Tín dụng đen: Những mánh khóe khiến người vay khuynh gia bại sản

27/12/2018 19:59 PM | Kinh doanh

Lãi suất cho vay khoảng 1.500 đến 4.000 đồng/1 triệu đồng/ngày khi người dân mất khả năng thanh toán, bọn chúng quay ra dùng lời lẽ đe dọa, đòi nợ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Công an tỉnh Ninh Bình đã tổ chức kiểm tra 434 lượt các cơ sở cầm đồ, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 92 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 170 triệu đồng, thu hồi 125 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.

Trong đó, đã phát hiện thu giữ hàng chục xe máy các loại của cửa hàng cầm cố tài sản là tang vật vụ án trộm cắp.

Các huyện, thành phố có nhiều cơ sở là thành phố Ninh Bình, huyện Nho Quan, Hoa Lư, Yên Khánh, Kim Sơn…

Thành phố Ninh Bình là trung tâm kinh tế- xã hội của tỉnh, có nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ, công ty hỗ trợ tài chính.

Công an thành phố Ninh Bình tập trung rà soát những cơ sở không có giấy phép hoặc không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép để thu lãi suất cao, cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu chính chủ; Đồng thời thu hồi tài sản cầm đồ được chủ cơ sở cất, giấu tại nơi khác và không ghi vào sổ sách.

Thiếu tá Ngô Quang Tĩnh, Phó Trưởng Công an thành phố Ninh Bình, cho biết đã thực hiện kiểm tra 85 lượt cơ sở, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, tạm giữ 21 xe mô tô, 4 xe ô tô.

“Chúng tôi thấy thủ đoạn của chúng là khi thấy người dân có nhu cầu thì các đối tượng này tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể và đơn giản, khác với điều kiện của ngân hàng quy định. Bằng cách ký sổ sách, mức lãi suất cho vay khoảng 1500 đến 4000 đồng/1 triệu đồng, thậm chí lên đến 7000-8000/ngày. Khi người dân mất khả năng thanh toán thì bọn chúng quay ra dùng lời lẽ đe dọa, đòi nợ. Mặc dù chưa có hiện tượng đâm chém nhau nhưng chúng tôi xác định triệt phá kịp thời, không để xảy ra tình hình phức tạp gì”, Thiếu tá Tĩnh nói thêm.

Trong khi đó, sau khi vay mà không trả nợ được thì các đối tượng sử dụng nhiều hình thức siết nợ, đe dọa người vay. Cán bộ công an đến làm việc thì người dân có tâm lý trốn tránh không viết đơn tố cáo.

Do đó, việc xử lý tội danh cho hoạt động “tín dụng đen” theo Điều 201, Bộ luật hình sự gặp khó khăn vì người bị hại không trình báo.

Hầu hết chỉ xử lý các hành vi khác như tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội, đặt biển quảng cáo sai quy định nên tính răn đe chưa cao.

Thậm chí, một số đối tượng hoạt động cầm đồ đối phó “lách luật” bằng hình thức mua bán, trao đổi xe ô tô, mô tô đã qua sử dụng; cho vay “tín dụng đen” không ghi lãi suất thực tế trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, hiện có một số người dân từ Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng  mở rộng địa bàn hoạt động câu kết với các đối tượng trong tỉnh Ninh Bình để thành lập cơ sở cầm đồ. Theo Trung tá Tống Văn Sơn, Trưởng phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Bình, mặc dù chưa phát hiện cho vay nặng lãi nhưng thấy dấu hiệu có tụ tập nhóm trong và ngoài tỉnh, thì hàng tháng tiến hành gọi hỏi các đối tượng yêu cầu viết giấy cam đoan cam kết: “Nếu không có giấy tờ tùy thân mà lưu trú thì ra quyết định xử phạt hành chính và bắt viết giấy cam đoan khi được lưu trú thì phải đảm bảo an ninh trật tự không để xảy ra tình trạng đòi nợ thuê. Trong thời gian qua, đối tượng ngoài vào hoạt động đến chuẩn bị vào thuê địa điểm kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính thì chúng tôi đến thường xuyên kiểm tra viết cam đoan, cam kết, đồng thời yêu cầu chủ nhà hỏi trưng cầu ý kiến tổ dân phố. Nếu họ không đồng ý thì không cấp giấy tờ lưu trú nữa”.

Do thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, phòng ngừa đấu tranh xử lý nên trong 82 đối tượng và 220 co sở hoạt dộng “tín dụng đen”, kinh doanh cầm đồ và 22 công ty dịch vụ hỗ trợ tài chính thì đã có hàng loạt cơ sở cầm đồ, công ty xin tạm dừng hoạt động hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh khác.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có thêm 23 cơ sở cầm đồ, 3 công ty dịch vụ hỗ trợ tài chính thành lập mới.

Như vậy, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 50 đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen, 118 cơ sở kinh doanh cầm đồ và 18 công ty dịch vụ hỗ trợ tài chính đang hoạt động nhưng đã cơ bản chấp hành các quy định pháp luật , chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Đại úy Hà Văn Thạch, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi chia thành 6 nhóm đối tượng, gồm, các nhóm cầm đồ chui không chăng biển hiệu, không đăng ký kinh doanh và ghi có hoạt động cho vay nặng lãi. Cho vay đòi nợ siết nợ. Cho vay nặng lãi, cầm đồ tài sản nghi là của người khác phạm tội mà có. Nhóm đối tượng móc nối với các đối tượng ngoài”.

Hệ lụy tín dụng đen không chỉ là phải chịu lãi suất “cắt cổ” khiến nhiều gia đình tán gia bại sản, mà còn có thể dẫn đến hành vi đe dọa tính mạng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...

Dự báo từ nay đến Tết nguyên đán 2019, hoạt động “tín dụng đen” và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Ninh Bình tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm để nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân.

Đồng thời cảnh báo người dân có nhu cầu vay tiền không nên tìm đến các cơ sở cho vay nặng lãi.

Trong trường hợp bị các đối tượng đe dọa, Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị mọi người dân cần gọi đến số điện thoại đường dây nóng trình báo lên cơ quan công an để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo Sơn Lâm

Từ khóa:  tín dụng đen
Cùng chuyên mục
XEM