quả thực, nhiệt độ khắc nghiệt của tháng Bảy năm 2021 tại Mỹ được gia tăng một phần bởi đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Canada kéo dài xuống tận 2 bang Washington và Oregon của Mỹ, tạo ra nhiệt độ kỷ lục; Trong khi đó, bang California đang phải hứng chịu những đám cháy rừng khốc liệt nhất.

- Cháy rừng: Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, cháy rừng khổng lồ tại Siberia (Nga) hồi đầu tháng 7/2021 lớn bằng tất cả các đám cháy rừng trên thế giới cộng lại! Chỉ riêng các vụ cháy rừng ở Siberia năm 2021 đã thải ra 505 triệu tấn CO2 vào khí quyển.

- Ngoài ra, các đợt nắng nóng, lũ lụt và hạn hán sẽ trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn, theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc, công bố ngày 9/8 vừa qua.

Tính đến nửa cuối tháng 7/2021, thiên tai đã bùng phát tại nhiều châu lục, trong đó có lũ lụt chết người ở Trung Quốc; ngập lụt và nắng nóng tại Nam Âu và Tây Âu; Canada thì nóng kỷ lục trong lịch sử; Mỹ thì ngập chìm trong khói cháy rừng tàn khốc; còn Siberia như đã nói, phát thải khí CO2 khổng lồ vào bầu khí quyển!

Song song với đại dịch Covid-19, con người đang phải chống chịu những hậu quả tàn khốc của nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo của IPCC, lần đầu tiên các nhà khoa học chính thức công nhận Biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân dẫn đến loạt thời tiết khắc nghiệt và cực đoan đó. Và không ai khác, con người chính là nguyên nhân chính làm cho hành tinh nóng lên, khí hậu bị biến đổi.

Các hoạt động đốt than đá lấy năng lượng, giao thông dày đặc trong một thế giới có dân số ngày một tăng, cùng các hoạt động sinh sống, chưa kể các nạn phá rừng, khai thác tài nguyên cạn kiệt... tất cả khiến cho bức tranh khí hậu của con người ảm đạm và nhuốm gam màu xám hơn bao giờ hết!

Các nhà khoa học NOAA lo lắng, nếu cứ đà này, sự kiện '10.000 năm mới có một lần' được gây ra bởi một mái vòm nhiệt, nghĩa là hơi ấm lan rộng vào bầu khí quyển và tác động đến áp suất và các kiểu gió, có thể sẽ xảy ra sớm.

Khi đó, hệ quả cực kỳ khó lường!

Trang Ly

Cùng chuyên mục
XEM