Tín hiệu nhỏ, chớ coi thường: Chảy máu chân răng, nuốt đau lên tai, mụn cơm cũng có thể BIẾN CHỨNG thành ung thư khiến 177.000 người tử vong/năm

04/04/2022 15:16 PM | Sống

Những triệu chứng đơn giản, hầu hết ai cũng từng gặp ít nhất một lần lại tiềm ẩn nguy cơ chuyển biến thành ung thư khoang miệng.

Ung thư khoang miệng là một tổn thương ác tính xuất hiện tại vùng khoang miệng bao gồm: lưỡi, lợi hàm dưới, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên, khẩu cái và môi. Trong đó ung thư lưỡi hay gặp nhất chiếm tỷ lệ khoảng 40%.

Hiện nay, nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư khoang miệng đã được công bố: thuốc lá, rượu bia, kích thích cơ học (răng có bờ sắc cạnh, răng giả chất lượng kém…), kích thích hóa học (chất cay, thực phẩm có hàm lượng muối cao…), tổn thương niêm mạc do nhiễm trùng (viêm quanh răng, viêm xoang hàm), nhiễm virut (các virut viêm gan, HPV…), tuổi. Trong những yếu tố này, thuốc lá và rượu bia là hai yếu tố có mối liên quan phổ biến nhất với ung thư khoang miệng.

Ung thư khoang miệng đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong ngày càng tăng và là một trong 10 ung thư phổ biến nhất. Cụ thể, theo GLOBOCAN 2018, mỗi năm có khoảng 354.000 ca mới mắc và có 177.000 ca tử vong do ung thư khoang miệng.

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao vì khoảng 53% bệnh nhân ung thư khoang miệng có biểu hiện bệnh lan tràn tại vùng hoặc di căn xa tại thời điểm chẩn đoán.

Ung thư khoang miệng thường gặp ở tuổi từ 50-70, với tỷ lệ nam/nữ khoảng 2,5/1. Trên 90% bệnh nhân ung thư khoang miệng xuất hiện ở tuổi trên 45 và tăng ổn định đến 65 tuổi sau đó lại giảm dần.

Nguyên nhân gây ung thư khoang miệng

Thuốc lá: Thuốc lá có liên quan đến hầu hết các ung thư khoang miệng ở nam và hơn nửa số ung thư khoang miệng ở nữ. Chỉ có khoảng 2-10% bệnh nhân ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên không hút thuốc lá. Mọi hình thức sử dụng thuốc lá đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng (dạng xì gà, tẩu, thuốc lá dạng nhai (chewing), thuốc lá dạng hít (snuff) và hút thuốc lá ngược đầu). Xì gà, hút tẩu có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng cao hơn thuốc lá thông thường, hút tẩu còn làm tăng nguy cơ ung thư môi.

Tín hiệu nhỏ, chớ coi thường: Chảy máu chân răng, nuốt đau lên tai, mụn cơm cũng có thể BIẾN CHỨNG thành ung thư khiến 177.000 người tử vong/năm - Ảnh 1.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư khoang miệng

Rượu: Uống rượu cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư khoang miệng. Chỉ có dưới 3% bệnh nhân ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên không uống rượu. Rượu và thuốc lá có tác dụng hiệp đồng với nhau. Một yếu tố đơn độc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 2-3 lần, nhưng khi kết hợp lại, chúng có thể tăng gấp 15 lần.

HPV: Virus lây qua đường tình dục (thường do quan hệ bằng miệng) được gọi là u nhú ở người (HPV) cũng có thể gây ung thư khoang miệng, đặc biệt là nhiễm HPV típ 16.

Dinh dưỡng: Thiếu vitamin A và/hoặc ß-caroten là yếu tố nguy cơ gây ung thư biểu mô khoang miệng.

Các tổn thương tiền ung thư: Tổn thương tiền ung thư thường gặp trong ung thư khoang miệng là bạch sản, hồng sản và xơ hóa dưới niêm mạc. Các tổn thương này chưa phải là ung thư nhưng có nguy cơ chuyển thành ung thư khi có các tác nhân sinh ung thư tác động vào.

- Bạch sản là tổn thương màu trắng, không mất đi khi gạt. Bạch sản được chia ra 4 loại: dạng phẳng, dạng mụn cơm, dạng loét và dạng chồi. Bạch sản có khả năng trở nên ác tính trung bình là 6%, đối với dạng phẳng là 5%, dạng mụn cơm là 10%, dạng loét là 15-20% và dạng phẳng thoái hóa là 55%.

- Hồng sản là tổn thương màu đỏ, mịn như nhung, hơi nhô cao với tỷ lệ ung thư là 33,3%.

- Xơ hóa dưới niêm mạc là tổn thương mạn tính, gây sẹo xơ trong khoang miệng, biểu hiện bởi các sợi xơ dưới niêm mạc dẫn đến các cử động hạn chế của miệng và lưỡi.

Dấu hiệu ung thư khoang miệng

- Hạt cơm màu trắng, thường xuất hiện tại lợi hàm hoặc niêm mạc má và hầu hết không có triệu chứng.

- Chấm trắng xuất hiện trên nền niêm mạc bình thường với bề mặt gồ ghề và bờ viền không đều.

- Tổn thương niêm mạc gây ra bởi răng giả hoặc bờ răng sắc nhọn và không lành sau 2 tuần.

- Tổn thương dạng cục cứng dưới niêm mạc với bờ viền không rõ, không đau và phát triển to ra từ từ. Niêm mạc trên bề mặt bình thường.

- Tổn thương niêm mạc không rõ nguyên nhân và không lành sau 2 tuần.

Tín hiệu nhỏ, chớ coi thường: Chảy máu chân răng, nuốt đau lên tai, mụn cơm cũng có thể BIẾN CHỨNG thành ung thư khiến 177.000 người tử vong/năm - Ảnh 2.

Đau lan tới tai, chảy máu chân răng đều có thể là triệu chứng của bệnh ung thư khoang miệng

- Tổn thương không lành sau nhổ răng, sưng đỏ, dễ chảy máu khi chạm vào tổn thương.

- Một vùng niêm mạc khoang miệng trở nên đỏ và gây đau rát, khó lành.

- Xuất hiện đau vùng khoang miệng không rõ nguyên nhân, đau ngày càng trầm trọng hơn.

- Nuốt đau nhói lên tai; nói khó; cảm giác vướng trong miệng; khạc ra đờm nhầy, có lẫn máu và mùi hôi thối

Phương pháp xét nghiệm hoặc kiểm tra

Khi thấy miệng có những dấu hiệu bất thường, mọi người nên đi kiểm tra sức khỏe của bản thân để nhanh chóng phát hiện ra bệnh bằng một số phương pháp như:

Sờ nắn hạch: Sờ nắn hệ thống hạch cổ, hạch dưới hàm, hạch dưới cằm. Khám cả hai bên hạch cổ.

Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy ra một mẩu mô nhỏ bằng phẫu thuật, dùng kim hoặc nạo vùng bất thường, nơi nghi ngờ là ung thư. Mô được kiểm tra để tìm tế bào ung thư. Đây là cách tốt nhất để biết chắc chắn bạn có bị ung thư hay không.

Tín hiệu nhỏ, chớ coi thường: Chảy máu chân răng, nuốt đau lên tai, mụn cơm cũng có thể BIẾN CHỨNG thành ung thư khiến 177.000 người tử vong/năm - Ảnh 3.

Hãy đi kiểm tra ngay khi có triệu chứng bất thường

Khám răng: Nha sĩ của bạn có thể sẽ kiểm tra toàn bộ, chụp X-quang răng và hàm của bạn để phát hiện tổn thương xâm lấn.

Nha sĩ cũng có thể loại bỏ răng xấu để giảm nguy cơ sâu răng và nhiễm trùng.

Khám toàn thân: Phát hiện di căn, các ung thư phối hợp hoặc với các bệnh khác, đánh giá khả năng điều trị theo từng bệnh nhân.

Siêu âm: Siêu âm vùng cổ tìm hạch, siêu âm ổ bụng tìm di căn, chụp phổi thẳng tìm di căn. Xạ hình xương để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn. Xạ hình thận để đánh giá chức năng thận trước và sau điều trị.

Phòng ngừa ung thư khoang miệng

Để dự phòng ung thư nói chung, ung thư khoang miệng nói riêng, cần phòng và giảm các yếu tố nguy cơ như: Khám chuyên khoa định kỳ 6 tháng/lần; vệ sinh răng miệng đúng cách, không hút thuốc lá, bia rượu, tránh xa yếu tố môi trường hóa chất, khói bụi. Cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với hoạt động thể dục thể thao giúp cho cơ thể tăng sức miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật.

Để tăng cường sức khỏe và ngừa nguy cơ ung thư cần tăng cường ăn nhiều loại trái cây và rau quả. Các vitamin và chất chống oxy hóa chứa trong các loại thực phẩm có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư khoang miệng.

Nguồn: BV 108; BV Ung bướu HN; BV Vinmec

Tín hiệu nhỏ, chớ coi thường: Chảy máu chân răng, nuốt đau lên tai, mụn cơm cũng có thể BIẾN CHỨNG thành ung thư khiến 177.000 người tử vong/năm - Ảnh 4.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM